Những người sống vì mọi người

20/01/2012 11:14

Dù chỉ nhận mức hỗ trợ thấp song họ vẫn nhiệt tình đi phát bao cao su (BCS), bơm kim tiêm (BKT), tuyên truyền về tình dục an toàn và tư vấn về xét nghiệm điều trị cho phụ nữ bán dâm (PNBD), người nghiện chích ma túy (NNCMT). Mục đích ấy là để góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV.

Họ là những tuyên truyền viên đồng đẳng tại Trung tâm Y tế thành phố Vũng Tàu. Cả đội có hơn hai chục người, chia thành hai nhóm: Nhóm mại dâm và Nhóm ma túy.

Tuổi đời còn rất trẻ, song chị Yến (trái) và chị Phượng (phải) là những tuyên truyền viên đồng đẳng rất nhiệt tình, năng nổ

Nghề đi cho…

Sẩm tối, gần hai giờ đồng hồ theo chân chị Hoàng Thị Phượng (Nhóm mại dâm) phát BCS cho những PNBD trên đường Võ Thị Sáu (P.Thắng Tam), tôi phần nào biết được công việc mà chị đang làm. “Ai vậy?”, PNBD tên H. hỏi chị Phượng. Chị Phượng mỉm cười khi nhìn thấy ánh mắt e dè của H.: “Em này là Nhàn, nhà bên phường 6, mới xin vào nghề. Em Nhàn muốn tình nguyện làm công việc như chị. Chị cho Nhàn đi cùng để làm quen, em cố gắng giúp đỡ nó với”.

Thấy tôi tỏ ra muốn được nói chuyện và chia sẻ, tâm sự, H. dần dần từ bỏ ánh mắt nghi ngại mà cầm lấy gói BCS chị Phượng đưa rồi dè dặt thổ lộ: “Mấy hôm nay mưa, vắng khách lắm chị. Mấy đứa nhỏ chờ tiền đóng học mà em chưa có gửi về. Tiền nhà trọ cũng đang khất nợ một nửa...”.

H. quê ở Tiền Giang, bỏ học sớm, đến Vũng Tàu hành nghề bán dâm đường phố gần hai năm nay. H. là PNBD mà chị Phượng thường xuyên tiếp xúc để phát BCS cũng như tham vấn về tình dục an toàn, tuyên truyền đến trung tâm y tế khám, xét nghiệm máu, lấy kết quả. Sau này, cũng nhờ H., chị Phượng đã quen thêm khá nhiều PNBD khác.

Để có thể tiếp cận với PNBD, tuyên truyền viên đồng đẳng phải tạo được mối quan hệ thân quen hay đúng hơn, phải tạo được niềm tin với họ. Đó là điều dễ hiểu bởi PNBD vốn rất sợ bị dân quân, đội phòng chống tệ nạn bắt về đồn. Vì thế mà khi thấy người lạ đến gần, họ luôn lảng tránh bằng cách bỏ đi hoặc không trả lời bất cứ câu hỏi nào. Muốn làm tốt phần việc được giao, đòi hỏi một tuyên truyền viên đồng đẳng phải luôn kiên trì, chia sẻ một cách chân tình, cởi mở và hơn hết là phải “biết cách”. Chị Phượng, và những chị em tuyên truyền viên đồng đẳng khác trong Nhóm mại dâm đều gắn bó với nghề bằng tất cả tâm huyết.

Trong quá trình làm việc, chị Phượng tìm mọi cách để giúp các PNBD nhận ra vấn đề và hiểu sự nguy hiểm của công việc mình đang làm nhằm tự giác sử dụng BCS hay đến trung tâm y tế khám, xét nghiệm thường xuyên. Nhờ tích cực trò chuyện, tâm sự cùng nhiều PNBD nên có tháng, chị Phượng phát được từ 200-300 chiếc BCS và hướng dẫn được 2 đến 3 PNBD về trung tâm y tế khám xét nghiệm lấy kết quả.

Ngoài PNBD lề đường thì tại thành phố biển này, PNBD hoạt động trong các quán bar, nhà hàng cũng khá nhiều. Để tiếp cận được với họ, trước hết, tuyên truyền viên đồng đẳng phải “qua mặt” được chủ quán. Chị Phượng cho biết: “Thuyết phục được chủ quán coi như mình thành công đến 50%, phần còn lại là tìm cách tiếp cận để tư vấn cho những PNBD”.

So với số PNBD thì số NNCMT tại Vũng Tàu cũng không nhỏ. Anh Tuấn, chạy xe ôm, tham gia Nhóm ma túy được bốn năm cho biết: “Thành phố Vũng Tàu là khu vực phát triển về du lịch, dầu khí. Dân đi biển từ khắp nơi đổ về, công nhân nhà máy cũng nhiều nên cuộc sống khó tránh khỏi phức tạp. Trong đó, phường 6 có khá nhiều NNCMT. Năm trước tại đây có đến 5, 6 người tử vong do AIDS cũng vì dùng BKT không an toàn. Đáng thương là tụi nó ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ. Tụi nhỏ cũng bằng tuổi con tuổi cháu mình, mình không thể không xót được”.

