Tâm sự của bác sĩ “đầu đàn”

22/09/2012 08:00

Hơn 20 năm gắn bó, tâm huyết với nghề, bác sỹ Lại Thị Kim Anh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cần Thơ đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bác sĩ Kim Anh bộc bạch, nhìn lại những ngày đầu còn kiêm nhiệm, công tác phòng, chống HIV/AIDS gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực. Đến nay, các cơ sở đã được đầu tư thích đáng và lớn mạnh dần. Cần Thơ có hẳn một Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS với trên 40 cán bộ. Qua đó, cho thấy công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được nhìn nhận, đánh giá, quan tâm đúng mức. Lực lượng phòng, chống HIV/AIDS ngày càng lớn mạnh và được mở rộng.

Trước đây, HIV chỉ là vấn đề của ngành của y tế. Còn bây giờ, nó đã được nhìn nhận một cách toàn diện hơn, liên quan tới vấn đề văn hóa, xã hội, nhiều ban, ngành cùng vào cuộc. Mạng lưới phòng, chống AIDS được thiết lập từ tỉnh, tới quận, phường. Bên cạnh đó, còn có đội ngũ tiếp cận cộng đồng, chăm sóc người nhiễm HIV và các tình nguyện viên khác.

Bác sỹ Lại Thị Kim Anh, Giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Cần Thơ. Ảnh Như San

Bác sĩ Kim Anh cho biết: Dịch HIV/AIDS tuy đã được khống chế phần nào, nhưng vẫn diễn biến phức tạp và nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Do đó, đội ngũ phòng, chống HIV/AIDS phải được chuẩn hóa cả về năng lực chuyên môn và bổ sung lực lượng.

Hiện nay 90% ngân sách cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là do tổ chức nước ngoài hỗ trợ. Chúng ta mới chỉ hỗ trợ 10-15% nguồn lực tùy theo từng tỉnh, thành. Vì vậy, cần tăng cường đầu tư ngân sách cho công tác này, huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp, xã hội hóa các hoạt động truyền thông, can thiệp, chăm sóc, kể cả điều trị...

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác chăm sóc điều trị, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ, cũng như việc tuân thủ điều trị cho người bệnh.

Bác sĩ Kim Anh cũng chia sẻ: “Trước đây và ngay cả bây giờ, các y bác sĩ trong bệnh viện cũng chưa có tinh thần cởi mởi để sẵn sàng trong điều trị ARV, chứ chưa nói tới điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Điều trị, chăm sóc HIV/AIDS phải coi như các vấn đề bệnh tật khác. Phải chăm sóc HIV/AIDS như các bệnh viêm gan siêu vi B, tiểu đường, cao huyết áp, sốt suất huyết… Nhưng vẫn còn có nhiều người chưa nghĩ được như vậy, họ chỉ cho rằng, việc điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội là việc làm thêm, chưa cho đó là trách nhiệm của mình”.

Việc hỗ trợ công ăn việc làm cho người nhiễm HIV/AIDS giúp họ vượt qua trở ngại của khủng hoảng tinh thần, vượt qua sự kỳ thị của xã hội, mặc cảm bệnh tật để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là việc làm cần thiết để giúp họ tự tin, hòa nhập với cộng đồng.

Top