Các địa phương hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS

30/11/2020 17:27

Nhiều địa phương trên cả nước triển khai nhiều hoạt động nhằm hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12).

Tại Phú Thọ, Sở Y tế tỉnh phối hợp với Quỹ Chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ (AHF) tổ chức Lễ Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống AIDS 1/12/2020 với chủ đề: “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Gần 1.400 người đã đến tham dự.

HIV/AIDS vẫn là vấn đề đang được thế giới quan tâm hiện nay. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, kể từ trường hợp đầu tiên nhiễm HIV được phát hiện vào cuối năm 1996, đến nay toàn tỉnh có 3.448 người nhiễm HIV; 1.308 người bệnh AIDS, 1.584 người tử vong do AIDS. Số người nhiễm HIV phát hiện mới trong 10 tháng đầu năm 2020 là 76 người (giảm 48 người so với cùng kỳ), số mắc AIDS là 8 người, 1.900 người nhiễm HIV/AIDS còn sống quản lý được và đã được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV). Từ năm 2017, tổ chức AHF đã hỗ trợ tỉnh Phú Thọ chăm sóc và điều trị cho gần 2000 người nhiễm, hằng năm hỗ trợ xét nghiệm cho hàng nghìn khách hàng có nguy cơ lây nhiễm HIV và kết nối các ca nhiễm vào chương trình chăm sóc và điều trị.

Ban tổ chức trao 30 suất quà gồm cho 30 em bị nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 diễn ra từ ngày 10/11-10/12 với nhiều hoạt động truyền thông trong cộng đồng nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân vào thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Đồng thời, hưởng ứng các mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp), hướng tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030...

Trong thời gian tới, các ban ngành đoàn thể tăng cường các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng chống HIV/AIDS, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người sống ở vùng sâu vùng xa và cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS để mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng không bị lây nhiễm HIV.

Nhân dịp này, tổ chức AHF đã trao 30 phần quà nhằm chia sẻ, động viên các trường hợp bị nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Đoàn diễu hành tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS trên các trục đường chính tại Phú Thọ diễn ra ngay sau lễ mít tinh.

Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS cũng vừa diễn ra sáng nay (30/11) tại Nghệ An.

Trong những năm vừa qua, công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến tháng 11/2020 Nghệ An có 21/21 huyện, thị, thành có người nhiễm HIV; 10.094 người nhiễm HIV được báo cáo, trong đó số người chết do AIDS là 4.245 người. Số người nhiễm HIV còn sống là 5.849 người. Tổng số bệnh nhân đang được điều trị thuốc ARV là 4.693 bệnh nhân.

Đến nay, Nghệ An đã đạt chỉ tiêu trên 87% số người nhiễm biết được tình trạng của mình; 80,2% số người nhiễm đang được điều trị bằng thuốc ARV. Công tác điều trị đã được triển khai ở 21/21 huyện, thành, thị với 25 cơ sở chăm sóc và điều trị. Các hoạt động cấp phát thuốc tại xã phường, lưu động về tư vấn, xét nghiệm, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su...đã được triển khai đồng bộ và đã tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các chỉ tiêu 90-90-90.

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 của cả nước. Tình hình dịch HIV/AIDS vẫn đang trong giai đoạn tập trung, diễn biến phức tạp. Tỷ lệ người nhiễm HIV thuộc nhóm Nghiện chích ma tuý chiếm 80%.

Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã nêu rõ chủ đề Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS 2020 “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”; kêu gọi các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và mọi người dân tích cực thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030, với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Trong đó, các cấp, ngành cần coi nhiệm vụ phòng chống HIV/AIDS vừa có tính cấp bách vừa có tính lâu dài; quan tâm chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 đến tận các cơ sở và người dân, đạt hiệu quả cao; tổ chức thực hiện tốt Luật phòng, chống HIV/AIDS và các nghị quyết, chỉ thị, nghị định liên quan.

Mọi người cần tích cực tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS; thường xuyên thăm hỏi động viên, chăm sóc những người không may bị nhiễm, giới thiệu đến cơ sở điều trị để họ được điều trị thuốc kháng virus ARV; khuyến khích họ tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, cai nghiện, giúp họ có trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Tại Sơn La, Ban Chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Dự Lễ mít tinh có lãnh đạo một số sở, ban ngành; các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh; các đơn vị y tế trực thuộc đóng trên địa bàn Thành phố và các cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Sơn La.

Ở Sơn La, số người nhiễm HIV/AIDS đang ở giai đoạn tập trung trong nhóm người có nguy cơ cao. Tính đến tháng 30/10/2020, tỉnh Sơn La có 4.862 trường hợp nhiễm HIV còn sống, trong đó 4.310 trường hợp đang được điều trị bằng thuốc kháng vi rút ARV.
Để góp phần có cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Trong thời gian tới, Sơn La tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng, chống HIV/AIDS; cán bộ, công chức, viên chức là những người đi tiên phong trong phòng, chống HIV/AIDS; ngành Y tế tỉnh tiếp tục duy trì tốt công tác chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Để hưởng ứng, các gia đình, tổ chức xã hội tăng cường hỗ trợ và tiến tới xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; người nhiễm HIV/AIDS thể hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội; chính quyền các cấp tiếp tục tạo điều kiện giúp mọi người dân tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS...

Đồng Nai, Sở Y tế tỉnh cũng vừa tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 6.000 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, có hơn 5.400 trường hợp đã được quản lý. Trong 9 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 754 trường hợp nhiễm HIV mới, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng tăng. Người nhiễm HIV có độ tuổi từ 25-49 chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam giới, đặc biệt là nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới.

 Diễu hành trên các tuyến phố sau Lễ mít tinh

Mặc dù công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Song tình hình HIV/AIDS vẫn còn những diễn biến phức tạp và công tác phòng chống HIV còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng xã hội để phấn đấu đến năm 2030 có thể chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam

Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh truyền thông chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; lợi ích của bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIV; các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; điều trị bằng thuốc thay thế Methadone…, nhằm bảo đảm người nhiễm HIV/AIDS được đối xử bình đẳng và được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ y tế, dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ cần thiết.

 Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm nay có chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Theo thống kê hiện nay, tại Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 200.000 người biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi.
Top