Chia sẻ kinh nghiệm để người nhiễm HIV tiếp cận điều trị ARV

30/11/2016 17:30

Được đánh giá là 1 trong 5 địa phương thực hiện tốt nhất mục tiêu 90 thứ hai (90% người nhiễm HIV đã phát hiện được điều trị bằng thuốc ARV) trong 3 mục tiêu thí điểm, Nghệ An tiếp tục nỗ lực để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2020 và hoàn thành sớm hơn mục tiêu vào năm 2017.

Nhân Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông - Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có buổi phỏng vấn BS. Lê Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An về kinh nghiệm triển khai thí điểm mục tiêu 90-90-90. Đây là 3 mục tiêu mà chủ đề của Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS hướng tới.

BS. Lê Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thùy Chi

Là địa phương triển khai tốt thí điểm mục tiêu 90-90-90, xin ông chia sẻ kinh nghiệm thực hiện những mục tiêu trên?

BS. Lê Thanh Hà: Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc về các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV được biết về tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV đã phát hiện được điều trị bằng thuốc ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng virus được ức chế) vào năm 2020, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã lựa chọn 5 tỉnh/thành phố làm tỉnh ưu tiên để triển khai kế hoạch 90-90-90, trong đó có tỉnh Nghệ An.

Ngày 16/10/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 632/KH-UBND triển khai kế hoạch thực hiện chiến lược hướng tới mục tiêu 90-90-90 giai đoạn 2015-2017 và tầm nhìn 2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Sau một năm thực hiện, Nghệ An đã thu được kết quả như sau: Đối với chỉ tiêu 1, địa phương đạt được 4.740 người nhiễm trong danh sách quản lý HIVInfo (73% so với chỉ tiêu cuối kỳ). Như vậy, vẫn cần phát hiện thêm 1.780 trường hợp. Số người nhiễm trong danh sách quản lý HIVInfo giảm là do Nghệ An đã tiến hành rà soát bệnh nhân và làm sạch dữ liệu trong HIVInfo từ quý III/2016. Đa số các huyện có chỉ tiêu 1 đạt kết quả trên 50%, trừ Kỳ Sơn đạt 26%.

Đối với chỉ tiêu thứ 2, số liệu thống kê cho thấy, có 3.559 người nhiễm HIV đang được điều trị ARV (đạt 61% so với chỉ tiêu ước tính và đạt trên 75% số người nhiễm HIV còn sống đang quản lý). Ngoài ra, Nghệ An hiện đang điều trị cho 157 người nhiễm từ tỉnh khác và 267 người nhiễm trong trại giam. Riêng quý III/2016 tăng số điều trị ARV mới là 256 người.

Ở chỉ tiêu thứ 3, hiện có 2.657 người nhiễm HIV được điều trị ARV trên 12 tháng (50% so với chỉ tiêu ước tính, đạt gần 75% so với số người nhiễm HIV hiện đang điều trị ARV).

Sau một năm triển khai thí điểm, Nghệ An được đánh giá là tỉnh thực hiện tốt nhất mục tiêu 90 thứ hai do Nghệ An đã triển khai đồng bộ từ dự phòng, xét nghiệm đến chăm sóc điều trị tại 100% các huyện thành thị. Bên cạnh đó, nhờ có sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh và các đơn vị triển khai cùng với sự hỗ trợ kịp thời về tài chính, kỹ thuật của Trung ương và các tổ chức quốc tế.

Ngoài ra, Nghệ An còn tăng cường công tác phát hiện và điều trị bằng hình thức xét nghiệm điều trị lưu động tại các địa bàn trọng điểm như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương. Bên cạnh đó, tăng cường công tác cấp phát thuốc ARV tại xã, phường.

Địa phương có gặp khó khăn trong quá trính thực hiện mục tiêu 90-90-90? Theo ông cần phải có giải pháp gì để giải quyết những khó khăn trên?

BS. Lê Thanh Hà: Việc hoàn thành các chỉ tiêu thứ nhất của mục tiêu 90-90-90 là một khó khăn thách thức lớn của toàn tỉnh đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất lớn của ngành y tế nói chung và sự hỗ trợ của toàn xã hội.

