Các địa phương thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS

12/11/2020 12:10

Ban Chỉ đạo 138 thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch về thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS

Theo đó, song song với xác định mục tiêu chung là đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cũng nêu các mục tiêu cụ thể. Trong đó, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV, tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 80% vào năm 2030.

Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng biết tình trạng HIV của mình đạt 95% vào năm 2030; giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS, tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%, tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030. Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/AIDS các tuyến; bảo đảm nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; bảo đảm tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS.

Để hoàn các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch, UBND Thành phố cũng đề ra các giải pháp chủ yếu. Trong đó, đáng chú ý là tăng cường thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS thuộc thẩm quyền quản lý. Ưu tiên đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với tình hình dịch và tình hình kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch y tế và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố đến các quận huyện, xã phường…

* Sở Y tế TP.Cần Thơ vừa tổ chức chương trình Hội nghị triển khai tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020. Chương trình hành động năm nay với chủ đề “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam".

Tháng hành động nhằm huy động sự tham gia của toàn bộ các cấp, các ngành vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới kết thúc đại dịch tại Việt Nam vào năm 2030. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh.

Cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống bệnh và bảo hiểm y tế cho người nhân. Giảm thiểu thấp nhất tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình và toàn xã hội đối với người bệnh. Giáo dục nâng cao nhận thức cho người nhiễm HIV về trách nhiệm của bản thân cũng được quan tâm triệt để, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, cũng như chất lượng của các dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV của ngành y tế nhằm phục vụ tối đa cho người dân.

Tác dụng của các biện pháp sử dụng bao cao su, điều trị Methadone, xét nghiệm bệnh sớm và định kỳ đối với các đối tượng có nguy cơ cao. Vận động người nhiễm HIV tiếp cận sớm dịch vụ điều trị ARV; cảnh giác cao khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con; sự cần thiết và quyền lợi của bảo hiểm y tế dành cho người nhiễm HIV… được các cấp, các ngành tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân thông qua các hoạt động tuyên truyền tại trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, thành đoàn Cần Thơ và hầu hết tại các quận, huyện trên địa bàn Thành phố.

Top