Đắk Lắk: Nguy cơ khó kiểm soát dịch HIV/AIDS khi nguồn viện trợ kết thúc

15/11/2016 13:54

Hiện nay, tại Đắk Lắk đang điều trị ARV miễn phí cho hơn 500 bệnh nhân HIV/AIDS. Phần lớn các bệnh nhân được điều trị phác đồ bậc 1 với chi phí khoảng hơn 3 triệu đồng/bệnh nhân/năm. Khi nguồn viện trợ cho công tác này kết thúc, nếu số bệnh nhân này bỏ thuốc, dẫn đến kháng thuốc thì giá thành điều trị sẽ tăng lên gấp 7-8 lần và dịch HIV/AIDS sẽ khó kiểm soát.

Tư vấn chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh

Hiện nay, nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm nhanh và sẽ kết thúc vào năm 2017. Vì vậy, đây là thời điểm các dự án viện trợ quốc tế cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Đắk Lắk sẽ chấm dứt, người bệnh điều trị HIV/AIDS sẽ phải chi trả phí điều trị.

Theo tính toán, chi phí điều trị thuốc ARV cho mỗi bệnh nhân khoảng 300.000 đồng/tháng. Đây không phải là số tiền quá lớn nhưng vẫn là khoản chi phí “quá sức” đối với nhiều người nhiễm HIV/AIDS. Vì hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng chi phí cho việc điều trị nếu phải bỏ tiền để chi trả cho điều trị ARV.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị thuốc ARV thì có thể duy trì sức khỏe tốt như những người bình thường, thậm chí nhiều người có thể sống được 20-30 năm.

Đa số người nhiễm HIV là người nghèo, nhiều gia đình, vợ chồng và các con của họ đều nhiễm HIV cần được thường xuyên điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội nhưng không có khả năng mua bảo hiểm y tế (BHYT) cho bản thân và gia đình, chưa kể đến những khó khăn về thủ tục trong quá trình làm thẻ BHYT đối với những người nhiễm HIV. Thực tế, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT hiện chỉ chiếm khoảng 30%.

Việc điều trị ARV phải được tiến hành liên tục và suốt đời, nếu bị gián đoạn hoặc dừng lại cũng đồng nghĩa với việc khó có thể kiểm soát được sự bùng phát dịch HIV trong cộng đồng. Do đó, nguồn kinh phí cho điều trị HIV/AIDS hiện là vấn đề nan giải cần có các giải pháp tổng thể để có nguồn tài chính bền vững cho thuốc ARV.

Mới đây Bộ Y tế đã đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT; giao Sở Y tế địa phương rà soát và các ngành liên quan tổng hợp danh sách người nhiễm HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT trên địa bàn đang được quản lý tại các cơ sở y tế, các trung tâm thuộc ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ sở khác.

Bên cạnh đó, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV; huy động kinh phí hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS... để sớm đạt được mục tiêu 100% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT.
Top