Thầy giáo tiếng Anh bỏ việc vào dạy tại cơ sở cai nghiện ma túy

23/07/2020 09:54

Tốt nghiệp cử nhân sư phạm và ra trường dạy tiếng Anh tại một trường THCS được 7 năm, anh Nguyễn Duy Bình đã quyết định về làm cán bộ giáo dục tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2, Hà Nội. Với anh, dù học trò là những đối tượng cai nghiện ma túy nhưng vẫn cần được đối xử bình đẳng, dùng tình yêu thương để cảm hóa họ, giúp họ làm lại cuộc đời.

Quyết định đúng đắn, không hối tiếc

Anh Nguyễn Duy Bình, SN 1976, cán bộ phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội tốt nghiệp ngành sư phạm năm 1998, anh nhận công tác tại một trường THCS và dạy môn tiếng Anh. Đến năm 2005, anh quyết định chuyển công tác về cơ sở cai nghiện ma túy số 2 và làm cán bộ giáo dục tại đây. Tâm sự với chúng tôi, anh Bình thừa nhận, đây là một quyết định đúng đắn và chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc về điều này.

Khi chuyển về đơn vị mới, anh xác định những học trò mới của mình sẽ khác hoàn toàn với những học trò phổ thông mà mình dạy trước đó. Tại đây, các học viên cai nghiện thành phần cũng đa dạng, có người có học thức cao, cũng có người thậm chí chưa biết chữ. Đó là chưa kể đến tuổi tác, kinh nghiệm sống, nghề nghiệp bên ngoài của họ cũng là điều anh phải có sự tiếp cận linh hoạt. Vì những lý do khác nhau mà họ bị sa vào vòng xoáy của ma túy, cuộc đời như bị một “vết đen” và nhiệm vụ giúp họ có định hướng tư tưởng đúng đắn trở lại để làm lại cuộc đời.

Nhớ lại thời điểm mới nhận nhiệm vụ tại cơ sở mới, khi đó cả gia đình đều có ý định can ngăn, khuyên không nên đến đó làm vì các đối tượng học viên có nhiều thành phần bất hảo, tiền án tiền sự đầy mình, ngáo đá, bất cần đời… Nếu chẳng may bị phơi nhiễm HIV hoặc bệnh truyền nhiễm từ học viên thì sẽ làm thế nào. Tuy nhiên, vợ anh Bình cũng là một cô giáo dạy ở một trường mầm non lại là người rất hiểu, cảm thông và luôn ủng hộ quyết định cuối cùng của chồng. Chị hiểu rằng, một khi đã theo nghiệp sư phạm thì phải thực sự có trái tim yêu nghề, không phân biệt đối tượng học trò và giảng dạy bằng tình yêu thương. Nhờ có “hậu phương” luôn đồng hành trong mọi việc nên anh ngày càng tin tưởng vào quyết định của mình.

Vào đây, anh Bình được học lại từ đầu bao gồm các kỹ năng tiếp cận học viên, giáo dục học viên chấp hành các quy định của pháp luật, ý thức được giá trị của sức lao động, các giá trị sống cơ bản… Tất cả nhằm khơi gợi cho họ thấy được những sai lầm trước đây của mình để có ý thức từ bỏ ma túy, làm lại từ đầu. Muốn dạy người khác thì bản thân mình trước tiên phải là tấm gương về lối sống, chuẩn mực của người thầy.

Học viên cai nghiện ma túy đang chuyển từ trạng thái tự do bên ngoài vào đây sẽ hoàn toàn khác, giáo viên phải có cách nói chuyện, tâm sự với học viên một cách khéo léo để giúp họ có động lực để thay đổi bản thân mình, không còn lệ thuộc vào ma túy.

Anh Nguyễn Duy Bình, cán bộ phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng, Cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ

Giúp người cai nghiện tránh xa ma túy

Giáo dục cho người cai nghiện để họ nhận thấy tác hại của ma túy ra sao, các quy định của Luật Phòng chống ma túy, Luật Phòng chống HIV… Ngoài ra, phải dạy cho học viên các bài học về đạo đức như sống có trách nhiệm, lý tưởng và yêu lao động, quý trọng tình cảm gia đình. Tất cả những bài giảng đó đa số anh Bình tự mày mò, tìm hiểu rồi đóng thành quyển. Từ đó kết hợp với bộ quy chuẩn do Bộ LĐ-TB&XH áp dụng cho tất cả các cơ sở cai nghiện trên cả nước để dạy cho học viên.

Bên cạnh đó, với những học viên cai nghiện tự nguyện được giáo dục theo 3 chuyên đề gồm: Các chính sách pháp luật của Nhà nước đối với công tác phòng chống ma túy; giáo dục sức khỏe; giáo dục giá trị sống. Các học viên cai nghiện bắt buộc ngoài 3 chuyên đề nêu trên sẽ được giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng. Cơ sở cai nghiện số 2 có cả học viên nam và nữ nên khi giảng dạy hay lao động cũng có những đặc thù khác nhau.

“Dù nghiện ma túy nhưng họ cũng là con người và cần được đối xử bình đẳng. Ở ngoài có thể họ bị không ít người kỳ thị nhưng khi vào đây cai nghiện, chính giáo viên phải là người nhìn thấy được mặt tích cực của từng người. Từ đó để họ thấy rằng mình vẫn còn có những giá trị nhất định và được tôn trọng. Từ cảm giác được tôn trọng thì mình nói họ mới nghe và làm theo. Chúng tôi, tập thể cán bộ tại cơ sở Cai nghiện ma túy số 2 vừa chữa bệnh cho học viên và giáo dục họ để trả lại cho xã hội những con người lành lặn, khỏe mạnh.

Giáo dục mang tính “lạt mềm buộc chặt” mới có tác dụng. Do đó, tất cả các học viên tại đây đều tự giác gọi chúng tôi một tiếng "thầy" để thể hiện sự tôn trọng chính người đã đồng hành, giảng giải những bài học cho họ”, anh Bình tâm sự.

Riêng với học viên chưa biết chữ, cơ sở sẽ được mở một lớp xóa mù chữ có giáo viên dạy kèm, thường mỗi lớp sẽ có không quá 20 người. Trong quá trình dạy sẽ có hai dạng gồm học viên chưa được đi học và học viên đã đi học lớp 1 rồi nhưng từ lớp 2 lại bỏ học nên bị tái mù chữ. Thầy giáo sẽ phân lớp cho 2 nhóm này để có cách dạy phù hợp.

Kết hợp dạy trên lớp với việc giao bài tập về nhà cho học viên tự làm, rèn luyện viết chữ. Nếu có bài nào khó có thể hỏi bạn cùng phòng. Trường hợp nào học yếu quá thì anh Bình sẽ kết hợp với cán bộ quản lý trực tiếp xuống tận phòng để kiểm tra và hướng dẫn bài học. Sau khi hoàn thành chương trình sẽ mời Phòng GD&ĐT huyện Ba Vì vào cấp giấy chứng nhận học hết chương trình xóa mù với người lớn.  

Top