Nữ quản giáo cảm hóa phạm nhân bằng lòng nhân ái

24/10/2017 08:43

Trong buổi giao lưu các gương mặt điển hình tiên tiến nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND vừa qua, rất nhiều khán giả đã bày tỏ xúc động, khâm phục trước lòng nhân ái, không ngại gian khó, bỏ qua những ước mơ, hoài bão của một cô gái trẻ mới ra trường xung phong, tình nguyện nhận công tác tại khu giam giữ dành cho các phạm nhân mắc bệnh lao kháng thuốc.

Đó là Thiếu úy Phạm Hồng Vinh, cán bộ trực trại Khu sản xuất 1, Trại giam Thủ Đức, Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an.

Chúng tôi tìm gặp Vinh sau lễ vinh danh, qua cuộc trò chuyện, được biết cô sinh ra trong một gia đình truyền thống, bố cũng làm cán bộ quản giáo. Từ tình yêu thương, chỉ bảo dìu dắt, dạy dỗ của bố cùng những kiến thức được học trong Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân VI, cô hiểu công việc của mình, muốn cảm hóa, giúp các phạm nhân vượt qua lỗi lầm, trước tiên bản thân phải dành thời gian, sự chân tình để tâm sự, lắng nghe phạm nhân.

Thiếu úy Phạm Hồng Vinh

Ở Khu sản xuất 1 của cô, không chỉ trông phạm nhân bị lao, lao kháng thuốc, mà còn có cả phạm nhân bị HIV và những bệnh truyền nhiễm khác. Với cô, dù bệnh tật, là phạm nhân nhưng khi vào thụ án trong trại giam, bị tước đi một số quyền công dân nhưng tất cả đó cũng là con người và rất cần được quan tâm, động viên.

“Tại đây, các phạm nhân nữ đều từ các phân trại khác chuyển đến để điều trị lao. Ngoài bị bệnh lao, các phạm nhân này còn mắc thêm các bệnh hiểm nghèo như HIV, AIDS, tiểu đường… Bệnh tật hiểm nghèo, án phạt tù dài là điều khiến cho tâm lý các phạm nhân chán nản, tự ti. Ở ngoài, họ có người thân chăm sóc nhưng ở trong trại giam, họ chỉ có một mình, không gia đình, bị kỳ thị bệnh tật thì sự quan tâm của Ban Giám thị, cán bộ quản giáo chính là động lực tinh thần giúp họ tiếp tục cải tạo, điều trị bệnh…”, Vinh chia sẻ.

Để giúp các bệnh nhân và cũng là phạm nhân yên tâm điều trị, chiến thắng bệnh tật, cô bắt đầu từ việc chữa tâm bệnh. Cô dành thời gian gần gũi, trò chuyện để nắm bắt tâm lý phạm nhân, kịp thời động viên, giúp họ có thêm niềm tin, lý trí.

Là một trong những người có mặt tại trường quay, chăm chú theo dõi các phần giao lưu giữa các gương mặt điển hình với khán giả, chị Nguyễn Thị Mai Lan, cán bộ Cục Chính trị Cảnh sát bày tỏ: “Tôi rất khâm phục đồng đội, nữ quản giáo trẻ Phạm Hồng Vinh đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cải tạo, giáo dục phạm nhân, mà ở đây các phạm nhân nhiều người bị lao kháng thuốc. Có lẽ phẩm chất cán bộ quản giáo ngoài cảm hóa, giáo dục phạm nhân, theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất là phẩm chất tình người. Và đồng chí Phạm Hồng Vinh đã làm được điều đó…”.

Ai cũng biết việc tiếp xúc với các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm là một điều hết sức khó khăn, bởi đây là những căn bệnh mà rất nhiều người trong xã hội kỳ thị, xa lánh. Vậy nên nếu không có sự dũng cảm, một trái tim nhân hậu, một tình yêu lớn lao với nghề thì không thể đảm nhận được, nhất là khi hiểu rõ nguy hiểm luôn rình rập, bất cứ một sai lầm nhỏ trong giao tiếp cũng có thể khiến bản thân mình bị lây nhiễm bệnh.

“Đây là một công việc rất khó khăn, đòi hỏi bản thân mỗi cán bộ phải tích cực trau dồi kiến thức, tự phòng tránh cho mình là chính vì luôn tiếp xúc thường xuyên, hằng ngày với người bệnh. Hiện nay khu giam giữ có gần 100 bệnh nhân, nhiều hơn số bệnh nhân đang điều trị tại một bệnh viện lao phổi. Tuy cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, về đảm bảo an toàn tuyệt đối thì chưa một ai dám chắc chắn vì công việc này không ai nói trước được điều gì. Nhưng với tinh thần của tuổi trẻ thanh niên CAND, chúng tôi sẽ sống, cống hiến vì màu cờ sắc áo, vì nhiệm vụ được giao, vì một môi trường không còn lao phổi…”, Vinh chỉ tay vào tấm ảnh Trại giam Thủ Đức với khẩu hiệu lớn được treo với dòng chữ “Vì một môi trường không còn lao phổi” và cho biết, đó cũng là ước mơ lớn nhất của các cán bộ nơi cô công tác…

Top