Ve chai nhân ái- Sáng kiến hỗ trợ người nhiễm HIV

25/07/2016 09:17

Ròng rã 10 năm qua, nhóm “Ve chai nhân ái Hải Phòng” đã góp được hàng chục tấn phế liệu, bán được hơn 1,6 tỷ đồng.

Những “hạt bụi vàng” trên đất cảng Hải Phòng

Đã từ lâu người dân thành phố Hải Phòng không còn lạ lẫm với hình ảnh cứ vào chủ nhật hàng tuần, các thành viên của “đội cái bang” lại rong ruổi khắp ngõ hẻm để thu lượm ve chai. Có mặt tại “doanh trại” của nhóm vào buổi trưa chủ nhật, chúng tôi đã được chứng kiến tinh thần làm việc nhiệt tình, hào sảng của các thành viên của nhóm. Dưới cái nóng oi bức các thành viên của nhóm Ve chai nhân ái Hải Phòng vẫn kiên trì phân loại phế liệu.

Vừa lom khom đỡ một bao tải phế liệu to đùng, mồ hôi nhễ nhại, chị Trần Duyên cười đùa: “đội cái bang” mình làm bao giờ xong mới về, mỗi người chịu khó một tý, đâu rồi vào đấy hết". Cảm kích trước việc làm của nhóm, nhiều người dân tốt bụng đã tự phân loại phế liệu, xếp trước nhà chờ nhóm đến lấy. Cũng có người mang đến tận nơi cho nhóm.

Phân loại ve chai-Ảnh Bình Nguyên

Phế liệu xin được nhóm mang về tập kết tại Nhà thờ Chính tòa Hải Phòng. Một đội xúm xít ngồi lại phân chia: Quần áo cũ cho người nghèo; vỏ chai, bao nilon đem bán lấy tiền giúp đỡ các trường hợp khó khăn; tận dụng sách vở cũ cho các bạn trò nghèo. Thường công việc sẽ được hoàn thành trong buổi sáng, buổi chiều đi thăm các bệnh nhân nhiễm HIV.

Anh Trưởng nhóm Phạm Quang Huy cho biết, nhóm Ve chai nhân ái Hải Phòng được thành lập ngày 10/1/2006, với 30 thành viên nòng cốt. Có những đợt sự kiện, số lượng thành viên lên đến 40-50. Nhóm ra đời với mục đích để giúp người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em có H có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Mười năm trôi qua, với số tiền dành dụm được nhờ việc bán ve chai, nhóm dùng vào việc mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người có H, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Vào các dịp Tết cổ truyền, Tết Trung thu, khai giảng năm học mới nhóm đều đặn tổ chức tặng quà, trò chơi cho em bé có H, trẻ tật nguyền, mồ côi...

Bàn tay trao tặng hoa hồng luôn lưu lại hương thơm

Trò chuyện với chúng tôi, anh Phạm Quang Huy chia sẻ, khi quyết định tham gia nhóm ai cũng tập xác định tinh thần hy sinh vì lợi ích cộng đồng. Chủ nhật người ta dành thời gian cho người thân, mình đi nhặt phế liệu nhưng anh chưa nghe một lời than vãn nào cả. Nắng nôi, mưa gió không hề làm chùn bước chân họ. Anh Huy trải lòng, bản thân anh có niềm tin sâu sắc vào câu ngạn ngữ: Bàn tay trao tặng hoa hồng luôn lưu lại hương thơm. Mình làm việc thiện, tâm trí mình sẽ luôn được thanh thản, tự tại. Nhiều khi quên đi bản thân, mang lại niềm vui cho người khác cũng là lúc chúng ta đang gieo mầm hạnh phúc cho chính mình.

Tiếp bước đến trường

Anh Huy chia sẻ, trong thời gian qua nhóm đã giúp đỡ nhiều trường hợp có H khiến anh không cầm được nước mắt. Có nhiều bệnh nhân bị gia đình bỏ rơi như trường hợp chị S ở huyện Thuỷ Nguyên. Khi nhóm đến thăm lần đầu, chị đang vô cùng đau đớn khi chồng và hai con nhỏ đều mất vì nhiễm HIV. Chị sống cùng với con gái bảy tuổi cũng có H. Cuộc sống của chị hoàn toàn trông cậy vào gia đình hai bên. Nhưng chính những người thân yêu nhất của chị đã ngoảnh mặt làm ngơ trước những khó khăn của chị.

Bệnh nặng, nằm viện, không có người thân thích nào đến thăm chị. May mắn, có một số bạn bè cùng cảnh ngộ đến chia sẻ. Thấu hiểu hoàn cảnh của chị, nhóm thường xuyên cử các thành viên qua viện chăm sóc, động viên chị. Chị S nhớ rõ từng cái tên, từng khuôn mặt các em trong nhóm ve chai và xem họ như ruột thịt. Khi chị ốm nặng, gọi điện về nhà bảo người thân đến đón nhưng cũng không có một ai đến. Lần cuối khi nhóm Ve chai đến thăm, chị đã lâm vào tình trạng thập tử nhất sinh, một người bạn gọi điện lúc này mới có người nhà đến đón về.

Không chỉ chăm lo cho người nhiễm HIV, nhóm còn luôn có sự quan tâm đặc biệt đến con cái của họ. Nhóm trở thành điểm tựa giúp nhiều trẻ có H có cơ hội được đến trường, hòa nhập với cộng đồng. Cách đây không lâu, nhóm đã giúp đỡ trường hợp chị L ở huyện Kiến Thuỵ. Chị L nhiễm HIV từ chồng, hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi nhóm đến thăm mới biết chị L đang mang thai sắp đến ngày lâm bồn. Để giúp đỡ chị “vượt cạn” một cách an toàn, đồng thời để giảm nguy cơ nhiễm HIV cho bé, nhóm đã hỗ trợ một số tiền để chị có điều kiện sinh ở khoa sản. Đến nay, nhóm vẫn tiếp tục giúp đỡ, động viên mẹ con chị.

Top