Tâm huyết giúp người nghiện từ bỏ ma túy

21/11/2017 08:14

“Nhiều người bảo tôi dại, có bằng bác sĩ đã hơn 45 năm, học hành chính quy, chỉ cần về nhà mở phòng khám tư cũng sống sung túc, tuổi đã cao, làm nghề này làm chi cho cực. Tôi chỉ cười và trả lời: Bởi nghề này là cái nghiệp của tôi".

Bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn các học viên cai nghiện thực hành nghề mộc

Đó là tâm sự của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa (gọi tắt là Trung tâm Thanh Đa) quận Bình Thạnh, TPHCM.

Là một bác sĩ, từng trải qua nhiều đơn vị công tác, ông Duy sớm nhận rõ tác hại của ma túy, nhất là đối với lớp trẻ. Sau năm 1975, ông được giao làm bác sĩ trưởng Trại giam Chí Hòa. Qua điều trị và trao đổi với người nghiện, ông biết họ đến với ma túy bằng nhiều con đường, nhiều hoàn cảnh và tâm trạng khác nhau. Vì tài liệu về cai nghiện ma túy lúc bấy giờ rất ít nên ông phải mày mò tìm hiểu, nghiên cứu để có phương pháp điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Bác sĩ Duy kể: "Năm 1995, tôi làm Hội thẩm Tòa án nhân dân, đã tham gia xét xử nhiều vụ án liên quan đến ma túy. Tôi rất băn khoăn, lo lắng vì ma túy làm băng hoại đạo đức xã hội, nhất là người sử dụng ma túy hầu hết là thanh niên". 

Day dứt về vấn đề này, năm 1999, khi về nghỉ hưu, ông Duy đã bàn với các CCB, phải làm việc gì đó để giúp đỡ những người nghiện ma túy và được anh em nhiệt tình ủng hộ, đóng góp, thành lập Trung tâm Thanh Đa.

Ban đầu thiếu vốn, các CCB phải vay mượn, có người phải thế chấp nhà cửa để xây dựng trung tâm. Dành hết tâm huyết cho công việc, cộng với tiếp xúc gần người nghiện, ông hiểu rằng, thuốc không phải là phương thức chính để điều trị cai nghiện ma túy, mà những biện pháp không dùng thuốc mới thật sự hiệu quả. Để giúp phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách cho người nghiện ma túy thì phải thông qua tư vấn tâm lý trị liệu, giáo dục trị liệu, các kỹ năng sống, kỹ năng đối phó… Từ thực tiễn công tác, ông và các cộng sự đã biên soạn hàng nghìn trang tài liệu về cai nghiện ma túy và truyền tải trên trang web của trung tâm để trao đổi, phổ biến kinh nghiệm điều trị với đồng nghiệp, người nghiện và gia đình người nghiện. 

Qua gần 20 năm, Trung tâm Thanh Đa đã điều trị cho hơn 18.000 trường hợp nghiện ma túy. Các cán bộ điều trị, giáo dục tại trung tâm hầu hết đã tốt nghiệp đại học và trên đại học, tham gia nhiều khóa đào tạo chuyên ngành. Nhiều đoàn khách trong nước, quốc tế đã đến thăm trung tâm và đánh giá cao hiệu quả cai nghiện ở đây. 

Với những thành tích đạt được, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, được các ban, bộ, ngành tặng thưởng nhiều bằng khen và các danh hiệu: "Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác"; "Lãnh đạo xuất sắc-Doanh nhân tâm tài"; Top 10 "Doanh nhân tiêu biểu vì sự nghiệp cộng đồng"; "Doanh nhân CCB giàu lòng nhân ái"; "Doanh nhân CCB thành đạt"…

Ông cũng là một trong những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác, 11 năm liền là Chiến sĩ thi đua, CCB gương mẫu... Dù đã ngoài 70 tuổi, ông vẫn còn rất nhiệt huyết với nghề, dành hầu hết thời gian cho công tác cai nghiện. Mong muốn của ông là làm sao tìm được con đường tốt nhất giúp những người nghiện ma túy, và Trung tâm Thanh Đa phải trở thành nơi nâng đỡ, điều trị hiệu quả hơn cho họ.
Top