Người lính già Hà Nội cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ, nghiện ngập

31/05/2018 08:04

Ông Ngô Xuân Tự ở phố Thạch Cầu, phường Long Biên, quận Long Biên, TP Hà Nội là một trường hợp đặc biệt trong công tác thiện nguyện. Đặc biệt không chỉ bởi ông là người dấn thân hết mình, không mệt mỏi cho các công việc từ thiện, mà còn dám vượt qua nhiều thử thách, khó khăn để cưu mang những người cơ nhỡ, nghiện ngập, khó khăn.

Ông Tự và các mảnh đời trong xưởng dạy nghề

Quên đi nỗi đau thân thể để thắp lên ngọn lửa hy vọng

Ông như một con thoi, hết chuyến thiện nguyện này lại đến những cuộc tình nguyện khác. Ngay cuối tháng 5/2018, sau chuyến công tác, thăm hỏi động viên các chiến sĩ ở Trường Sa, ông Tự lại khăn gói vào Nghệ An để giúp hai gia đình khó khăn. Trở về nhà, gặp gỡ họ hàng, chỉ bảo các em, các cháu ở xưởng in đề can và tiếp phóng viên, ông cho biết mình chuẩn bị tham dự Hội nghị gương điển hình tiên tiến của Hà Nội. 

Giữa buổi trò chuyện, ông Tự có khách. Khách là chàng trai chưa đầy 40 tuổi, gọi là “bố”, xưng “con”, mang đến biếu ông hai con gà chọi nhỡ. Bảo để ông nuôi, thư giãn. Người xưng “con” ấy cũng chỉ mới quen ông vài ngày, khi anh này gặp khó khăn ở ngoài đường, đã được ông giúp đỡ.

Nghe ông Ngô Xuân Tự kể chuyện đời, chuyện làm từ thiện có lẽ phải mấy ngày mới hết. Giọng nói nhiệt huyết, lúc sang sảng, lúc trầm ấm và dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát, chẳng ai nghĩ ông mang trong mình nhiều vết thương với hạng thương tật 2/4. Lưng ông vẫn còn mảnh đạn, hay ở trên trán, sát mắt trái của ông viên đạn “án ngữ” mà ông từng ra nước ngoài để tìm cách mổ nhưng không được vì sẽ chạm vào dây thần kinh. Ông sống với những vết thương mà cứ nắng gió, trở trời lại nhức tấy. Vậy nhưng chúng chẳng làm ông ngơi việc làm mà mình cho là ý nghĩa. Thậm chí những vết thương còn nhắc ông phải làm từ thiện tốt hơn.

Tôi hỏi: “Vậy ông làm từ thiện từ bao giờ? Phải có cơ duyên chứ ạ?”. Đưa tay ngang trán, ông phân trần: Đó là một cái duyên. Rồi ông kể, đó là vào năm 1991. Hôm ấy là chiều 29 Tết, ông đạp xe sang Hà Nội. Đi tới Hồ Gươm, ông thấy có một nhóm thanh niên đang đánh một cháu bé mặc rách rưới. Ông liền quát: “Này mấy đứa kia sao mặc đẹp đẽ, lịch sự thế này mà lại đánh một đứa trẻ con hả?”. Chúng nói rằng đứa bé này đang nợ chúng 10 nghìn đồng. Đứa bé thấy vậy liền van xin ông: “Chú bộ đội ơi, chú cứu cháu với không thì họ đánh cháu chết!”. Để cứu cháu bé, ông lấy tiền trả cho chúng.

Cháu bé này tên là Nguyễn Văn Tuấn, năm ấy 12 tuổi, quê ở Nghệ An, do nhà nghèo, bố mẹ lại đẻ nhiều nên đói ăn, phải ra Hà Nội kiếm sống. Vậy là ông chở cháu bé về nhà mình, cho ăn và hôm sau đưa về gia đình. Trên đường về, ông đã gặp một bà cụ ngồi vạ vật trong mưa lạnh nên đã đến hỏi han, giúp đỡ. Hôm sau ông lại giúp đỡ một người nhiễm HIV, tận tình đưa về nhà chăm sóc như con khi người này không còn nơi nương tựa.

