Người tuyển thanh niên cai nghiện, tiền án, tiền sự... làm việc

16/11/2016 10:25

Ông cho đăng trên báo một mẩu quảng cáo rất sốc: “Tuyển lao động là người có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy muốn hoàn lương”. Người ta nói ông bị khùng. Nhưng ông đã đưa hơn 20 người như vậy về làm việc với mình.

Ông Tâm coi những thanh niên có quá khứ lầm lỡ như con cháu của mình

7h sáng ngày 9/11, ông Tâm đến Công an Phường 4, thành phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) chờ tiếp nhận L.A.K. (34 tuổi) theo sự giới thiệu của Hội phụ nữ Thành phố và Công an phường. K. nghiện ma túy cả chục năm nay, địa phương giáo dục không có kết quả.

Ngồi đến hơn 8h vẫn không thấy bóng dáng K. đâu. Đại úy Trần Minh Hùng gọi điện cho mẹ ruột của K. Khoảng một tiếng đồng hồ sau bà báo lại: “Thằng K. đi đâu mất, tìm không được”. Trong khi mọi người tỏ vẻ bực bội thì ông Tâm bật cười: “Tôi gặp cả chục đứa như vậy rồi”.

Cuộc đời “lên voi xuống chó”

Tôi khựng lại khi vừa bước vào cơ sở sản xuất nước đá và nước đóng chai của ông Kiều Thanh Tâm (66 tuổi, ngụ Phường 3, thành phố Bến Tre). Hầu hết thanh niên đang làm việc ở đây đều xăm trổ trông rất dữ dằn. Ông Tâm cười: “Người ta tưởng là đại ca giang hồ, nhưng thực chất tụi nó hiền như cục bột”.

Quả thật, người nào nhìn thấy tôi cũng đều gật đầu chào rất lịch sự. Xong lại cắm cúi làm việc. Ông Tâm ghé tai tôi nói nhỏ: “Hồi trước tụi nó là dân anh chị thiệt đó. Nhưng từ khi về với tôi thì thay đổi tâm tính hết”.

Ông Tâm kể cuộc đời của mình “lên voi xuống chó” nhiều lần nên hiểu rõ giá trị của một lời an ủi hay một sự giúp đỡ trong lúc khó khăn. “Quê của tôi ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhưng xứ dừa Bến Tre là nhà”.

Ông kể đã đến đây khởi nghiệp bằng nghề bán vật liệu xây dựng cách đây hơn 30 năm. Sau đó ông làm thầu xây dựng và sản xuất nước đá. Trước năm 1990, ông Tâm là người Việt đầu tiên nghĩ ra chuyện đóng chai nước dừa để xuất khẩu.

Thị trường tiêu thụ là Đài Loan. Ông xuất khẩu sản phẩm độc đáo này thông qua Công ty Thương nghiệp tỉnh Bến Tre.

Thế nhưng chỉ 10 năm sau ông phải bán nhà trả nợ, vợ chồng dắt díu nhau thuê nhà ở trọ. Ông kể: “Xây dựng công trình nhưng không thu được công nợ. Còn nước dừa phải đem đổ mấy container vì thủ tục hải quan chậm trễ, khách hàng không chịu nhận. Từ một người có xe hơi, nhà lầu, tôi trở thành kẻ trắng tay chỉ trong thời gian ngắn”.

Hai vợ chồng ông dắt nhau lên Sài Gòn thuê nhà mở điểm bán thuốc tây vì nghĩ rằng: “Ở đời ai mà không bệnh. Bệnh thì phải uống thuốc”. Vì không có bằng cấp, cũng không hề có kiến thức về y dược nên ông thuê dược sĩ đứng bán thuốc.

Tích lũy được một số vốn sau năm năm bán thuốc, vợ chồng ông quyết định trở về Bến Tre gây dựng lại cơ nghiệp. Lần này ông chọn nghề sản xuất nước đá cây và nước uống đóng chai. Ông chọn thương hiệu Ánh Hồng để đặt cho sản phẩm nước uống đóng chai của mình.

Ông nói: “Lúc đó thị trường Việt Nam chỉ có bốn thương hiệu nước uống đóng chai nổi tiếng nhất là La Vie, Vĩnh Hảo, Ánh Hồng và một thương hiệu ở tỉnh Vĩnh Long. Nhưng bi kịch là thời điểm đó nước đóng chai còn quá xa lạ và xa xỉ với người dân nên chẳng bao lâu tôi lại bị phá sản”.

Lây lất cầm cự với xưởng sản xuất nước đá đến năm 2008 thì ông gặp “quái nhân”. Đó là một khách hàng cũ. Người này đề nghị ông khôi phục thương hiệu nước đóng chai Ánh Hồng và cam kết tiêu thụ. Và cũng nhờ đó, vợ chồng ông đã gượng dậy được sau mấy chục năm khốn đốn.

Ngay lúc đó ông nghĩ ngay đến những người kém may mắn hơn mình. “Tôi thấy người nghèo đã có chính quyền và xã hội lo rồi. Còn những người có tiền án, tiền sự thì chẳng có cơ quan, doanh nghiệp nào tuyển họ vào làm việc cả.

Cũng vì vậy mà họ rất dễ bị lôi kéo trở lại đường cũ. Tôi muốn giúp họ, như là một cách trả ơn cuộc đời” - ông Tâm giải thích.

