Nữ giáo viên nhiễm HIV hết lòng vì công tác cộng đồng

09/03/2021 10:40

(Chinhphu.vn) - Cô giáo Vân nói: "Ai cũng biết tôi nhiễm HIV nên tôi muốn mỗi khi lên hình là mình phải đẹp và khỏe, để những người nhiễm bệnh như tôi có thêm nghị lực sống, làm nhiều việc có ích cho xã hội".

Lập tổng đài từ vấn sức khỏe cho người nhiễm HIV

Phát hiện nhiễm HIV hơn 15 năm trước, bên cạnh công việc thường ngày là tại một trường THCS  ở An Giang, để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, cô Vân đã lập tổng đài tư vấn sức khỏe cho người bệnh HIV/AIDS.

Cô Vân cho rằng, cuộc sống của con người không chỉ tính bằng chiều dài cuộc sống mà còn bằng những gì người đó cống hiến cho xã hội.

Có được cuộc sống viên mãn như ngày hôm nay, cô giáo Vân thừa nhận vào những năm 1999, cô trải qua những ngày khủng khiếp của cuộc đời. Khi ấy, đứa con trai đầu lòng vừa tròn 7 tháng tuổi cũng là lúc cô Vân nhận hung tin chồng cô nhiễm HIV. Khi nghe tin đó, trời đất như sụp đổ dưới chân cô Vân. Dù có nhiều cánh tay của đồng nghiệp, người thân đỡ nâng nhưng không tài nào cô gượng dậy nổi. Cô buồn tủi, tự kỳ thị khi biết mình mang căn bệnh thế kỷ như chồng. Thế rồi, cô đã vượt qua khi biết con mình không nhiễm bệnh.

Cô Vân kể: "Sau khi chồng mất, tôi đưa cháu đi xét nghiệm, nhưng không ngờ con tôi không nhiễm bệnh, tôi mừng đến phát khóc. Từ đó, tôi ăn không nổi cũng phải ăn, ăn để sống. Và khi có sức khỏe, tinh thần phấn chấn, tôi tập trung giảng dạy, chăm sóc con. Tôi mở tổng đài tư vấn cho người nhiễm HIV, giúp họ tìm việc, kiếm tiền nuôi sống bản thân, gia đình, hòa nhập với cộng đồng".

Cô Vân là trưởng Nhóm Hy Vọng An Giang. Mỗi ngày cô hy vọng mình thức dậy khỏe mạnh, lên lớp giảng bài và hết giờ được gặp gỡ, chia sẻ với những người không may nhiễm HIV như cô.

Nhờ sự vươn lên kỳ diệu đó, năm 2001, cô Vân là người đầu tiên được Hội đồng Bộ môn Hóa huyện Châu Thành công nhận là giáo viên dạy giỏi. Cô Vân cũng là người đầu tiên của trường THCS Cần Đăng được Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen.

Đến 2006, cô thành lập "Nhóm Hy Vọng" - nơi sinh hoạt cho những người nhiễm bệnh HIV/AIDS. Ban đầu chỉ vài người, sau đó nhóm tăng lên vài chục người; giai đoạn 2010 - 2015, nhóm tăng lên 50 người. Thấy nhiều người khó khăn, tự ti với bản thân vì không làm ra tiền, cô trăn trở, vì lương giáo viên của cô không sao giúp hết mọi người kiếm chén cơm.

 Vay ngân hàng giúp người nhiễm HIV làm ăn…

Đang trò chuyện, điện thoại cô Vân reo lên, cô Vân nhìn số điện thoại, vẻ mặt cô chùng xuống. Cô kể, trường hợp cháu B. và L. (người nhà mới gọi tới) rất đáng thương, cách đây gần 3 năm, bà nội cháu B. và cháu L. đưa 2 cháu từ Campuchia về An Giang khi cha mẹ chúng mất vì căn bệnh HIV/AIDS. Ba bà cháu về xã Cần Đăng nói tiếng Việt không rành nên bà chỉ đi ăn xin nuôi 2 cháu nhỏ.

