Người mang lại niềm tin

08/10/2015 16:33

Đã từ lâu, cô Mai Thị Thục và Đội công tác xã hội tình nguyện thị trấn Sông Thao đã mang lại niềm tin và trở thành chỗ dựa cho những người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma tuý trên địa bàn thị trấn, góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm nói chung và công tác giúp đỡ người nhiễm HIV, người nghiện ma tuý nói riêng.

Thị trấn Sông Thao nằm giữa trung tâm huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, có đường quốc lộ 32C và quốc lộ 11A chạy qua, nối liền các tỉnh miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội… Với đặc điểm đó, thị trấn Sông Thao có tiềm năng lớn trong các hoạt động thương mại, dịch vụ, giao lưu kinh tế, văn hóa. Nhưng đồng thời, cũng là môi trường để các tệ nạn xã hội và nhất là tệ nạn ma tuý, tệ nạn mại dâm mang theo căn bệnh HIV⁄AIDS xâm nhập.

Trước tình hình đó, năm 2010, thị trấn Sông Thao đã đi tiên phong, là điểm đầu tiên ở huyện Cẩm Khê thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma tuý, mại dâm với thành viên là các cán bộ công tác xã hội có nhiệt tâm.

Ngay từ khi biết tin thị trấn Sông Thao thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện, cô Thục (58 tuổi) đã làm đơn tự nguyện tham gia. Cô chia sẻ, từng làm công tác dân số nên cô đã gặp nhiều người nhiễm HIV, cô thấy cuộc đời họ gặp nhiều khó khăn, vất vả.  Cô luôn trăn trở “giá như họ có kiến thức thì tốt biết nhường nào” . Và cô quyết định trở thành tình nguyện viên để mang kiến thức đến cho mọi người phòng, tránh căn bệnh thế kỷ. Với kinh nghiệm và lòng nhiệt tình của mình, cô Thục được bầu là Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện thị trấn Sông Thao.

Cô Mai Thị Thục (áo đen) trò chuyện với nhóm những phụ nữ yếu thế tại thị trấn Sông Thao. Ảnh Nhật Thy

Chia sẻ với người nghiện, người nhiễm HIV không chỉ đòi hỏi sự nhiệt tình mà phải có phương pháp, cách làm để họ chuyển đổi hành vi một cách tự nguyện và khơi dậy trong họ ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Vận động được người nghiện, người nhiễm HIV công khai tình trạng nhiễm, nghiện rồi, nhưng làm cách nào để hỗ trợ họ điều trị từ bỏ ma túy, chiến đấu với bệnh tật, sống hòa đồng, trở thành người công dân tốt. Đó là một câu hỏi luôn trăn trở đội ngũ tình nguyện viên.

Để huy động sự quan tâm của cộng đồng với nhóm người yếu thế, Đội tình nguyện đã ra mắt câu lạc bộ "Nối những vòng tay", một tháng sinh hoạt một lần. Là Đội trưởng Đội tình nguyện kiêm Chủ nhiệm CLB, cô Thục đã lên kế hoạch chủ động phối hợp với các đoàn thể, ban văn hóa, tổ chức các buổi tuyên truyền với chủ đề phòng chống tệ nạn xã hội, tổ chức giao lưu, thi tìm hiểu pháp luật phòng chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm trong ngày hội gia đình hạnh phúc, ngày hội đại đoàn kết, tháng hành động phòng chống ma túy, tháng phòng chống HIV/AIDS.

Ngoài việc tuyên truyền, Đội tình nguyện đã huy động được Hội phụ nữ giúp trên 100 ngày công cho gia đình hội viên có người nhiễm HIV, giúp gạo tiền cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn với trị giá 30 triệu đồng. Thông  qua Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, 24 gia đình ở nhóm người yếu thế được vay vốn ưu đãi lên đến 170 triệu đồng. UBND thị trấn Sông Thao đã xây một nhà tình nghĩa cho một cặp vợ chồng bị nhiễm HIV có 2 con.

Chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận được đối tượng, cô Thục cho biết, Đội tình nguyện đã chọn những người có thâm niên nghiện, những người bị nhiễm HIV... để tiếp cận, tuyên truyền trước, rồi qua chính những người này lại giúp tuyên truyền đến những người có cùng cảnh ngộ khác.