Có lần đi qua cầu Long Biên, ông đã gặp một cô gái nhảy cầu tự tử. May thay, cô gái đã được các chiến sĩ công an và người dân cứu sống. Lúc đó ông Tự đến hỏi han sự tình thì được biết cô gái thi trượt đại học. Trong khi đó gia đình kỳ vọng cô phải đỗ, còn người yêu thì buồn bã thất vọng vì cô thi trượt. Quá áp lực, cô gái đã nghĩ dại.

Không nề hà, ông Tự bảo: “Bố sẽ nuôi mày, ăn học, thi đỗ”. Sau đó, ông đã đề nghị chính quyền sở tại cho được đón cô gái về nuôi, cấp tiền cho ôn thi và giấu gia đình chuyện này. Khi ấy, mọi người trong gia đình nghe nhà trường báo tin là con gái tự tử và vẫn tin một điều là con gái bị nước cuốn trôi. Sau 5 năm, ông Tự đưa cô gái về tận gia đình ở Hà Nam. Lúc này cô đã đạt được ước vọng, mang tấm bằng đại học chính quy về nhà. Cả nhà mới vỡ òa sung sướng. Ông Tự bảo: “Bây giờ thì cô bé đã đi làm việc ở Hàn Quốc, thi thoảng vẫn hỏi thăm, biếu quà tôi”.

Một trường hợp khác ở Hòa Bình. Qua việc đọc báo, ông Tự biết được hoàn cảnh của “người rừng” Bùi Văn Toán (sinh năm 1951). Sau 6 năm vào sinh ra tử ở chiến trường, ông Toán trở về quê hương với hoàn cảnh gia đình éo le. Thất vọng trước cuộc sống, ông bỏ vào rừng sống, ngót nghét 40 năm sống tách biệt với con người. Từ Hà Nội, ông Tự đến bản Oi Nọi (Tiền Phong - Đà Bắc - Hòa Bình) gặp gỡ, khuyên nhủ ông Toán trở về. Biết được ông Toán từng chiến đấu trong chiến trường Quảng Trị, giây phút gặp mặt là khoảnh khắc đầy cảm động giữa hai người lính. Sau nhiều lần thuyết phục, ông Toán đồng ý cùng đồng đội của mình trở về. Ông Tự giúp xây nhà, sắm sửa đồ đạc và tạo điều kiện để ông Toán được hòa nhập. 

Người ta giàu tiền giàu bạc, còn tôi giàu tình cảm

Ông Tự sinh năm 1946, là bộ đội Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu V. Trong những năm chiến tranh, ông từng được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và nhiều phần thưởng cao quý. Ông tâm tình, do luôn đặt chữ “đức” lên trên hết mà tâm hồn luôn thanh thản, yêu đời và trẻ lâu. Sau khi nghỉ hưu, ông đã tiến hành đi tìm mộ đồng đội. Qua khoảng hơn chục năm mải miết đi tìm khắp các vùng miền cả nước, các nước láng giềng: Lào, Campuchia… từ năm 1976, ông cùng đồng đội đã quy tụ được hơn 2.000 mộ liệt sĩ. Ông lấy đó là niềm tự hào, niềm hạnh phúc của đời mình. 

Nhưng việc làm của ông Tự không chỉ dừng lại ở đó. Qua nhiều kênh thông tin, ông biết được ở ngoài cuộc sống có rất nhiều em nhỏ chịu cảnh thiệt thòi, cơ nhỡ, có người nghiện ngập, ông đã nghĩ cách đưa họ hòa nhập cộng đồng, có người ông mang về nuôi dưỡng hoặc cấp tiền cho về quê làm ăn. Ông cũng trăn trở làm sao để giúp các cháu sớm hòa nhập với xã hội và có cái nghề kiếm sống. Đau đáu với suy nghĩ ấy, năm 2014, ông bán mảnh đất mà mình dành dụm được để mở một xưởng dạy nghề in đề can cho các em. “Cứ 3 tháng, xưởng in lại đào tạo một khóa 60 cháu. Sau 3 năm mở xưởng, đến nay đã có hơn 700 cháu đã ra nghề và được nhận vào làm tại các công ty”, ông  Tự hồ hởi nói.

