Những “ông/bà B93” của phường Quỳnh Lôi

23/10/2015 16:13

Từ lâu, cư dân phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) không còn gọi những tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện phường Quỳnh Lôi bằng tên thật mà với một cái tên rất trìu mến: “Ông/Bà B93”. Nhiều năm nay, bà và các tình nguyện viên (TNV) trong câu lạc bộ B93 được nhân dân toàn phường biết đến và dành cho những tình cảm trân trọng.

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Quỳnh Lôi hiện có 10 thành viên, là những người có uy tín trong phường, hầu hết đều làm việc kiêm nhiệm, từ đồng chí Tổ trưởng Tổ Dân phố, Bí thư chi bộ, cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ đến Khu trưởng quân sự phường…

Một buổi sinh hoạt đội công tác xã hội tình nguyện phường Quỳnh Lôi. Ảnh Nhật Thy

Công việc của Đội hoạt động xã hội tình nguyện quản lý CLB B93 (CLB của những người sau cai nghiện), hỗ trợ họ hòa nhập cộng đồng. Tình nguyện viên (TNV) là người kết nối, chuyển gửi, tư vấn, hướng dẫn, làm việc với các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn với chính quyền, tổ chức xã hội, chủ doanh nghiệp, cá nhân để tìm việc làm cũng như ổn định sức khỏe cho người sau cai nghiện ma túy. Đây là công việc rất khó khăn và gian khổ. Để có thể giúp đỡ các em, các bác phải thường xuyên đi lại, quan tâm, gần gũi, tâm sự như người nhà để xóa dần cảm giác mặc cảm trong các em cũng như với hàng xóm của họ. 

Bác Nguyễn Thị Nhâm - Đội phó Đội tình nguyện phường Quỳnh Lôi cho biết, CLB B93 sinh hoạt một tháng 2 lần. Hội viên được tư vấn về sức khoẻ, phòng chống tái nghiện, tạo việc làm, vui chơi văn nghệ thể dục, thể thao . Qua sinh hoạt người sau cai được hoà nhập cộng đồng, không bị kỳ thị, mạnh dạn tiếp xúc với xã hội.

Không chỉ sinh hoạt tại CLB, các TNV cũng thường xuyên đến tận nhà hội viên hỏi han, giúp đỡ họ những khi “trái gió trở trời”.

“Chúng tôi đến nhà hội viên nhưng không khiến họ cảm thấy “mình có làm sao mới khiến chính quyền phải đến làm việc”. Chúng tôi đến nói chuyện như những người hàng xóm bình thường, chia sẻ với họ những khó khăn trong cuộc sống”, bác Nhâm chia sẻ.

Các TNV ngoài nhiệm vụ quản lý sau cai còn quan tâm đến việc phát hiện các tụ điểm xấu tụ điểm chích hút, phối hợp với các Hộ,  đoàn thể xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư…

Không chỉ giúp đỡ về tâm lý, tinh thần, các TNV của phường Quỳnh Lôi còn giúp người sau cai và gia đình họ tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

“Người sau cai nghiện về thường khó tiếp cận những nguồn vay ưu đãi vì không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, bên ngân hàng cũng sợ không thu hồi được vốn. Các TNV phải nghĩ ra một phương án linh hoạt hơn là đưa người nhà của họ vào chương trình vay vốn của Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi, từ đó người sau cai sẽ có một số vốn để làm ăn”, bác Nhâm nói.

Như trường hợp của anh Nguyễn Phúc Bộ, sau khi cai nghiện thành công trở về với gia đình thì hoàn cảnh nhà vô cùng khó khăn. Vợ anh làm công việc trông trẻ, thu nhập bập bõm, mẹ già lại bị bệnh. Biết hoàn cảnh của anh Bộ, các TNV đã giups mẹ anh tham gia vào CLB “Đồng cảm”, CLB của người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn của phường. Các TNV cũng đứng ra bảo đảm để mẹ anh được vay vốn ưu đãi, giúp anh mua được một chiếc xe ba gác để làm phương tiện kiếm sống. Đến nay, cuộc sống của nhà anh Bộ đã khá hơn rất nhiều.

Bác Nhâm kể, đến giờ bác cứ nhớ mãi một buổi sáng, khi đi chợ qua khu dân cư Tự Lập, thấy hai đứa trẻ con của người nghiện phải đứng ngoài cửa, khóc lóc do bố mẹ đi vắng. Bác đành gõ cửa hàng xóm, xin cho hai đứa trẻ vào chơi, rồi lại quẩy quả ra chợ mua bánh mì cho chúng. Đợi bọn trẻ ăn xong, trời xế trưa mà chưa thấy bố mẹ chúng về, bà lại xin phép cho bọn trẻ ngủ để chờ đến giờ học chiều. Lúc đầu, hàng xóm rất ngại, vì họ không muốn “thân thiết” với người nghiện và con cái của họ. Nhưng vì tin tưởng bác Nhâm, lại thấy bà rất tốt với chúng nên mới đồng ý. 

Cũng giống như vậy, nhiều gia đình lúc đầu thấy bà Nhâm và các TNV đến nhà thì ngại lắm, họ xua đuổi, chối đây đẩy việc nhà mình có người nghiện… Nhưng mưa dầm thấm lâu, bằng sự kiên trì, bền bỉ và chân thành, các TNV đã giúp gia đình, hàng xóm bớt đi mặc cảm với người nghiện, tạo cơ hội cho họ hòa nhập với cuộc sống. 

“Trước đây, CLB B93 phường Quỳnh Lôi quản lý 15 người sau cai nghiện, nhưng giờ chỉ còn 4 người sau cai chính thức hoạt động CLB vì những người còn lại đã “ngoan” lắm rồi. Họ đã “thoát” danh sách quản lý sau cai và hòa nhập cộng đồng bền vững”, bác Nhâm nói.

Top