Vũ Hoàng Mai Châu: Sống vì những hoài bão bảo vệ cộng đồng

31/12/2019 08:30

Đi lên từ các tổ chức xã hội vì cộng đồng, Vũ Hoàng Mai Châu là một gương mặt điển hình trong mạng lưới người chuyển giới tại Việt Nam. Đồng thời, Châu được biết đến là trưởng mạng lưới người chuyển giới Việt Nam, trưởng nhóm chuyển giới Ruby tại Hà Nội. Nhờ những hoài bão sống vì cộng đồng, Mai Châu đã đạt rất nhiều giải thưởng vì những hoạt động tích cực cho cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS.

 Ngoài hoạt động là tuyên truyền viên, Mai Châu còn tham gia biểu diễn thời trang. Ảnh: Thùy Chi

Cụ thể, Mai Châu đã từng đạt giải nhất cuộc thi Người đẹp Truyền thông 2009 do CLB MSM (man sex man) tổ chức. Top 6 cuộc thi Project Runway 2013 – Nhà thiết kế thời trang 2013. Mới đây, Vũ Hoàng Mai Châu cũng đã nhận được giải thưởng Dải băng đỏ năm 2019. Hiện Mai Châu đang làm người mẫu, tổ chức sự kiện truyền thông, làm truyền thông cho cộng đồng tư vấn và xét nghiệm HIV miễn phí tại văn phòng Không Khoảng Cách.

Sinh năm 1989, Vũ Hoàng Mai Châu tên thật là Vũ Tiến Mạnh. Chia sẻ về cái tên đặc biệt Vũ Hoàng Mai Châu, Châu cho biết, đây là tên chuyển giới do tự bản thân đặt cho mình và chưa được công nhận của pháp luật Việt Nam. Gia đình, bạn bè và những người thân của Châu vẫn luôn gọi Châu với cái tên thân thương này. Tuy nhiên, khi đi du lịch, hoặc phải làm việc gì liên quan đến giấy tờ thì Châu vẫn phải trình bày hết sức khó khăn với tên thật là Vũ Tiến Mạnh.

Quá trình đi đến quyết định chuyển giới của Mai Châu không dễ dàng gì. Giống như nhiều bạn chuyển giới khác, Châu đã phải sống trong thời gian bị stress rất dài, đấu tranh tư tưởng và đấu tranh tâm lý rất lớn để đưa ra quyết định phẫu thuật chuyển giới. Không được sự ủng hộ của gia đình, bàn bè về quyết được phẫu thuật chuyển giới của mình, Châu phải tự nghiên cứu, tìm hiều và đi thực hiện phẫu thuật một mình. Từ việc tìm kiếm, săn mua hoormone cho riêng mình cho đến việc tự nhờ người tiêm hộ.

“Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Đến thời điểm này, tôi phải tiêm hoormone 1 tuần 1 lần.  Khi mới tiêm, tôi thấy các bạn trong nhóm người chuyển giới ở Hà Nội đều tự tiêm cho nhau. Sau nay tôi nghe nói nhiều người bị áp xe, nhưng cũng có bạn không bị. Hồi đó, tôi còn không biết áp xe là gì. Chỉ biết các bạn đã phải chịu đau đớn, nhiều bạn phải chịu đựng những vết thâm, nổi cục kéo dài trong thời gian dài”.

Sau đó Châu đã tìm được một người bạn trong nhóm có hiểu biết về dược tiêm hộ. Cũng qua người bạn này, Châu hiểu được việc tự tiêm hoormone rất nguy hiểm, nếu không có can thiệp của cơ quan y tế kịp thời, chỉ cần lệch một “tí tẹo” là có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Thậm chí nếu tiêm vào máu có thể dẫn đến sốc thuốc và chết. “Biết là nguy hiểm như vậy, nhưng chúng tôi hầu như đều chấp nhận mạo hiểm với khát khao được sống đúng với con người thực của mình nên chỉ còn cách là tìm người có kinh nghiệm tiêm”, Châu nói.

Sau nhiều lần tự tiêm cho nhau như vậy, Châu đã vài lần bị áp xe, khiến Châu phải chịu nhiều đau đơn. Châu dần nhận thấy mức độ nguy hiểm của việc tự tiêm. Châu đã quyết định tìm hiểu và đến một cơ sở y tế ở Hà Nội để tiêm được an toàn hơn. Tuy nhiên, tại nơi này, các y, bác sĩ cũng không dám cam kết bởi luật pháp Việt Nam chưa cho phép.

Với quyết định đi phẫu thuật vòng 1, Châu khá may mắn vì quen một bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội. Bác sĩ là người rất chia sẻ, cảm thông cho những người như Châu nên đã gợi ý giúp Châu thực hiện ca phẫu thuật này hoàn toàn miễn phí. Ca phẫu thuật đã diễn ra khá thành công. Tuy nhiên, nỗi đau về thể xác với không lớn bằng việc Châu phải đấu tranh với chính bản thân mình và đấu tranh với xã hội, cộng đồng và khi phải đối diện với người người thân.

Sau ca phẫu thuật, Châu vẫn không thể công khai giới tính của mình. Phải mất thời gian dài chăm sóc hậu phẫu, che giấu mọi người và khi đó điều mà Châu sợ nhất, chính là sự kỳ thị từ gia đình và cộng đồng.

Hơn 1 năm sau ngày phẫu thuật chuyển giới, với khao khát được sống đúng với giới tính thật của mình, Châu đã quyết định công khai trên mạng xã hội facebook. Khi công khai giới tính thật của mình, gia đình Châu đã rất shock, nhưng với lối sống và những hoạt động tích cực cho bản thân và vì cộng đồng, Châu đã dần thuyết phục được gia đình và nhận được sự chia sẻ, cảm thông từ gia đình.

