Vì cuộc sống tươi đẹp

27/11/2017 09:39

Có được những người như Lê Thị Thúy Vinh, Nguyễn Đức Dưỡng, Trần Hùng Nghĩa hay là nhiều trường hợp đang hàng ngày cố gắng vươn lên mặc cảm, mang đến cho cuộc sống những gam màu đầy hi vọng thì ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự động viên của gia đình, còn là sự tiếp sức của chính quyền địa phương.

Những cách làm hay, hoặc đơn giản chỉ là những lời thăm hỏi, nhắc nhở nhẹ nhàng cũng đủ để họ cảm thấy được an ủi, vững lòng bước qua quá khứ đen tối để sống một cuộc đời ý nghĩa hơn.

Để giải quyết có hiệu qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, ổn định tình hình ANTT nhất thiết phải có sự đồng lòng, hỗ trợ từ nhiều phía

Từ một mô hình nhân văn

Là một trong những quận nội thành có vị trí quan trọng, bên cạnh những thành quả lớn về phát triển kinh tế- chính trị- xã hội, quận 10 cũng đối mặt không ít thách thức, nhất là về tình hình trật tự an toàn xã hội còn nhiều hạn chế. Phạm pháp gia tăng, số đối tượng vi phạm pháp luật, người nghiện từ các trung tâm giáo dục tập trung trở về địa phương vẫn tiếp tục tái vi phạm gây bất an cho người dân trên địa bàn. Chính quyền địa phương quận 10 đã mạnh dạn đi tìm nguyên nhân và nhận ra công tác quản lý đối tượng chưa tốt. Ngay từ đầu, chính bởi tư tưởng cho rằng việc đấu tranh, phòng chống tội phạm, quản lý người vi phạm pháp luật, thanh thiếu niên hư hỏng là nhiệm vụ của lực lượng Công an; các ban ngành đoàn thể đã xem nhẹ công tác giáo dục, cảm hóa người vi phạm pháp luật, người sau cai nghiện trở về địa phương cũng như chưa tổ chức tốt các các biện pháp phát huy vai trò của quần chúng nhân dân tại địa bàn dân cư. Vì vậy, để giải quyết có hiệu qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, ổn định tình hình ANTT nhất thiết phải có sự đồng lòng, hỗ trợ từ nhiều phía.

Năm 2003, Ban chỉ huy Công an phường 4, quận 10 đã xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Đảng ủy, UBND phường chỉ đạo tổ chức thực hiện mô hình tự quản, tự phòng lấy tên gọi là mô hình 5 1 gồm 5 cơ quan, đoàn thể: Công an, Đoàn thanh niên, Hội người cao tuổi, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội cựu chiến binh với 1 là gia đình người vi phạm pháp luật nhằm huy động sức mạnh của tập thể trong việc thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng; góp phần chuyển hóa địa bàn, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Sau 7 năm thực hiện mô hình, tình hình phạm pháp hình sự tại phường 4 được kéo giảm, người nghiện ma túy, vi phạm pháp luật từ các trường trại về tiến bộ và hoàn lương ngày càng nhiều. Ngoài ra, việc giúp đỡ, hỗ trợ vốn, giới thiệu học nghề, tìm việc làm…ngày càng được phát huy tác dụng giúp họ ổn định cuộc sống, không tiếp tục tái phạm. Theo đó, mô hình này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất lớn từ các cấp nên năm 2010, Ban thường vụ quận ủy quận 10 đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện mô hình tự quản “5 1” để “quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư” trên toàn địa bàn quận.

Chính sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể bằng những việc làm thiết thực và đậm tính nhân văn thông qua mô hình 5 1 đã giúp họ cố gắng từ bỏ những sai phạm, lỗi lầm, vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống

Trong báo cáo mới nhất về kết quả công tác chỉ đạo, tổ chức xây dựng, nhân rộng mô hình, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, người lầm lỗi tại cộng động dân cư theo mô hình 5 1 trên địa bàn quận 10 giai đoạn 2006-2016 đã cho thấy những hiệu quả rất đáng khích lệ. Cụ thể là, Ban chỉ đạo và các ban ngành đoàn đã đưa vào diện quản lý hơn 1.500 người; đã phân công các đoàn thể có liên quan trực tiếp tham gia quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ tạo công ăn việc làm và giải quyết học nghề cho 578 trường hợp; tạo điều kiện cho vay vốn để mwau sinh 343 trường hợp; sửa chữa chống dột 4 căn nhà, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 105 trường hợp, tổ chức cấp 31 suất học bổng cho con em của người lầm lỡ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 880 triệu đồng. Từ những “kết thúc có hậu” của mô hình 5 1, Công an quận 10 đã đề nghị Ban chỉ đạo phường, quận đưa 1060 trường hợp tiến bộ ra khỏi danh sách quản lý, giáo dục.

Từ những lời thăm hỏi, động viên, lắng nghe và giải quyết những vấn đề bức xúc của người được quản lý; đồng thời tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân gần gũi, giúp đỡ mà thực tế đã có những gương điển hình tiên tiến như anh Trần Hùng Nghĩa (phường 4, nhân vật trong loạt bài), hay anh Lý Bạch L (phường 7), anh Đỗ Minh T (phường 14), chị Phạm Thị Kim Ng (phường 10), anh Nguyễn Huỳnh B (phường 11)….và vô số những trường hợp khác nữa. Chính sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể bằng những việc làm thiết thực và đậm tính nhân văn thông qua mô hình 5 1 đã giúp họ cố gắng từ bỏ những sai phạm, lỗi lầm, vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống.