“Nhóm người yếu thế rất cần những vòng tay nhân ái, độ lượng, bao dung, nhưng họ sẵn sàng từ chối sự hỗ trợ, nếu như sự hỗ trợ đó là sự ban ơn thương hại, coi họ là gánh nặng của gia đình, của xã hội. Vì vậy, các tình nguyện viên phải luôn trân trọng sự vươn lên của những đối tượng hoàn lương, luôn bên họ, là chỗ dựa khi họ nản long”, cô Thục nói.

Hiện nay, Đội tình nguyện thị trấn Sông Thao đã xây dựng được hệ thống ở cơ sở với 16 người trong nhóm yếu thế làm hạt nhân, nòng cốt. Họ đều là những người nghiện ma túy, sau cai nghiện, nhiễm HIV… muốn được làm việc có lợi cho gia đình, cho xã hội.

Những vận động thiết thực và có ý nghĩa đã mang lại cho những người thuộc nhóm yếu thế niềm tin, giúp họ tự tin vào cuộc sống. Nhiều người trở thành thành viên của nhóm đồng đẳng đã tự nguyện tham gia phát bơm kim tiêm miễn phí và tổ chức thu nhặt bơm kim tiêm ở các tụ điểm công cộng.

Anh Hoàng Hà (sinh năm 1972) trú tại khu 6, thị trấn Sông Thao chia sẻ, anh nghiện ma túy từ năm 1992. Đến năm 2004 được đưa đi cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh -Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Phú Thọ. Sau khi chữa bệnh một năm, trở về với gia đình, cộng đồng, anh được cô Thục và các tình nguyện viên đến tận nhà tư vấn giúp đỡ, tạo điều kiện về tinh thần, tư tưởng. Nhờ sự quan tâm, sát sao của cô Thục, từ năm 2006 đến nay anh không hề tái nghiện.

Công việc hiện tại của anh Hà là làm chậu, trồng cây cảnh -Ảnh Nhật Thy

“Cô Thục nhiệt tình lắm. Cô thường xuyên đến nhà trò chuyện, động viên. Cứ mỗi lần có bạn bè xấu rủ rê lôi kéo, tôi lại nghĩ đến cô Thục, nhớ đến những lời cô khuyên, thế là có động lực”, anh Hà vui vẻ kể lại.

Một trường hợp khác được cô Thục giúp đỡ là chị Dung. Chị Dung nhiễm HIV từ chồng và phải một mình nuôi hai con nhỏ. Biết hoàn cảnh của chị, cô Thục và Đội tình nguyện thường xuyên đến nhà hỏi thăm, giúp chị Dung những khi “trái gió trở trời”.

Chị Dung nhớ lai: “Có lần cô Thục đến nhà chơi, cô sờ nồi nhà tôi, thấy không có hạt gạo nào bèn lập tức về nhà mang một ít gạo cho tôi. Ngay hôm sau, cô bàn với chị Hội trưởng Hội phụ nữ đi vận động chị em trong Hội quyên góp được cho nhà tôi 500 nghìn và một yến gạo. Tấm lòng đó của cô Thục tôi không bao giờ quên”.

Để tạo điều kiện cho chị Dung cũng như các chị em phụ nữ yếu thế khác trong thị trấn, chị Thục đã nảy ra ý tưởng thành lập một nhóm đan nón tại nhà để các chị em cũng giúp đỡ lẫn nhau. Những lúc nông nhàn, chị em lại đến nhà chị Dung cùng nhau làm nón, vừa có thêm thu nhập, chị em lại có điều kiện trò chuyện, xua đi những mặc cảm và kỳ thị xã hội.

Nhờ có sự tuyên truyền của cô Thục và Đội tình nguyện, người dân trong thị trấn đều hiểu và cảm thông với hoàn cảnh của các chị em. Những khi rảnh rỗi, nhiều người đã tình nguyện đến giúp chị Dung và nhóm của chị.

Ông Trịnh Bình Xuyên, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Thao cho biết, cô Thục cùng Đội công tác xã hội tình nguyện đã góp phần làm nâng cáo nhận thức của người dân trong việc phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần giảm tỉ lệ nghiện hút ma túy, tỉ lệ tái nghiện, nhằm xây dựng thị trấn Sông Thao lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

Top