Coi “giang hồ” như con

Người đầu tiên ông Tâm nhận vào làm việc tại xưởng nước đá tên Nghĩa (17 tuổi). Ông kể khi Nghĩa đến gặp ông thì nói thẳng mình là một đại ca quậy khét tiếng ở Bến Lở (huyện Châu Thành).

Nghĩa còn kêu ông xuống đó hỏi thì chắc chắn giang hồ ai cũng biết. Nhưng bây giờ cậu muốn từ bỏ con đường sai trái đó.

Ông Tâm nói ngay: “Chú không cần biết ở ngoài cháu là ai. Nếu cháu vào đây làm việc thì phải nghe lời chú. Ở đây chú mới là đại ca hiểu không”. Nghĩa cúi mặt nhìn xuống đất đáp lí nhí: “Dạ. Con biết rồi”.

Ông Tâm cho Nghĩa ăn ở luôn tại nhà để gần gũi khuyên nhủ, dạy bảo thêm. Suốt hai năm ròng Nghĩa làm việc cần mẫn và không hề hé răng hỏi tiền lương bao nhiêu một tháng.

Ông Tâm cũng không nói gì chuyện lương bổng, nhưng đã bàn với vợ tiền lương của Nghĩa để riêng ra. Khi nào cậu ta cần thì đưa đủ một lần.

“Chỉ sau một thời gian thì Nghĩa tiến bộ rất rõ. Nó không còn giao du với bạn xấu, không nói tục, chửi thề mà rất lễ phép. Vợ chồng tôi coi nó như con. Nó cũng gọi tôi là ba Tâm. Khi Nghĩa cưới vợ, tôi đứng ra lo hết, vàng vòng, lễ lộc đàng hoàng.

Giờ hai vợ chồng nó về Long An lập nghiệp, có xe tải, có tiệm tạp hóa. Nghỉ lễ hay tết hai vợ chồng nó đều chạy về thăm, tôi hạnh phúc lắm” - ông Tâm kể.

Một hôm Công an Phường 4, Thành phố Bến Tre gọi ông lên hỏi: “Chú có dám nhận thằng này không. Nó tên Đợi, 16 tuổi, 12 lần ăn trộm, không cha, không mẹ, quê ở Bình Đại”.

Nhìn thấy thằng bé nhỏ thó, đen nhẻm đang đứng gần đó run rẩy, ông Tâm trả lời cương quyết: “Nhận chứ sao không. Cỡ này nhằm nhò gì. Ở nhà có một thằng đại ca giang hồ kìa”. Ông Tâm cũng cho Đợi ăn ở luôn tại nhà.

Cũng giống như Nghĩa, Đợi không hề nhắc chuyện lương bổng. Hai năm sau, ông Tâm khuyên Đợi nên đi học một cái nghề để có thể tự lập sau này. Đợi gật đầu.

Ông đưa đủ tiền lương suốt hai năm làm việc ở xưởng nước đá. Đợi lên Sài Gòn học nghề làm cửa sắt, cửa nhôm và trở thành một thợ giỏi, được trả lương 20 triệu đồng/tháng.

“Nó hay gọi điện hỏi thăm ba Tâm, má Ánh (bà Trần Thị Ngọc Ánh - vợ ông). Tết thì nó về thăm. Nếu hồi đó tôi không nhận thằng Nghĩa, thằng Đợi thì không chắc bây giờ tụi nó thành người như bây giờ” - ông Tâm nói.

Tôi gặp anh T.M.T. (35 tuổi, ngụ Phường 7, thành phố Bến Tre) khi mới vừa đi giao hàng về. T. kể bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy và bị nghiện từ lúc mới 21 tuổi. Sau khi đi cai nghiện hai năm về địa phương thì được ông Tâm nhận vào làm việc.

Ngoài tiền lương hằng tháng 4,5 triệu đồng, ông Tâm còn cho tiền ăn trưa 20.000 đồng/ngày và 10 kg gạo/tháng. Mỗi ngày đi giao hàng T. đều ghé qua một cơ sở y tế của tỉnh Bến Tre để uống thuốc Methadone tiếp tục cai nghiện dưới sự giám sát chặt của ông Tâm.

Anh T. nói: “Nhờ có việc làm mà tôi bớt thèm ma túy tới 60%. Hồi trước không làm gì thì cơn nghiện tăng lên tới 150%. Tôi xin chú Tâm cho làm việc từ sáng sớm tới chiều tối để ít có thời gian nghĩ tới ma túy. Tôi quyết tâm cai nghiện, như một cách để trả ơn chú đã giúp đỡ mình”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thôi (Chủ tịch Hội Phụ nữ thành phố Bến Tre) cho biết thành phố có chủ trương không để tăng số người nghiện và trộm cắp. Bản thân bà cũng muốn giúp những người lầm lỡ giống như ông Kiều Thanh Tâm.

Hai tư tưởng lớn gặp nhau nên hội đã tìm những người như vậy giới thiệu vào làm việc ở cơ sở Ánh Hồng của ông Tâm và một cơ sở khác tại Phường 6, nhưng chỉ có cơ sở của ông Tâm mới giữ được những lao động đặc biệt này.

Nguyên nhân chính là cách cư xử của ông Tâm khiến họ thấy yên tâm, tin tưởng. Hiện nay, họ là những người chí thú làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời.

Top