Một lần đến thăm 2 cháu B. và L., cô Vân thấy 2 tai cháu B. cứ chảy mủ. Cô Vân đưa 2 cháu đi xét nghiệm, vì cô nghi ngờ cháu B. có khả năng mắc bệnh HIV. Đúng như cô dự đoán, kết quả cho thấy cháu B. nhiễm HIV, còn em gái B thì may mắn không nhiễm bệnh.

Khi có mái nhà chung (trụ sở Nhóm Hy Vọng đặt tại Trung tâm y tế xã Cần Đăng), cô Vân tạo nhiều việc làm cho thành viên. Ngoài ra, cô còn vay tiền giúp các thành viên có vốn làm ăn.

Cũng từ ngày đó, cô Vân hướng dẫn em B. sử dụng thuốc ARV, cách phòng lây nhiễm cho người khác… Mặt khác, cô Vân báo với ban ngành đoàn thể xã Cần Đăng để giúp hai cháu B. và L. đến trường. Hiện 2 anh em B. đang học lớp 6, cuộc sống còn bộn bề khó khăn.

Một lần nữa, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với cô Vân bị gián đoạn bởi tiếng chuông điện thoại cô Vân reo lên. Lần này, vẻ mặt cô Vân vui hơn, vì chị M. - một thành viên trong "Nhóm Hy Vọng" báo tin có đơn hàng may màn số lượng lớn.

Cô Vân cho biết, khoảng 2015, cô kết nối nhiều nơi để dạy các thành viên làm móc khóa, tranh thêu, may màn… Sau đó, cô Vân tìm chỗ tiêu thụ. Cũng thời gian này, cô Vân vay 50 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội để lập quỹ cho gia đình người nhiễm HIV vay làm vốn sinh kế.

Chị M. - có chồng nhiễm bệnh HIV chia sẻ: "Đối với hộ bán vé số, cô Vân cho vay 2 - 5 triệu đồng; còn đối với hộ mua bán tạp hóa, ve chai, sửa xe đạp… từ 5-10 triệu đồng. Chính nhờ số tiền của cô Vân, nhiều hộ có thu nhập ổn định, không còn mặc cảm với gia đình".

Với sự phấn đấu không mệt mỏi, theo năm tháng, cô Vân được Phòng Giáo dục huyện Châu Thành mời làm thanh tra viên, rồi làm thành viên Hội đồng cho Bộ môn Hóa học của huyện, được cử vào đội ngũ giảng viên nguồn cho Sở Giáo dục An Giang và hiện nay là Chủ tịch Công đoàn trường THCS Cần Đăng.

Ông Tạ Ngọc Bưu - Hiệu trưởng trường THCS Cần Đăng chia sẻ: "Trong thời gian qua tôi chẳng thấy có khoảng cách nào giữa các giáo viên, học sinh trong nhà trường với cô giáo Vân. Trong chuyên môn nghiệp vụ cô luôn hoàn thành tốt; còn đối với anh em đồng nghiệp, cô luôn quan tâm chu đáo, vì cô hiện nay là Chủ tịch Công đoàn trường. Cô đã hơn 50 tuổi nhưng vẫn nhiệt huyết với nghề và chưa thấy mỏi chân với công tác tư vấn sức khỏe cho người nhiễm HIV cũng như việc hỗ trợ những trường hợp này tìm việc làm, hỗ trợ vốn để mưu sinh".

"Hiện tại, tôi chỉ muốn cuộc sống được mãi như thế này, vì tôi đã đạt được những điều tôi đã đặt ra. Tôi hoàn thành được những điều đó, tôi cám ơn gia đình, đồng nghiệp rất nhiều, vì họ là viên thuốc tốt nhất cho cơ thể tôi sau viên thuốc ARV dành cho người nhiễm HIV để tôi trỗi dậy sống vui, khỏe như ngày hôm nay", cô Vân chia sẻ.
Top