Nữ trung úy hết lòng vì công việc

Dẫu đã hẹn trước nhưng khi đến nơi, Trung úy Nguyễn Thị Thu Hồng (SN 1990, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM)- Cảnh sát khu vực, khu phố 3, Công an phường 11, quận Gò Vấp bộc bạch: “Chị thông cảm ráng đợi em chút nha, địa bàn em phụ trách đang có đối tượng ngáo đá gây sự nên em phải xuống giải quyết ngay”. Vừa nói xong, cô gái có dáng người dong dỏng cao nhanh chóng lên xe của đồng nghiệp xuống thẳng hiện trường. Sự gấp gáp vì công việc của Hồng khiến chúng tôi rất nể phục và càng hiểu hơn vì sao cô lại được chọn là nhân tố điển hình trong công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại địa bàn.

Dẫu tuổi đời còn khá trẻ nhưng khi tiếp xúc với Hồng, chúng tôi cảm nhận được hết sự nhiệt tình và xông xáo mà cô dành cho công việc

Dẫu tuổi đời còn khá trẻ nhưng khi tiếp xúc với Hồng, chúng tôi cảm nhận được hết sự nhiệt tình và xông xáo mà cô dành cho công việc. Hồng kể: “Hiện em đang quản lý 7 trường hợp chấp hành xong án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng. Tất cả đều có việc làm và một cuộc sống ổn định”.

Nói thì nghe dễ nhưng ít ai hiểu đó là điều không đơn giản chút nào, bởi công tác quản lý, giáo dục những người đã từng vi phạm pháp luật đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Thông qua việc thăm hỏi, Hồng luôn quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của từng người để có hướng giáo dục phù hợp. Hàng tháng, Hồng trực tiếp mời các trường hợp lên tiếp xúc động viên, nhắc nhở, cảm hóa một cách khéo léo để họ vừa không mặc cảm, ngại ngùng với quá khứ mà có thể mở lòng đón nhận hiện tại và sống tốt hơn. Ngoài thường xuyên thăm hỏi, động viên, Hồng còn thông qua các mối quan hệ gia đình để nắm bắt tình hình xem những người này có nguy cơ tái phạm tội hay không?.

Ngay từ khi bắt tay vào việc, nữ trung úy cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Do tâm lý mặc cảm nên có những người rất ngại tiếp xúc, thậm chí từ chối thẳng thừng. Nhưng bằng sự kiên trì, Hồng luôn tìm cách đến nhà thăm hỏi giúp họ mở lòng hơn. Từ những lời chia sẻ chân thành của nữ cảnh sát khu vực, các trường hợp trên hứa sẽ toàn tâm, toàn ý hướng thiện, không tái phạm tội.

Điển hình là trường hợp của anh T.L, có 2 tiền án về tội “cướp giật tài sản”. Sau khi ra trại, anh về với địa phương trong nỗi mặc cảm về quá khứ tội lỗi. Nhờ những lời khuyên răn của gia đình và trung úy Hồng, anh L đã quyết tâm làm lại cuộc đời. Giờ, anh đã lập gia đình, có cuộc sống kha khá với cửa hàng buôn bán mỹ phẩm. Hay cô Đ.T. T đã từng bị tuyên án 9 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức nhà nước, nhờ cải tạo tốt nên được đặc xá sớm về với gia đình và địa phương. Ngay khi tiếp nhận, Hồng đã thường xuyên đến nhà thăm hỏi, trò chuyện thân mật giúp cô T quên đi những tháng ngày đen tối để lo cho cuộc sống hiện tại.

Ngoài ra, hiện Hồng còn đang quản lý 4 đối tượng cai nghiện trên địa bàn và làm tốt các phần việc của một cảnh sát khu vực như giúp đỡ bà con làm thủ tục, hồ sơ hay tham gia đoàn công tác dọn dẹp lòng lề đường… Ở lĩnh vực nào, trung úy Hồng cũng năng nổ và cố gắng hết mình.

Lần đầu tiếp xúc với một nữ cảnh sát khu vực trẻ trung nhưng không kém phần mạnh mẽ, quyết liệt đến vậy, chúng tôi tin rằng cô gái này sẽ luôn là “điểm tựa” đáng tin cậy của bà con khu phố do cô phụ trách.

Theo trung tá Lê Hoài Anh- Đội phó đội phong trào Công an quận 10, “những năm qua, nhờ vào mô hình 5 1 được triển khai rộng khắp tại địa phương đã góp phần rất lớn trong việc kiềm chế, kéo giảm những bất ổn về tình hình ANTT, các tệ nạn xã hội, đồng thời giúp những người vi phạm pháp luật từ các trường trại trở về địa phương có công việc làm, ổn định cuộc sống, giảm thiểu khả năng tái phạm tội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu, góp ý đồng thời huy động thêm sức mạnh tổng hợp các ngành, các cấp và nhân dân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của mô hình này để làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn.

Top