Đứng trước thách thức trên, Nghệ An đề ra giải pháp như đa dạng hóa mô hình tiếp cận và gắn kết chặt chẽ hoạt động tiếp cận với các dịch vụ HIV; tiếp tục các giải pháp rút ngắn thời gian khẳng định và tăng độ bao phủ của dịch vụ xét nghiệm; tiếp tục đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm và tăng độ bao phủ của dịch vụ mở rộng dịch vụ, hỗ trợ triển khai xét nghiệm không chuyên.

Bên cạnh đó, tăng cường triển khai xét nghiệm lưu động kết hợp điều trị lưu động tại các địa bàn ưu tiên. Đồng thời, liên tục đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở dịch vụ và quản lý chất lượng dịch vụ.

Để hướng tới kết thúc đại dịch AIDS, phấn đấu thực hiện tốt thí điểm các mục tiêu 90-90-90, địa phương có kế hoạch gì trong thời gian tới?

BS: Lê Thanh Hà: Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung các hoạt động để thực hiện thí điểm tốt các mục tiêu trên. Cụ thể, đối với hoạt động tiếp cận, sẽ tiếp tục sử dụng các mô hình tiếp cận hiệu quả đã được áp dụng như mô hình miền núi, đồng đẳng viên, đồng thời áp dụng các mô hình thí điểm mới; tiếp tục thực hiện các đợt chiến dịch tiếp cận - xét nghiệm và điều trị lưu động tại các huyện trọng điểm; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao kĩ năng tiếp cận và chuyển gửi, giảm kỳ thị cho mạng lưới tiếp cận cộng đồng, đặc biệt là huyện Kỳ Sơn, Anh Sơn; rà soát và tìm kiếm các trường hợp nhiễm HIV đã được phát hiện tại bệnh viện và cơ sở điều trị Methadone để kết nối điều trị ARV; tiếp tục sử dụng mô hình y tế thôn bản kết hợp với các tổ chức xã hội dân sự trong tiếp cận một cách linh hoạt phù hợp với thực tế từng địa bàn của 7 huyện miền núi.

Đối với công tác tư vấn xét nghiệm HIV, tiếp tục triển khai phòng xét nghiệm khẳng định tuyến tỉnh và 4 phòng xét nghiệm khẳng định tuyến huyện; triển khai đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến bệnh viện cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV trong bệnh viện và cải thiện việc kết nối/chuyển gửi khách hàng đến cơ sở chăm sóc điều trị; tiếp tục hỗ trợ duy trì và cải thiện chất lượng hoạt động xét nghiệm không chuyên do y tế thôn bản cung cấp tại 8 xã tại huyện Tương Dương; tăng cường mô hình kết hợp xét nghiệm lưu động với chăm sóc điều trị lưu động thay thế cho dịch vụ xét nghiệm lưu động đơn lẻ.

Địa phương cũng sẽ tập trung thực hiện tốt hoạt động điều trị. Đó là tiếp tục triển khai phòng khám chăm sóc điều trị tại 21/21 huyện thành thị. Tiếp tục hoạt động cấp phát thuốc tại xã phường; tiếp tục triển khai điều trị lưu động tại các địa bàn người bệnh có khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ điều trị; tiếp tục hoàn thiện công tác khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Trong công tác tăng cường năng lực hệ thống theo dõi đánh giá, Nghệ An sẽ tăng cường công tác theo dõi giám sát dịch tại cơ sở; hỗ trợ tổ chức tập huấn về TT03 và các chỉ số khác của dự án và công cụ kiểm định chất lượng số liệu cho các cán bộ kỹ thuật và cán bộ tuyến huyện; tiến hành kiểm định chất lượng số liệu tại tất cả các huyện với hỗ trợ từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) và các dự án.

Hưởng ứng Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS, xin ông cho biết những hoạt động của địa phương trong dịp này?

BS. Lê Thanh Hà: Để hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay, tỉnh Nghệ An tổ chức các hoạt động chính, như: Ban hành văn bản chỉ đạo cấp tỉnh; tổ chức Hội nghị triển khai Tháng hành động Quốc gia; tổ chức mít tinh và diễu hành hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS tại các huyện, xã trọng điểm về HIV/AIDS; tổ chức các hoạt động truyền thông, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư; triển khai các buổi nói chuyện tryền thông trực tiếp tại các trường học, cụm dân cư… Trong tháng hành động, địa phương tăng cường tư vấn, truyền thông các hoạt động xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; tặng quà cho người nhiễm HIV và tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top