Sống chung với HIV

28/10/2011 12:05

“Mỗi ngày, dân trong phường đến khám bệnh tại trạm Y tế có đủ thành phần, lứa tuổi, trong đó có nhiều phụ nữ trong trong độ tuổi sinh đẻ, đang mang thai và chị em sắp kết hôn đến để được tư vấn kiến thức về sức khoẻ sinh sản, các bệnh lây lan qua đường tình dục, đặc biệt là HIV/AIDS. Những lúc này, chúng tôi sẽ giải thích cho chị em cách chăm sóc thai nhi theo tháng tuổi, quyền lợi mà họ được hưởng khi đang mang bầu. Người nhiễm HIV được giới thiệu họ đến cơ sở Y tế để điều trị bệnh, ngoài ra được cấp phát sữa ngoài cho phụ nữ mang thai dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…”. Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Bích Vân, Trạm trưởng trạm Y tế phường Quyết Thắng, Thị xã Kon Tum.

Chị Vân cho biết, tại địa phương có khoảng 6 người nhiễm HIV. Đa số phát hiện bệnh qua những lần đi khám tại bệnh viện và họ yêu cầu giấu tên, hoặc thông báo các bệnh nan y như ung thư, viêm màng não nên việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS hết sức khó khăn. Những lần muốn tiếp xúc với người nhiễm HIV phải đi vào buổi tối, vì như thế sẽ “kín đáo”, người dân không phát hiện mà kỳ thị, phân biệt đối xử…

 Với 23 năm trong làm nghề y, chị thấy đau khi nhìn người dân có bệnh mà họ không dám đối mặt, để được điều trị, sống hòa nhập cộng đồng. Những lúc đấy, chị đến từng nhà, tuyên truyền cho từng người vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật. Chị kể, trong phường có chị nhiễm HIV, đã chuyển sang giai đoạn AIDS. Chồng tử vong do AIDS và không lâu sau đó đứa con cũng “đi” theo bố. Như thấu hiểu được nỗi đau, mất mát khi đồng cảnh cũng là một phụ nữ từng mang nặng đẻ đau, làm mẹ nên chị Vân đã nhất quyết không để việc đáng tiếc như thế xảy ra nữa. Đến nhà bệnh nhân đó động viên, an ủi và dặn dò hướng dẫn cách không lây nhiễm HIV cho người khác, những lúc như thế trong lòng chị thấy vui và thanh thản lạ thường.

Cũng như bao con người trên thế giới này, chị mong rằng, nếu cả cộng đồng làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS, người dân có kiến thức về HIV để tự bảo vệ mình và gia đình trước dịch bệnh thì đâu đến nỗi. Những đứa trẻ vô tội kia có cơ hội sống trên cuộc đời này nếu người mẹ, cha cùng người thân biết cách dự phòng HIV lây truyền từ mẹ sang con.

Bằng những hoạt động thiết thực, trạm Y tế phường đã tổ chức các buổi sinh hoạt, kêu gọi người dân tham gia các công tác phòng, chống ma túy, mại dâm ngăn ngừa đầu vào của dịch HIV. Phối hợp với hội phụ nữ mở cuộc thi viết về tình yêu, sự chung thủy, hạnh phúc trong gia đình. Cùng với hội nông dân, người cao tuổi, đoàn thanh niên tuyên truyền tới các cụm dân cư không xa lánh người nhiễm HIV/AIDS. Dân số trong phường là 10847, thì có 2003 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Những chị em này khi đến phường khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa hay theo dõi thai nhi đều được tư vấn về HIV. Tôi đang băn khoăn “chu trình” làm việc của các cán bộ Y, bác sỹ trong trạm như thế nào thì Y tá Nguyễn Thị Hiền giải thích luôn: Phụ nữ ba tháng đầu mang thai bước đầu tiên là được khám, theo dõi thai nghén, toàn trạng về cơ thể như huyết áp, chiều cao và thử Prôtêin xem mọi thứ có bình thường không. Ba tháng giữa, cân trọng lượng cơ thể có chuyển biến hay không, nhịp tim như thế nào, tư vấn tiêm phòng uốn ván và các dịch bệnh khác. Ba tháng cuối là tiên lượng cuộc đẻ… Chị Hiền cho biết thêm, nếu biết chị em nào từng có hành vi nguy cơ cao hay chồng họ nghiện ma tuý chảng hạn sẽ khuyên họ đi tư vấn xét nghiệm HIV, nếu chị em nào nhiễm HIV thì sẽ tư vấn đến các cơ sở sản khoa tuyến trên để được chăm sóc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; hay sau khi sinh con nên dùng sữa ngoài, cách chăm sóc trẻ nhằm tránh xây xát, lây nhiễm HIV.

Mặt trời Cao nguyên đã lùi dần về phía những dãy núi xa xa, câu nói của Trạm trưởng trạm Y tế khiến cho lòng tôi thêm phấn chấn, như những tia nắng còn vương sót lại: “Đã là bác sỹ thì phải chữa bệnh. Bệnh AIDS không ngoại lệ, bệnh nhân cần những lời chia sẻ, đôi bàn tay chăm sóc, điều trị của những người khoác trên mình bộ quần áo trắng mang đậm lòng Y đức… ”
Gia Thanh
Top