Nơi người đồng tính được “Sống hạnh phúc”

26/02/2016 13:07

Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục khi đi khám đã có chút ngại ngần, đối với những người đồng tính, đó thực sự là một quyết định cần sự dũng cảm bởi họ sợ nếu đi khám sẽ bị “lộ”, sẽ bị kỳ thị. Nhiều người không dám đi khám mà cố chịu đựng hoặc mua thuốc về tự điều trị, bệnh không khỏi mà càng nặng hơn.

Và hiểu được tâm lý này, một phòng khám mang tên SHP ra đời với mục đích giúp cộng đồng người đồng tính tại Việt Nam được “Sống hạnh phúc”.

Phòng khám nâng cao sức khỏe tình dục cho nam giới (SHP) thuộc Đại học Y Hà Nội được thành lập từ cuối năm 2013. Ban đầu phòng khám chủ yếu tư vấn về sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cho các bạn thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiêu chí của phòng khám khi đó là tiếp cận cộng đồng, cung cấp các dịch vụ về tư vấn sức khỏe gần nhất đối với người dân, các bạn trẻ. Sau khi có thông tin về tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới đang ở mức báo động, và sự  kỳ thị nhóm đối tượng này chính là một trong những nguyên nhân khiến HIV càng có cơ hội lây lan nhanh, SHP đã quyết định tập trung hơn vào vấn đề này.

Bác sỹ Vũ Đức Việt tư vấn cho một bạn MSM. Ảnh Nhật Thy

Bác sỹ Vũ Đức Việt, Trưởng Phòng khám SHP cho biết, SHP là từ viết tắt của Sexual Health Promotion (Nâng cao sức khỏe tình dục), tuy nhiên các bác sỹ ở đây “thích” gọi là “Sống hạnh phúc” với mong muốn mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn đến đối tượng mà phòng khám hướng tới.

Bác sỹ Vũ Đức Việt cho biết, chỉ tính riêng năm 2015, phòng khám đã tiếp cận được gần 7.000 bạn MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) tại thực địa cũng như tại các kênh mới (internet, mạng xã hội). Hơn 1000 bạn đã trực tiếp đến phòng khám để tư vấn, xét nghiệm và cũng đã phát hiện được trên 50 trường hợp nhiễm HIV. Ngoài ra tỷ lệ mặc các bệnh tình dục trong nhóm này cũng chiếm khoảng 7-10%.

Đến với phòng khám, ngoài được xét nghiệm miễn phí, các bạn MSM được tư vấn các vấn đề liên quan đến đa dạng tình dục, tầm quan trọng của sức khỏe tình dục, các vấn đề liên quan đến HIV và các bệnh lây qua đường tình dục, vấn đề về nghiện chất, về kỳ thị và đối phó với kỳ thị, tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế…

“Một số bạn băn khoan liệu vấn đề về nhận dạng tình dục của các bạn đó là đúng hay sai, liệu có thay đổi được hay không. Các bạn lo lắng cho tương lai sẽ như thế nào, sợ bị kỳ thị”, bác sỹ Vũ Đức Việt nói.

Tiên phong trong tuyên truyền sức khỏe tình dục cho người đồng tính

Tiếp xúc nhiều với các bạn MSM, bác sỹ Vũ Đức Việt cho biết, hiện nay kiến thức về sức khỏe tình dục của các bạn còn ít. Đây là một vấn đề khá mới nên nhiều đơn vị chưa có đủ thông tin để tuyên truyền cho cộng đồng. SHP hiện là đơn vị tiên phong trong vấn đề về tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho MSM với 2 hình thức là trao đổi trực tiếp tại cộng đồng và qua các kênh online.

Các tư vấn viên không ngại ngày đêm tiếp cận khách hàng. Ảnh Nhật Thy

Bác sỹ Việt cho biết, để có thể tư vấn tốt cho các bạn MSM, giúp họ bớt mặc cảm và tuân thủ điều trị, các bác sỹ, tư vấn viên của phòng khám phải trải qua một lớp đào tạo 6 tháng về HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cũng như những khóa học về tâm lý, nhân quyền, chống kỳ thị, đào tạo về phỏng vấn tạo động lực.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất theo bác sỹ Vũ Đức Việt là các bác sỹ, tư vấn viên phải thực sự yêu nghề. Các tiếp cận viên của phòng khám ngày nào cũng như ngày nào, có hôm đến tận 11, 12 giờ đêm đến các địa điểm mà cộng đồng MSM thường xuyên có mặt để tuyên truyền, tư vấn, tham gia rất nhiều các hoạt động của họ, tạo sự tin tưởng của họ, sau đó mới tuyên truyền, cung cấp thông tin.

