Bắc Kạn: Nâng cao hiệu quả công tác điều trị cai nghiện phục hổi

24/06/2019 09:59

Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được thành lập theo Quyết định số 1291/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Bắc Kạn. Thời gian qua, cơ sở đã tập trung nâng cao hiệu quả công tác điều trị cai nghiện và làm tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa học viên.

Học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động trị liệu, học nghề

Hiện nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện điều trị cai nghiện cho 106 học viên, trong số học viên cai nghiện bắt buộc mà cơ sở tiếp nhận từ đầu năm đến nay, huyện Chợ Đồn nhiều nhất với 10 trường hợp, huyện Ngân Sơn 9 trường hợp, các huyện khác từ 6 trường hợp trở xuống.

Thực hiện theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31/12/2010 giữa Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế về việc hướng dẫn quy trình cai nghiện cho người nghiện ma tuý tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện, thời gian qua, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã triển khai các hoạt động gồm 5 giai đoạn: Giai đoạn tiếp nhận, phân loại; Giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; Giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; Giai đoạn lao động trị liệu, học nghề; Giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Các chế độ của học viên được thực hiện theo quy định tại Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định 136/2016/NĐ-CP ngày 9/9/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP và Thông tư số 117/2017/TT-BTC ngày 06/11/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng. Đối với học viên cai nghiện tự nguyện cũng thực hiện quy trình cai nghiện như của học viên cai nghiện bắt buộc. Riêng các chế độ thực hiện theo Quyết định số 25/QĐ-UBND ngày 18/11/ 2015 của UBND tỉnh về việc quy định mức đóng góp và chế độ miễn, giảm, hỗ trợ đối với người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh và cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, khó khăn chính là một số trường hợp trước khi vào điều trị do sử dụng ma túy tổng hợp nên việc điều trị phức tạp hơn so với các trường hợp sử dụng ma túy thông thường bởi chưa có phác đồ điều trị riêng. Nhiều học viên trẻ nên tâm lý phức tạp, không ổn định, quá trình quản lý, điều trị cũng gặp những khó khăn nhất định. Chính vì vậy, để bảo đảm nâng cao chất lượng điều trị nói chung và công tác quản lý học viên nói riêng, sau khi tiếp nhận, học viên sẽ được cán bộ y tế của cơ sở tiến hành kiểm tra sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án để thực hiện các công đoạn điều trị phù hợp. Trong thời gian này, học viên được tư vấn, hỗ trợ tâm lý, lập phác đồ điều trị cắt cơn. Qua giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, học viên sẽ tiếp tục được khám sức khỏe để phân loại, sau đó sẽ tham gia lao động trị liệu và các hoạt động giáo dục.

Song song với công tác điều trị, việc quản lý tốt học viên cũng được cơ sở chú trọng thông qua việc gia cố lại xung quanh nhà ở; Thực hiện giám sát người ngoài ra vào cơ quan; Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho học viên, đảm bảo chế độ ăn ở sinh hoạt, chế độ thăm gặp của học viên theo quy định; Tiếp sóng các chương trình thời sự trên hệ thống truyền thanh, truyền hình để học viên được tiếp cận các thông tin cần thiết hàng ngày; Tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao ngoài giờ học tập và lao động; Bố trí thời gian lao động phù hợp với sức khỏe của học viên…

Phó Giám đốc phụ trách Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn Ma Đức Thủy cho biết: Thực hiện chỉ đạo chung của cấp trên, hoạt động điều trị nói chung và công tác quản lý học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bắc Kạn đã và sẽ được tăng cường về mọi mặt. Cơ sở đang tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất để tiếp nhận và quản lý học viên theo chỉ tiêu được giao, đảm bảo an ninh trật tự; Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện phục hồi tại cơ sở, xây dựng môi trường cai nghiện ma túy “gần gũi, thân thiện”, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới về công tác cai nghiện trong tình hình mới.
Top