Hiện nay ở xưởng gia công đề can của ông có gần 40 người có hoàn cảnh khó khăn được học nghề có tiền, được làm việc và hưởng lương. Tính trong suốt hơn 20 năm qua, ông Tự đã đi khắp nơi và đến với những gia đình khó khăn, những mảnh đời khiếm khuyết để hỗ trợ, giúp đỡ. Anh Đặng Văn Trường (35 tuổi) chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở xưởng dạy nghề hơn 2 năm. Công việc phụ trách kỹ thuật, vận hành máy móc của xưởng. Ông luôn ưu đãi, tạo điều kiện cho công nhân chắt chiu tiền lương gửi về quê”.

Những năm gần đây, ông cũng thường xuyên đến các vùng đồng bào dân tộc khó khăn, gặp lũ quét, sạt lở đất để tặng quà. Trước mỗi lần đi từ thiện, ông đều điều tra kỹ càng rồi lập kế hoạch thực hiện, từ khâu tiếp nhận hàng, thuê xe, lo ăn dọc đường đến hiệp đồng với cơ quan chức năng địa phương. Bạn bè, đồng ngũ hoặc bất cứ ai muốn gửi tiền làm từ thiện, ông đều không nhận, chỉ nhận quà đã được đóng gói cẩn thận, đẹp mắt, có ghi tên, địa chỉ, số điện thoại và mang đến gia đình ông. Ông sẽ chuyển quà đến tận nơi và không quên dặn người nhận gọi điện cảm ơn. Ông bảo: “Trong việc này, tôi chỉ xem mình là người vận chuyển có tâm. Bởi nếu nhận tiền sẽ phát sinh nghi ngờ và gặp nhiều rắc rối khó giải quyết”. Với cách làm ấy, trong năm 2017, chưa tính quà mọi người nhờ chuyển, ông Tự đã chi gần 300 triệu đồng làm từ thiện.

Hơn hai năm trước, với bài thuốc học hỏi và phát triển từ đồng bào dân tộc thiểu số khi ở chiến trường, ông Tự đã giúp gần 100 người cai nghiện ma túy thành công và một số đang có việc làm ổn định từ xưởng in đề can. Ông đảm nhiệm đủ các khâu rất chuyên nghiệp, từ tiếp nhận, giáo dục thay đổi tâm tính đến lo việc làm. Ấn tượng nhất ở ông Ngô Xuân Tự là thuyết phục người nghiện ma túy thay đổi thói quen xấu bằng chữ “đức”. “Tôi thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Thế nên, khi cảm hóa những người nghiện ma túy, tôi thường đưa ra các câu chuyện cụ thể để thuyết phục họ”, ông chia sẻ.

Đưa tôi đi thăm xưởng in, ông luôn nói về các dự định cải tiến kỹ thuật, mở rộng xưởng, giúp đỡ cho nhiều hoàn cảnh khác. Tôi lại hỏi, ông có mệt không, ông bảo, mệt chứ, nhưng mà hạnh phúc. “Người ta giàu tiền giàu bạc, còn tôi giàu tình cảm. Xét đến cùng ở cuộc sống này, chúng ta phải để lại cái phúc, chứ ganh đua để giàu có, đến lúc sa cơ lỡ vận chẳng có bạn, chẳng có ai bên mình thì buồn lắm. Tôi luôn tâm niệm là làm việc tốt không chờ người khác báo đáp. Nhiều em được tôi giúp, bảo đến tặng quà, tôi bảo chỉ cần đến chơi, nếu tặng quà giá trị thì đừng đến. Tính tôi là vậy”, ông Tự nhấn mạnh.

Top