“Là những người khác xu hướng tình dục, chính vì vậy việc hiểu được các bạn MSM, hòa mình vào cộng đồng này không phải là việc dễ dàng. Nhưng vì tình yêu công việc, sự cảm thông đối với nhóm người chịu nhiều thiệt thòi nên các tư vấn viên mới có thể tâm huyết như vậy”, bác sỹ Việt nói.

Với đội ngũ chỉ có 7 người (2 bác sỹ, 5 tiếp cận viên) mà trong một năm có thể tiếp cận gần 7.000 lượt MSM thì phải nói sức làm việc và cái tâm của các nhân viên phòng khám như thế nào.

“Sống hạnh phúc”

Một bạn MSM tên L, (19 tuổi) cho biết, L biết đến “Sống hạnh phúc” do các bạn cộng tác viên cộng đồng giới thiệu. Năm 2014, L bị bệnh giang mai, đã đi khám ở phòng khám tư hết mười mấy triệu tiền thuốc nhưng bệnh mãi không khỏi.

“Lúc đó, em ngại đến bệnh viện vì sợ bị kỳ thị, không biết người ta có phân biệt đối xử hay không. Mà cũng chẳng biết cơ sở nào chữa các bệnh này nữa’, L kể.

Khi đến với SHP, L được các bác sỹ tư vấn và cho làm xét nghiệm lại. L đúng là bị giang mai nhưng phác đồ điều trị mà phòng khám tư trước đo đưa ra không chuẩn nên bệnh không khỏi được. Các bác sỹ SHP đã điều trị cho L khỏi bệnh và hầu hết là miễn phí.

Ảnh Nhật Thy

Bên cạnh việc tư vấn, khám chữa bệnh cho các bạn MSM, phòng khám cũng nhiều lần tiếp các bậc phụ huynh đến nhờ chữa “bệnh đồng tính” cho con em mình.

“Nhiều gia đình đến phòng khám khóc lóc vì con họ có xu hướng tính dục khác thường, khăng khăng “đòi” các bác sỹ điều trị để con khỏi đồng tính”, bác sỹ Việt kể.

Khi đó, các bác sỹ, tư vấn viên đã cung cấp cho các bậc phụ huynh những bằng chứng khoa học về nhận dạng tình dục và xu hướng tình dục cũng như những  khó khăn mà các bạn phải trải qua. Từ đó, gia đình có thể giúp con em mình bớt mặc cảm, phấn đầu trong công việc, học tập.

“Có nhiều phụ huynh, sau khi được tư vấn đã “hòa thuận” với con hơn rất nhiều. Bố mẹ và con cái đã có sự nhất trí, thống nhất với quan điểm chung, bớt chống đối”, bác sỹ Việt cười, nói.

Giúp được nhiều người, nhưng các bác sỹ, tư vấn viên cũng gặp không ít tình huống “dở khóc, dở cười”. Bác sỹ Việt kể, có bạn được nhân viên phòng khám dẫn đến các cơ sở chuyển gửi, trước đó đã được tư vấn rất kỹ, vui vẻ đi khám, nhưng khi đến cơ sở lại “lặn mất tăm” (vì sợ kỳ thị) khiến tư vấn viên phải đi tìm và làm “công tác tư tưởng” lại tư đầu.

Bác sỹ Vũ Đức Việt cho biết, trong thời gian tới, phòng khám sẽ tăng cường gặp gỡ ngoài cộng đồng, để tiếp cận nhiều hơn nữa các bạn MSM cũng như nâng cao chất lượng công tác tư vấn, khám chữa bệnh, tạo bầu không khí thoải mái tự tin để các bạn yên tâm tuân thủ điều trị.

Bác sỹ Vũ Đức Việt hy vọng, các bạn MSM có thể vượt qua mặc cảm để đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục, bảo đảm sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tạo được một hệ thống thân thiện, khi đó không chỉ riêng MSM mà toàn thể người dân có thể cảm thấy thoải mái khi đi khám bệnh.

Top