Ninh Bình: Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị Methadone

02/02/2021 14:39

Để giảm thiểu số người nhiễm HIV do tiêm chích ma túy, địa phương đã và đang nỗ lực mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh.

Điều trị Methadone giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Từ một cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone vào năm 2012, đến nay trên địa bàn tỉnh đã mở rộng mạng lưới lên 6 cơ sở điều trị Methadone, bao gồm: Phòng khám Đa khoa (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) và các Trung tâm Y tế huyện: Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Kim Sơn và thành phố Tam Điệp và 2 điểm cấp phát thuốc. Hiện toàn tỉnh đang điều trị cho 814 bệnh nhân bằng thuốc thay thế Methadone.

Là một trong những bệnh nhân đang điều trị tại Phòng khám Đa khoa, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh gần 10 năm nay, anh T. hàng ngày đến uống thuốc dưới sự giám sát trực tiếp của cơ sở điều trị, kể cả các ngày lễ, Tết. Trước khi điều trị, sức khỏe anh T. rất kém, bị lệ thuộc vào ma túy khiến anh suốt ngày phê pha, không có công việc làm ổn định. Tuy nhiên, hiện sức khỏe của anh đã được cải thiện nhiều, không còn thèm thuốc và có thể tham gia làm kinh tế tăng thu nhập cho gia đình.

Để việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đạt hiệu quả cao, các cơ sở điều trị Methadone đã phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của việc điều trị thay thế; vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc giúp người bệnh điều trị, hồi phục chức năng để nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên y tế;  quản lý điều trị Methadone theo phần mềm quốc gia... Các cơ sở điều trị tăng cường tư vấn, giáo dục bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trước, trong quá trình điều trị. Nhờ đó, hầu hết bệnh nhân sau khi được tư vấn, giáo dục, vận động tham gia điều trị bằng Methadone đều tuân thủ tốt phác đồ điều trị; đã chuyển sang giai đoạn điều trị theo liều duy trì, có sự cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định, giao tiếp tự tin, tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều người đã từ bỏ được ma túy, đi học nghề, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định để giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế.

Theo thống kê của các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh, đa số bệnh nhân tham gia tuân thủ điều trị, sức khỏe thể chất, tinh thần của bệnh nhân được nâng cao rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực mang lại, quá trình triển khai thực hiện, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhận thức của một số người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn hạn chế; tỉ lệ bỏ điều trị còn cao; tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy diễn ra ở một số địa phương; công tác tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia chương trình chưa được triển khai sâu rộng dẫn đến kết quả còn hạn chế.

Trước thực trạng nói trên, địa phương đặt ra những hoạt động trọng tâm: Đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của chương trình điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh; mở rộng thêm điểm cấp phát thuốc tại các trạm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ điều trị Methadone; định kỳ đánh giá các chỉ số chất lượng điều trị nhằm cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tại cơ sở đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

 Lũy tích đến tháng 12/2020, tại tỉnh Ninh Bình có 3.046 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, số người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị là 1.401. Số người nhiễm HIV/AIDS ngoài cộng đồng chưa điều trị là 374. Người nhiễm HIV/AIDS đã xuất hiện tại 8/8 huyện, thành phố tập trung chủ yếu ở đối tượng người nghiện chích ma túy.
Top