Nữ điều dưỡng gắn bó cả đời với bệnh nhân HIV/AIDS

08/03/2019 15:34

Hơn 12 năm làm việc, chị Trần Thị Thúy nói nghề điều dưỡng nhọc nhằn, gian nan, muốn gắn bó phải đồng cảm và say nghề.

 Chị Trần Thị Thúy, điều dưỡng trưởng Bệnh viện 09. Ảnh: Thùy An

Chị Trần Thị Thúy 33 tuổi, đang là điều dưỡng trưởng Bệnh viện 09, Hà Nội, phụ trách quản lý và hỗ trợ hơn 100 điều dưỡng khác. Đây là bệnh viện chuyên tiếp nhận, chăm sóc bệnh nhân HIV/AIDS, với 100 giường và gần 200 y bác sĩ công tác. Thành phần bệnh nhân khá phức tạp, từ người nghiện chích ma túy, gái bán dâm đến những người bị gia đình, xã hội bỏ rơi khi phát hiện bị nhiễm HIV.

Năm 2012, điều dưỡng Thúy chăm sóc cho bệnh nhân nam trẻ tuổi bị HIV giai đoạn cuối và áp xe nặng ở tay, đứt động mạch. Trong một lần thay băng, máu bệnh nhân bắn vào mặt khiến chị đối mặt nguy cơ phơi nhiễm.

"Mọi thứ diễn ra quá nhanh khiến tôi có chút lo sợ", chị Thúy kể. Ngay lúc đó, chị nhanh chóng băng bó, làm sạch vết thương cẩn thận cho người bệnh rồi mới xử lý vết máu trên mặt mình.

"Lúc đấy tôi chỉ lo có mệnh hệ gì thì gia đình phải làm thế nào", chị Thúy nhớ lại cú sốc lớn nhất khi làm việc tại viện.

Mỗi ngày, một người điều dưỡng phải chăm sóc hàng trăm bệnh nhân từ vệ sinh đến các thủ thuật y tế. Điều dưỡng còn phải chăm lo đời sống tinh thần, dinh dưỡng, hỗ trợ luyện tập và phục hồi chức năng để đề phòng các biến chứng. Bệnh nhân tử vong, điều dưỡng phải vệ sinh thi thể, thực hiện các thủ tục cần thiết như quản lý tư trang người bệnh rồi bàn giao cho nhân viên nhà đại thể.

Bệnh nhân HIV/AIDS giai đoạn cuối mang nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội, lở loét khắp mình. Có bệnh nhân phải cuộn mình trong hàng chục tấm drap giường để thấm huyết tương liên tục rỉ ra. Cứ vài giờ, điều dưỡng lại phải thay một lần. "Hầu hết bệnh nhân đều không có người nhà", chị Thúy kể.

Theo chị Thúy, khó khăn lớn nhất của điều dưỡng là nguy cơ lây nhiễm. Tình huống bị lây nhiễm cao nhất là động tác hay thủ thuật y tế sai lầm như đặt ống chích có kim sau khi lấy máu hoặc tiêm tĩnh mạch thất bại, giẫm lên kim tiêm... Ngoài ra, xử lý rác thải như phân loại vật bén nhọn, nguy hiểm, rác y tế, rác sinh hoạt, thùng chứa rác nguy hiểm không đúng cách... cũng là sai sót thường gặp.

Với kiến thức của người công tác trong ngành y, chị hiểu rõ về những nguy cơ phải đối diện khi vào nghề. AIDS không phải một bệnh dễ lây nhưng các bệnh cơ hội tiềm ẩn rất nhiều, nhất là lao. Do đó, điều dưỡng luôn phải nắm vững kiến thức, cẩn thận trong công việc và tuân thủ các quy định để bảo vệ chính mình. 

Điều dưỡng còn phải đối mặt với nguy cơ bị bệnh nhân hành hung và sự kỳ thị, mặc cảm với cộng đồng. Điều dưỡng Huyền 38 tuổi, làm việc 14 năm tại viện, phải giấu gia đình nhà chồng về công việc và bị bạn bè thì gán biệt danh "Huyền aids", khiến chị tủi thân vô cùng. "Hầu hết những người còn gắn bó đến ngày hôm nay đều vì yêu nghề và đồng cảm với người bệnh", chị Huyền tâm sự.

Riêng chị Thúy, lý do gắn bó với bệnh viện khá đặc biệt. Năm 2009, chị Thúy kết hôn với chồng là chiến sĩ công an. Quen nhau 5 năm, chồng là người luôn tự hào về công việc và lòng dũng cảm của vợ. Năm 2017, chồng mất khi đang làm nhiệm vụ, chị trở thành điểm tựa duy nhất của con gái 5 tuổi. Về sau có nhiều cơ hội để chuyển sang công việc tốt hơn, chị vẫn quyết gắn bó với viện 09 bởi "ngoài bệnh nhân, nơi đây còn là kỷ niệm đẹp với chồng". 

"Tôi phải mạnh mẽ vì con và để chồng dù đi xa vẫn yên lòng", nữ điều dưỡng chia sẻ. 2019 cũng là kỷ niệm 10 năm ngày cưới của hai vợ chồng.

Chiều muộn, chị Thúy sắp xếp công việc rồi bước nhanh để kịp giờ về đón con gái. Hòa mình vào nhịp sống hối hả bên ngoài cổng viện, chị luôn mong bệnh nhân của mình được cộng đồng giúp đỡ và đối xử công bằng.

"Đó cũng là cách để đẩy lùi căn bệnh xã hội và tiếp thêm động lực với đội ngũ y bác sĩ đang ngày đêm cống hiến cho nghề", nữ điều dưỡng tâm sự.
Top