Tự cứu bản thân và những người cùng cảnh ngộ thoát khỏi ma tuý

14/11/2014 15:10

“Không bao giờ là quá muộn để đoạn tuyệt với ma tuý và làm lại cuộc đời. Tương lai và cuộc sống của các bạn phụ thuộc vào quyết tâm của các bạn nên dù gặp khó khăn, bị kỳ thị, bị bạn cũ lôi kéo thì hãy luôn biết nói từ “Không ma tuý” để làm lại cuộc đời”.

Đó là chia sẻ của anh Quách Ngọc Hà, sinh năm 1979, tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, Hà đang làm chủ cơ sở sản xuất đồ mộc tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Hà là một trong những người sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng tiêu biểu được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội biểu dương năm 2014.

Anh Hà xúc động bắt tay Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm tại Hội nghị biểu dương tổ chức, cá nhân hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai, người cai nghiện tiêu biểu tái hoà nhập cộng đồng. Ảnh Nhật Thy

Vào những năm 1999-2000, giống như đa số thanh niên trẻ trong xã lúc đó, Hà bị một số bạn bè đã nghiện ma túy rủ rê, lôi kéo dùng thử ma túy rồi dẫn đến nghiện. Xưởng mộc của gia đình gây dựng bao năm bị Hà ném vào làn khói trắng.

Năm 2006, Hà bị bắt về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và phải chấp hành quyết định chữa bệnh bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục- Lao động xã hội. Năm 2008, khi hết hạn chữa bệnh bắt buộc, Hà trở về xã với quyết tâm khôi phục lại xưởng mộc nhưng không ai dám tin tưởng giao hàng cho làm.

Nhưng may mắn cho Hà là qua tiếp xúc, theo dõi, cán bộ công tác xã hội của UBND xã Lạng Phong nhận thấy Hà thực sự có quyết tâm từ bỏ ma túy và muốn gây dựng lại xưởng mộc nên đã đề xuất với chính quyền xã đặt làm 10 bộ bàn ghế hội trường tại xưởng của Hà. Đây là đơn hàng đầu tiên, là một bước ngoặt giúp anh khởi nghiệp lại. UBND xã đã ứng trước toàn bộ số tiền đặt hàng để giải quyết khó khăn về vốn ban đầu; đồng thời, giới thiệu các cá nhân, tổ chức có nhu cầu làm đồ mộc tới xưởng để tạo thêm cơ hội việc làm cho anh. Sau 6 năm trở về địa phương và khởi nghiệp lại, cơ sở đã tạo việc làm trung bình cho 4-6 người thợ, tổng thu nhập bình quân hàng năm khoảng 300 triệu đồng.

Cuối năm 2010, sau khi cơ sở đồ mộc đã ổn định và được khách hàng tin tưởng, Hà bắt đầu nhận 2 người sau cai nghiện vào làm.

“Khi đưa ra quyết định này, tôi phải đối diện với rất nhiều khó khăn”, Hà nói. Đó là tình trạng những người bạn nghiện cũ của hai người thợ mới tìm tới phá rối, không chỉ gây ảnh hưởng tới quyết tâm của người sau cai nghiện mà còn ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của những người thợ khác trong xưởng. Một mặt, họ tìm tới rủ rê, lôi kéo người sau cai nghiện bỏ việc, tái sử dụng ma tuý, một mặt họ đe doạ những người thợ cũ trong xưởng nếu tìm cách ngăn cản. Không dừng lại ở việc đe doạ về tình thần, những đối tượng trên còn lén lút phá hỏng một số tài sản trong xưởng hoặc tàn phá hoa màu trong nhà anh.

Lúc đó, người thân và hàng xóm lo sợ, khuyên bảo Hà không nên nhận những người sau cai nghiện vào làm để cuộc sống trở lại bình an như trước. Anh đã phải suy nghĩ rất nhiều để tìm ra hướng giải quyết.

“Nếu như tôi và tất cả những người chủ cơ sở, doanh nghiệp, những người công làm cho chúng tối đều ngại và sợ sự va chạm, quậy phá thì những người sau cai nghiện thực sự muốn làm lại cuộc đời cho dù có đi đến đâu cũng không thể xin được công việc ổn định. Nó sẽ trở thành cái vòng tròn luẩn quẩn không lối thoát: Khi không có việc làm, họ sẽ tái nghiện và lại tìm cách phá hoại cuộc đời những người nghiện khác muốn làm lại cuộc đời”, Hà chia sẻ.

Nhận thức những khó khăn trước mắt, Hà đã làm việc với chính quyền xã để nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ. Sau những lần bị công an xã gọi lên nhắc nhở và có những biện pháp răn đe phù hợp, số đối tượng nghiện quậy phá xưởng đã có thái độ dè dặt hơn. Anh cũng có buổi nói chuyện với những người thợ cũ trong xưởng, phân tích cho họ hiểu và nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, tránh tâm lý kỳ thị đối với thợ là người sau cai nghiện. Mặt khác, đối với những người thợ là người sau cai, anh sắp xếp những công việc phù hợp trong xưởng, hạn chế thời gian họ có thời gian đi ra ngoài để có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc lại với những người nghiện cũ.

Đến nay, sau hơn 4 năm làm việc tại xưởng, họ đều là những người thợ có tay nghề cao, được bạn bè đồng nghiệp quý mến, tin tưởng. Mức thu nhập bình quân của họ là 3.500.000 đồng/tháng.

Đây chính là niềm vui lớn nhất của Hà khi không chỉ tự cứu được bản thân mình khỏi ma túy mà còn giúp đỡ được những người cùng cảnh ngộ vươn lên làm lại cuộc đời.

Thời gian tới, cơ sở đồ mộc của anh có hướng phát triển mở rộng hơn, nâng quy mô của xưởng lên 9-10 người thợ và luôn sẵn sàng đón nhận những người sau cai nghiện vào làm việc.

Top