Nỗ lực cải thiện cuộc sống cho những người yếu thế

30/06/2017 19:00

Hơn 10 năm qua, BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã luôn “truyền lửa” cho SCDI triển khai nhiều chương trình y tế công cộng với các mạng lưới ở hơn 40 tỉnh/thành, giúp cho nhiều người dễ tổn thương (người nhiễm HIV/AIDS, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người nguy cơ cao nhiễm HIV như người nghiện ma túy, song tính, đồng tính và chuyển giới…) cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Để tìm hiểu thêm về người “truyền lửa” và những kết quả hoạt động của SCDI, Trang tin điện tử Tiếng Chuông có buổi trao đổi với BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI.

BS. Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI. Ảnh: Thùy Chi

Giúp người yếu thế tự tin thể hiện bản thân

Là một trong 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do tạp chí Forbes bình chọn. Bên cạnh đó, bà còn được nhận giải thưởng “Tầm nhìn” của Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội, bà có muốn “truyền lửa” cho những người định dấn thân vào con đường mình đang đi?

BS. Khuất Thị Hải Oanh: Tôi nghĩ mình chỉ là đại diện được trao danh hiệu này mà thôi. Đây là sự ghi nhận nỗ lực của tất cả các đồng nghiệp của tôi tại SCDI, các thành viên cộng đồng trên khắp cả nước mà chúng tôi đang làm việc cùng… Niềm vui được nhân lên gấp bội vì tôi thấy con đường mình đang theo đuổi có nhiều bạn đồng hành.

Đây còn là lời khẳng định rằng những việc chúng tôi làm có ích, mang lại ảnh hưởng tốt đẹp đến cộng đồng, khiến chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm, muốn đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục trao gửi tâm huyết đến những nhóm người yếu thế cho dù có được ghi nhận hay không.

Hơn 10 năm qua, SCDI đã triển khai nhiều chương trình y tế công cộng với các mạng lưới ở hơn 40 tỉnh, thành mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp những người yếu thế trong xã hội tự tin thể hiện bản thân. Bà có gặp nhiều khó khăn trong suốt quá trình hoạt động?

BS. Khuất Thị Hải Oanh: Tôi vẫn thường hay nói với các đồng nghiệp của mình là nếu việc dễ thì đã có người làm rồi, chẳng đến lượt mình. Công việc chúng tôi chọn đều hướng tới cải thiện cuộc sống của những người yếu thế. Chúng tôi góp nhặt những niềm vui của cộng đồng để làm năng lượng cho mình vượt qua khó khăn. Một nụ cười, một bức vẽ tươi sáng, thành tích học tập của một em bé có mẹ đi tù, hay đứa con mới chào đời của người thoát khỏi ma tuý,... đều là cảm hứng, là động lực để chúng tôi tiếp tục làm việc.

Chúng tôi có hai tiêu chí để quyết định có nên bắt đầu một công việc. Đó là, nếu làm việc này thì sẽ mang lại lợi ích gì cho những người yếu thế. Có ai khác làm và làm tốt hơn mình không?

Mục tiêu cơ bản trong các dự án của chúng tôi là hỗ trợ cũng như kết nối, sẻ chia, tạo môi trường thuận lợi cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rằng, con em của những gia đình ấy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Các em như những cây non gặp phải những yếu tố không thuận lợi cho sự phát triển. Do đó, SCDI đang có dự án tập trung vào các em nhỏ này; hỗ trợ học phí để các em được đến trường, phát triển những kỹ năng sống; hỗ trợ tâm lý, tài chính và pháp lý; kèm dạy học, giúp các em hòa nhập bằng các hoạt động văn hóa…

SCDI cũng đang thực hiện Dự án Bảo vệ Tương lai được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến 5% của Cơ quan Hỗ trợ Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) được triển khai trong 3 năm, từ 2016-2019. Dự án nhận được tài trợ cho 3 năm triển khai và đã hoàn thành giai đoạn khảo sát đầu vào tháng 12/2016.

Cũng trong năm 2016, Dự án đã làm việc với các chuyên gia về nghiện chất, tham khảo lấy ý kiến thanh thiếu niên có sử dụng ma túy nhằm hoàn thiện quy trình nghiên cứu, bảng hỏi phỏng vấn về tình trạng xã hội, sử dụng ma túy, mức độ phụ thuộc, văn hóa nhóm, sức khỏe, kiến thức về HIV/HCV, hành vi tình dục, gia đình, kỳ thị và phân biệt đối xử, và các hành vi vi phạm pháp luật…của thanh niên sử dụng ma túy.

Cuối tháng 12/2016, Dự án đã hoàn thành việc thu thập số liệu định lượng tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, và TPHCM. Hơn 600 thanh thiếu niên đã được phỏng vấn và xét nghiệm HIV/HCV và 30 người được phỏng vấn sâu để tìm hiểu về hành vi tiêm chích, nguy cơ lây nhiễm HIV cũng như khả năng tiếp cận điều trị ARV.