Bây giờ, khi đã có cuộc sống vui vẻ hơn, Châu thầm cảm ơn bản thân và gia đình đã cho mình nghị lực để có thể vượt qua được quãng thời gian u tối đó. Vì Châu luôn tâm niệm: “Khi chấp nhận đánh đổi thì phải luôn sẵn sàng tâm lý được mất. Nếu người khác có những đánh đổi trong công việc, trong lựa chọn cá nhân thì mình là đánh đổi cả cuộc đời nên khi đã xác định thì phải quyết tâm đến cùng”. Chính vì vậy, Châu đã nỗ lực, quyết tâm sống cho những hoài bão của mình.

Đến thời điểm hiện tại, điều mà Châu sợ nhất chính là ánh mắt của mọi người nhìn Châu. “Ánh mắt đó khiến tôi có cảm giác họ đang nói với tôi rằng, tôi là người khác biệt. Ngay như một việc rất nhỏ là đi qua chỗ gửi xe, thường các bạn nữ sẽ được nhân viên dắt xe cho nhưng tôi thì chưa lần nào được ưu ái đó. Mặc dù xe của tôi khá cồng kềnh và nặng nề. Việc này tôi gặp rất nhiều nhưng trải qua nhiều lần như thế tôi chỉ nghĩ chắc họ nghĩ mình là người chuyển giới, thân xác mình vẫn là người đàn ông nên không dắt xe cho mình. Nghĩ vậy, tôi thấy khá hợp lý và cảm thấy rất bình thường chứ không tủi thân như ngày trước”, Châu kể.

Bây giờ, điều mà Châu muốn làm nhất là làm thật nhiều điều có ích vì cộng đồng, để giúp cho những người có cùng cảnh ngộ như Châu tránh được căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS và luôn suy nghĩ lạc quan nhất có thể. Điều quan trọng là giúp những người cùng cảnh ngộ bảo vệ sức khỏe, vượt qua sự kì thị với chính bản thân mình.

Ngoài những lúc bận rộn làm người mẫu, nhân viên truyền thông, thời gian còn lại Mai Châu dành trọn thời gian cho các hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt là văn phòng Không khoảng cách. Văn phòng Không khoảng cách do Mai Châu phụ trách bắt đầu hoạt động từ năm 2016 với 8 tiếp cận viên, dưới sự tài trợ của Dự án Vusta với các hoạt động tư vấn truyền thông, tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS cho những người nguy cơ cao là người chuyển giới, nam quan hệ tình dục đồng giới. Văn phòng cũng tư vấn, hướng dẫn cho khách hàng tham gia sử dụng thuốc PrEP – dự phòng lây nhiễm mới HIV, tư vấn phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, cung cấp bao cao su, chất bôi trơn cho nam quan hệ tình dục đồng tính, tư vấn xét nghiệm nhanh HIV và chuyển gửi điều trị thuốc kháng ARV cho người nhiễm HIV.

Trung bình một năm văn phòng tiếp cận từ 300 đến 400 người chuyển giới, mỗi tháng mỗi tiếp cận viên giới thiệu khoảng 7 trường hợp xét nghiệm HIV để sớm phát hiện tình trạng bệnh. Trong số 300 người đến xét nghiệm, văn phòng phát hiện khoảng 10 trường hợp nhiễm mới HIV. Mai Châu cho biết, vì gặp khách hàng là những người có cùng hoàn cảnh với mình nên Mai Châu không gặp khó khăn trong công việc, thậm chí có những trường hợp còn tìm đến Mai Châu để được tư vấn, tháo gỡ những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.

Nhờ những hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng, Mai Châu đã được trao tặng nhiều giải thưởng. Điển hình, mới đây Mai Châu đã được nhận giải thưởng Dải băng đỏ. “Châu đã từng định bỏ hết các hoạt động cộng đồng vì quá áp lực. Có những ngày Châu nhận được thông tin có tới bốn người bạn chuyển giới bị nhiễm HIV. Thương các bạn quá nên mình lại hoạt động. Mình đã từng tuyệt vọng nên mình biết ai cũng cần một bàn tay đưa ra nắm lấy”, Châu xúc động chia sẻ.

 Mai Châu (áo vàng) tại sự kiện Cuộc thi đại sứ truyền thông K=K do chính Mai Châu kêu gọi tổ chức. Cuộc thi nhằm tôn vinh vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, từ đó kiếm ra gương mặt đại diện cho cộng đồng LGBT. Ảnh: Thùy Chi

Giải thưởng Dải băng đỏ do Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP ) phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế và Trung tâm Phòng, chống AIDS TPHCM tổ chức, nhằm biểu dương những người sống với HIV tuân thủ điều trị tốt, có cuộc sống khỏe mạnh và sống có ích, thúc đẩy chương trình điều trị kháng virus HIV, nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến HIV.

Đặc biệt, Dải băng đỏ còn hướng đến mục tiêu tuyên truyền giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người chịu ảnh hưởng bởi HIV như người sống với HIV, người sử dụng ma túy, người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Giờ đây, điều mà Mai Châu luôn đau đáu, đó là cố gắng làm việc bằng hết năng lực và tâm huyết của mình, dành số tiền để có thể mở ra được một “Nhà tạm lánh”, kiểu như trung tâm bảo trợ cho người chuyển giới. “Mục đích của nhà tạm lánh này là có thể can thiệp sức khỏe cho người chuyển giới, tạo cho họ một chỗ tạm lánh cho những người chuyển giới không được gia đình chấp nhận. Đồng thời tạo công ăn việc làm cho họ. Đó là ước mơ lớn của tôi và tôi sẽ quyết tâm thực hiện trong tương lai”, Mai Châu cho hay.
Top