Nữ quản giáo 8X ươm mầm thiện

12/12/2016 16:37

Gần 10 năm gắn bó với công việc của người cán bộ quản giáo, Thượng úy Nguyễn Thị Giang đã thức tỉnh lương tri của hàng trăm con người lầm lỡ tìm lại được con đường sáng.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang hiện đang quản lý, giáo dục và dạy nghề cho 35 nữ phạm nhân làm chiếu trúc, thuộc Đội 35, Phân trại số 1, Trại giam số 6 (Tổng cục VIII-Bộ Công an), đóng chân trên địa bàn xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương.

Thượng úy Giang hướng dẫn phạm nhân làm chiếu trúc

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp cảnh sát, cô gái sinh năm 1982 được nhận về công tác tại đơn vị Trại giam số 6. Sau một thời gian nhận nhiệm vụ làm cán bộ quản giáo ở đội nông nghiệp, phụ trách giáo dục những phạm nhân có án nhẹ, án ngắn, lao động cải tạo bên ngoài khuôn viên đơn vị, Ban giám thị Trại giam số 6 đã quyết định “rút” nữ quản giáo này về nhận nhiệm vụ tại nhà xưởng, là nơi dành cho những phạm nhân đang phải chấp hành án với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Hiện, Thượng úy Nguyễn Thị Giang đang phụ trách giáo dục Đội 35, là đội phạm nhân nữ, lao động làm chiếu trúc trong nhà xưởng.

Thử thách lớn nhất đối với nữ quản giáo 8X là đội này quy tụ những phạm nhân nữ có tuổi đời lớn, án cao, án dài và án đặc biệt nghiêm trọng, với thành phần phức tạp, đầy đủ các loại tội phạm, từ ma túy, mại dâm đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thậm chí là giết người. Trong đó, án chung thân có 7 phạm nhân, 3 phạm nhân mức án 20 năm tù và rất nhiều phạm nhân có mức án trên 20 năm. Một số chị em tuổi cao, lại phải thụ án dài nên có những thời điểm, tư tưởng còn hoang mang, dao động.

Những lúc như vậy, Giang lại phải động viên tinh thần, phân tích, chia sẻ để các chị yên tâm cải tạo, lao động  sản xuất để được giảm án, sớm  trở về tái hòa nhập cộng đồng. Không những thế, với những phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phạm nhân bị thân nhân “bỏ rơi”, không thăm nuôi, ký gửi kể từ khi vào trại giam, những lúc đau ốm, chị Giang lại đóng vai trò là người mẹ, người chị để chăm lo, thuốc thang. Thậm chí, với một số phạm nhân, chị còn phải bỏ tiền túi ra khi họ đau yếu phải nằm viện, dù không nhiều nhưng cũng đủ để mua cân đường, hộp sữa lúc cần thiết.

Cho đến bây giờ, Thượng úy Nguyễn Thị Giang cũng chẳng nhớ hết mình đã làm vậy bao nhiêu lần, với bao nhiêu phạm nhân. Chỉ biết rằng, hiệu ứng của những việc làm ấy là sự ghi nhận rất chân tình của phạm nhân, không chỉ giúp cho quá trình giáo dục, cải tạo của phạm nhân tốt hơn lên mà nhiều người sau khi hết án, trở thành người có ích cho xã hội đã quay trở lại trại giam để nói lời cảm ơn đối với người mẹ, người thầy thứ hai của cuộc đời mình.

Với sự cống hiến lặng lẽ của mình, năm 2016, Thượng úy Nguyễn Thị Giang được suy tôn là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Trước đó, chị đã vinh dự được nhận Bằng khen của Tổng cục thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp; Hội phụ nữ Tổng cục cũng trao tặng Bằng khen cho chị vì những cống hiến cho phụ nữ trong suốt 5 năm chị giữ cương vị là Hội trưởng Hội phụ nữ Phân trại số 1.

Thượng úy Nguyễn Thị Giang chia sẻ, mỗi ngày qua đi, nhìn thấy những phạm nhân do mình trực tiếp giáo dục ngày càng tiến bộ, cải tạo tốt hơn, chị lại có thêm niềm vui để lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ hy sinh, đóng góp một phần nhỏ bé để giúp những phận người lầm lỡ sớm trở về gia đình và cộng đồng, trở thành những công dân có ích cho xã hội./.

Top