Các thông tin thu thập được trong khảo sát đầu vào này sẽ là nền tảng góp phần định hướng các can thiệp sau này cho thanh niên sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, tại Gặp mặt thường niên VCSPA 2016, Dự án đã tổ chức phiên giới thiệu và tham vấn cộng đồng về tiếp cận thanh niên sử dụng ma túy, đồng thời kêu gọi sự tham gia của các Tổ chức xã hội dựa vào cộng đồng (CBO) tại 8 tỉnh có triển khai dự án. Tính đến nay, đã có 30 CBO gửi thư bày tỏ quan tâm và đề xuất ý tưởng tiếp cận và can thiệp đối với nhóm thanh thiếu niên có sử dụng ma túy.

Dự án đã xuất bản cuốn tài liệu “Giảm hại trong sử dụng ma túy tổng hợp” với các nội dung về tác động của ma túy lên cơ thể người và các lời khuyên giảm hại nhằm nâng cao nhận thức của nhóm thanh thiếu niên và giảm các nguy cơ và tác hại lên thể chất và tinh thần do ma túy tổng hợp gây ra cho người sử dụng.

"Người truyền cảm hứng" luôn trăn trở với nghề

Được mệnh danh là “người truyền cảm hứng”, bà có cảm thấy áp lực với mệnh danh này? Điều trăn trở lớn nhất hiện nay của bà là gì?

BS. Khuất Thị Hải Oanh: Mọi người bảo tôi là “người truyền cảm hứng”, nhưng cảm hứng của tôi lại đến từ các đồng nghiệp kiên cường vượt qua bao bỡ ngỡ, trở ngại để cống hiến.

Điều tôi trăn trở là nhiều người vẫn còn đang ở ngoài lề xã hội  do bị phân biệt đối xử, kỳ thị, không theo kịp phát triển về kinh tế, xã hội, không vượt qua được những rủi ro trong cuộc sống cũng như định kiến. Chúng tôi tiếp cận theo hướng “trao quyền”, ứng xử với họ một cách nhân văn, giúp họ tăng cường hiểu biết để tự bảo vệ bản thân và nâng cao chất lượng sống. Từ đó, các cộng đồng yếu thế và các nhà hoạch định chính sách có thể xích lại gần nhau, hiểu nhau hơn.

Làm thế nào để tất cả trẻ con đều được đến trường, đều được yêu thương, đều có cơ hội phát triển? Tôi nghĩ rằng trăn trở này sẽ không bao giờ hết, nhưng thêm một người khỏe mạnh, hạnh phúc là thêm một niềm vui, sự khích lệ cho chúng tôi. 

Xin bà cho biết, chiến lược hoạt động của SCDI trong thời gian tới?

BS. Khuất Thị Hải Oanh: Ai là những người dễ bị tổn thương và ngoài lề xã hội, họ cần giúp đỡ gì và ta có thể giúp đỡ họ như thế nào, luôn là những câu hỏi thường trực của SCDI. Trong tiến trình toàn cầu hoá hiện nay, chắc chắn sẽ có những nhóm người trong xã hội ở lại phía sau và trở nên dễ bị tổn thương. Do đó, chiến lược của SCDI được cập nhật, để dành mối quan tâm và nguồn lực cho những ưu tiên thực tại, với cách tiếp cận mới.

Thời gian tới, SCDI có nguy cơ bị dàn mỏng lực lượng khi tổ chức phát triển nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng từ các nhóm đối tượng chính hiện nay cũng như các nhóm mới. SCDI phải duy trì trọng tâm, phát triển với một tốc độ phù hợp, và không đánh mất triết lý của mình là đặt các nhóm đích ở trung tâm.

Mặt khác, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang chững lại và định kiến đối với những người có lối sống và cách suy nghĩ khác biệt đang ngày càng tăng, nguồn tài trợ quốc tế cho các ưu tiên mà SCDI đang theo đuổi có khả năng suy giảm trong thời gian tới. Việc Việt Nam - với những con số thể hiện sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ - trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cũng đồng nghĩa với việc tài trợ quốc tế cho Việt Nam cũng đang giảm nhanh chóng. Do vậy, SCDI cần tiếp tục vận động thay đổi chính sách về Bảo hiểm y tế tại Việt Nam, nhằm bảo đảm chăm sóc sức khoẻ cho người nhiễm HIV.

Năm  2016  cũng  ghi  nhận  những  điểm  nổi  bật  khác, như SCDI đã giải ngân hơn 36 tỷ đồng nhằm giúp đỡ cộng đồng, đồng  thời  chứng  tỏ việc  sử  dụng  một  cách hiệu  quả  các khoản tài trợ vào đúng những hoạt động thiết thực.

Mô hình Bối cảnh của các nhóm đối tượng đích của SCDI hôm nay đã được cải thiện so với 5 năm trước. Việc duy trì tính bền vững của nó đòi hỏi nỗ lực không ngừng sửa đổi các khuôn khổ pháp lý, tạo ra các giải pháp chính sách phù hợp với thực tế, và đóng góp vào việc thay đổi thái độ xã hội đối với các nhóm đích của SCDI. SCDI mong muốn hướng tới một môi trường ngày càng tốt hơn cho những người dễ bị tổn thương.
Top