Có lẽ đây là một phần khiến anh gắn bó với công việc của một tuyên truyền viên đồng đẳng mặc dù tuổi đã ngoài 50. Số “khách” của anh Tuấn không nhỏ. Mỗi tối, anh gặp gỡ cả chục người, số BKT được phát gần 30 cái, có đêm anh phát được gần 50 BKT. Giờ đây khi những NNCMT ở TP.Vũng Tàu đã quá thân quen với anh, họ gọi anh là “ba”. Biết họ có nhu cầu sử dụng nhiều, mỗi tối anh Tuấn bỏ khoảng 50 BKT một cách kín đáo trước cửa nhà. Cánh làm này chẳng những mang đến sự an toàn cho NNCMT mà còn tránh gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của bà con hàng xóm.

Gắn bó với nghề bằng tâm huyết

Theo thống kê của bác sĩ Bùi Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Bà Rịa - Vũng Tàu, tính từ ca nhiễm HIV đầu tiên phát hiện vào tháng 6/1993 ở huyện Tân Thành là NNCMT, đến 31/10/2011, đã có 4.548 trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Tại 8/8 huyện và 75/82 xã đều đã có báo cáo về những ca nhiễm HIV. Đa phần các trường hợp nhiễm HIV tập trung ở độ tuổi 30-39 (chiếm trên 40%), còn những đối tượng có độ tuổi 20-29 chiếm trên 30%.

Trước thực trạng này, năm 2004, Tổ chức DFID đã được thành lập nhằm hỗ trợ những hoạt động phòng chống, giảm thiểu lây nhiễm HIV tại thành phố Vũng Tàu. Đến năm 2009, các đội tuyên truyền viên đồng đẳng trên địa bàn bắt đầu đi vào hoạt động nhằm giúp PNBD và NNCMT biết cách tự bảo vệ mình.

Sở dĩ gọi là tuyên truyền viên đồng đẳng vì các thành viên tham gia tổ chức này có những người trước đây cũng từng dính vào ma túy hay từng là PNBD. Và đó cũng là lợi thế giúp họ thấu hiểu, nắm bắt tâm lý cũng như nhu cầu của PNBD, NNCMT để dễ dàng tiếp xúc phát BCS, BKT và tuyên truyền tham vấn. Song bên cạnh đó cũng có những tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia một cách tình nguyện, xuất phát từ nhiều mục đích tích cực khác nhau. Chị Phượng đến với nghề này là vì gia đình chị có người bị nghiện. Mục đích vào đội ban đầu của chị là để giúp người thân thoát khỏi cám dỗ của “chất bột trắng chết người”. Song, tham gia hoạt động được một thời gian, cảm thấy thích thú khi những việc mình làm mang lại lợi ích cho nhiều người, chị tình nguyện xin làm luôn.

Khó khăn lớn nhất đối với tuyên truyền viên đồng đẳng là phải theo chân “khách”. Đặc điểm của PNBD và NNCMT là hoạt động về đêm nên công việc của tuyên truyền viên đồng đẳng chủ yếu bắt đầu khi thành phố lên đèn. Điều này gây ra không ít trở ngại cho họ. Khi thấy em vợ thường xuyên tiếp xúc với nhiều PNBD, anh rể chị Phượng có thành kiến nên không cho chị xuống nhà chơi. Mãi sau này, một lần bắt buộc phải xuống nhà anh rể, chị Phượng cố tình để rơi những tờ bướm chứa nội dung tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV mang nhiều ý nghĩa. Từ đó về sau, khoảng cách giữa họ ngày một ngắn dần vì anh rể chị Phượng đã phần nào hiểu được cái tâm của các tuyên truyền viên đồng đẳng.

Nhờ làm việc bằng cả cái tâm mà chỉ với khoản hỗ trợ 1.4-1.6 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng khi nhìn thấy ý nghĩa của công việc vì cộng đồng này, họ lại quên đi bao nhiêu mỏi mệt đang vây lấy mình.

Để đạt được hiệu quả trong công việc, các tuyên truyền viên đồng đẳng Nhóm mại dâm phải đảm bảo mỗi tháng phát ra khoảng 300 BCS, Nhóm ma túy phát ra 300-400 BKT và thu về khoảng 200-300 kim. Đặc biệt, mỗi tuyên truyền viên đồng đẳng phải giúp ít nhất hai người (từ 3-6 tháng) đi xét nghiệm và lấy kết quả một lần. Song song đó, về công tác truyền thông cần đa dạng hóa, đi sát thực tiễn để phản ánh và nêu rõ, đúng vào trọng tâm những vấn đề mà người nhiễm HIV và cả cộng đồng cùng quan tâm, góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà đội tuyên truyền viên đồng đẳng gặp phải.

Theo ông Chu Quốc Ân, Cục phó Cục Phòng chống HIV/AIDS: “HIV lây nhiễm qua đường tình dục, từ mẹ sang con và qua đường máu. Tỷ lệ nhiễm HIV rất cao, tập trung trong nhóm NNCMT, PNBD. Trong khi kiến thức phòng, chống HIV/AIDS lại hạn chế, khiến diễn biến dịch vẫn phức tạp và nguy cơ lây truyền lan rộng. Những việc làm của tuyên truyền viên đồng đẳng đã phần nào giúp họ nhận biết vấn đề, nâng cao ý thức phòng tránh, góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV rất lớn trong cộng đồng xã hội”.

Top