Thuyền trưởng của “cuộc chiến” chống HIV/AIDS ở Thái Lan

13/06/2016 14:20

Theo đánh giá của chương trình UNAIDS châu Á -Thái Bình Dương, cũng như nhiều tổ chức sức khỏe tại Thái Lan, BS Praphan Phanuphak có thể được xem là “thuyền trưởng” của cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS tại Thái Lan.

Ông Praphan Phanuphak chính là người đã sáng lập Trung tâm Nghiên cứu AIDS - Hội Chữ thập đỏ Thái Lan (TRC-ARC) và giữ cương vị giám đốc từ năm 1989 đến nay. Ông cũng đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về hệ miễn dịch nổi tiếng tại Đại học Hoàng gia Chulalongkorn (Thái Lan) và là thành viên Ủy ban Chính sách và Chiến lược về HIV của Liên Hợp Quốc.

Ông Praphan Phanuphak tham gia điều trị những ca nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên ở Thái Lan - Ảnh: Bangkok Post

Vào giai đoạn 1984-1985, BS Phanuphak chính là người tiếp nhận và chẩn đoán những ca nhiễm HIV sớm nhất được phát hiện tại Thái Lan. Ông Phanuphak là một trong những nhà chủ đạo hàng đầu, đằng sau nhiều cách ứng phó HIV sáng tạo và hiệu quả của Thái Lan.

Ông luôn nỗ lực tìm kiếm những giải pháp ít tốn kém nhưng hiệu quả trong cuộc chiến chống lại cơn đại dịch thế kỷ, góp phần đưa Thái Lan trở thành một trong những hình mẫu toàn cầu trong vấn đề ngăn ngừa và điều trị HIV/AIDS.

Cho biết về nguyên do thành lập TRC-ARC , ông Praphan Phanuphak nói, trong năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Thái Lan đã phải có rất nhiều động thái để ứng phó với dịch bệnh HIV thông qua các bệnh viện và ngân hàng máu quốc gia, vì vậy Ban điều hành khi đó đã khẩn trương lập TRC-ARC để phối hợp tất cả các hoạt động liên quan đến HIV, bao gồm cả những người tình nguyện viên.

Cuối những năm 1990, khi các ca nhiễm HIV ngày một nhiều, ông Phanuphak đã cùng TRC-ARC vận động chính phủ xây dựng các cơ sở tư vấn và xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc với quy tắc tiên quyết là giữ bí mật tuyệt đối danh tính bệnh nhân để khuyến khích những người có triệu chứng của HIV “lộ diện” và nhận được các hỗ trợ thích hợp.

Hiệu quả của các trung tâm đã thúc đẩy chính phủ xóa bỏ chính sách bắt người dương tính HIV phải đăng ký danh tính nhằm khuyến khích người dân mạnh dạn xét nghiệm. Tính đến nay, các trung tâm này đã tổ chức hơn 25.000 xét nghiệm/năm, giúp xác định hàng ngàn ca nhiễm HIV hằng năm.

Hơn 26 năm qua, TRC-ARC đã tham gia vận động, nghiên cứu và các dịch vụ dự phòng, chăm sóc HIV. Các dịch vụ của TRC-ARC hướng tới lợi ích trực tiếp cho khách hàng đến trung tâm. Những nghiên cứu, điều trị thí điểm và chương trình phòng chống mô hình của trung tâm đã tạo ra được tiếng vang, khiến toàn thế giới quan tâm về những thay đổi trong thực hành y tế và chính sách liên quan đến HIV.

Bên cạnh những thành quả trên, ông Praphan Phanuphak cũng là người có công đầu trong việc đưa thuốc kháng virus (ARV) đến với những bệnh nhân Thái Lan thông qua các kênh hợp tác nghiên cứu quốc tế với các trung tâm phương Tây. Trung tâm nghiên cứu của ông cũng đi đầu trong việc ngăn ngừa và điều trị HIV đối với người chuyển giới tại châu Á.

Hiện nay, những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 41% các ca nhiễm HIV mới ở Thái Lan. Tại Bangkok, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm này cao hơn trong các quần thể khác trong cả nước 25%.

Tin tưởng vào khái niệm "điều trị như phòng ngừa", TRC-ARC đã sử dụng ART để giảm tải lượng virus HIV của bệnh nhân đến mức không thể, đồng thời làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền. Tuy nhiên, để được hưởng lợi từ điều trị như phòng ngừa, người mắc bệnh cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt sau khi nhiễm. Điều này được gọi là "kiểm tra và điều trị."

Vì MSM và chuyển giới có số lượng cao nhất nhiễm HIV ở Thái Lan, do đó TRC-ARC quyết định thực hiện nghiên cứu điều trị sớm trong nhóm đối tượng này.

Dự án bắt đầu thực hiện vào năm 2012. Khi đó, chính sách của Thái Lan cho phép điều trị ART cho bệnh nhân khi CD4 giảm xuống dưới 350. Tuy nhiên, nghiên cứu này yêu cầu người bệnh phải bắt đầu điều trị sớm hơn. Do đó, TRC-ARC đã yêu cầu Tổ chức Dược phẩm Chính phủ (GPO) hỗ trợ. Bên cạnh đó, phải bảo đảm kinh phí cho các buổi chiếu, kiểm tra trong phòng thí nghiệm, bao cao su, tiếp cận cộng đồng từ nhiều nhóm trong nước và quốc tế, bao gồm Văn phòng An ninh Quốc gia Y tế, Sở Kiểm soát dịch bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới, Fonds Hà Lan AIDS, amfAR và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia… để bảo đảm mô hình được nhân rộng tại các bệnh viện của chính phủ và nhân rộng trên toàn quốc trong tương lai.

Cuối năm 2014, Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu cung cấp ART cho những người nhiễm HIV, bất kể số lượng CD4. Kết quả điều trị từ nghiên cứu trên cho thấy, nghiên cứu đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị và giảm chi phí dài hạn cho cuộc chiến.

TS Phanuphak và con gái (TS Nittaya Phanuphak) tham dự một sự kiện Adam – Hướng tới mục tiêu hành động giảm lây nhiễm HIV trong nhóm MSM - Ảnh: Amfar

Từ sự thành công trên, một dự án thứ 2 được đưa ra vào năm 2015, dưới sự hỗ trợ của USAID. Dự án được thực hiện tại cơ sở điều trị và so sánh với các chương trình dựa vào cộng đồng. Dự án tập trung thử nghiệm và điều trị HIV trong nhóm MSM và chuyển giới mang lại kết quả giảm đáng kể các ca nhiễm HIV mới. Mô hình này sau đó cũng đã thích nghi với mục tiêu dân số khác bị ảnh hưởng ở Thái Lan, giúp hướng tới kết thúc đại dịch AIDS tại quốc gia này.

Bà Tatiana Shoumilina, Giám đốc chương trình UNAIDS tại Thái Lan nhận định: “Ông ấy luôn đi trước mọi người trong cuộc chiến phòng chống HIV/AIDS. Ông ấy luôn biết sớm hơn mọi người chiến lược nào là câu trả lời đúng đắn nhất trước những thách thức của đại dịch AIDS”.

Tờ The Nation của Thái Lan mô tả, ông Praphan Phanuphak là một người có tính cách thích tò mò, khám phá không ngừng, có tư duy cởi mở và luôn khiêm tốn. Những phẩm chất này cùng với tài năng và tri thức đã giúp ông Praphan luôn đi đầu trong cuộc chiến chống HIV tại Thái Lan.
Top