Người cựu binh giỏi cảm hóa thanh thiếu niên hư

22/12/2016 15:18

Suốt 10 năm nay, với tấm lòng của mình, cựu chiến binh Trần Nhật Ninh (sinh năm 1958, Giám đốc Hợp tác xã ô tô Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã đào tạo nghề miễn phí, lo chỗ ăn ở và cảm hóa khoảng 200 thanh thiếu niên hư, nghiện ma túy, có hoàn cảnh khó khăn…

Chúng tôi ghé thăm gara ô tô của ông Ninh vào một buổi sáng mưa lất phất. Ông Ninh kể, ông sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Năm 1978, ông nhập ngũ vào huyện đội Hòa Vang rồi được chọn đào tạo sĩ quan tại Trường Quân chính Quân khu 5 để tăng cường ra biên giới phía Bắc.

Khi đất nước bình yên, ông chuyển ngành làm cán bộ phòng thuế, sau đó chuyển qua ngành lâm nghiệp, quản lý đội xe cơ giới. Cũng từ đây ông tìm thấy sự yêu thích trong công việc sửa chữa máy móc. Thế nên, năm 1996 ông quyết định nghỉ công việc nhà nước, về mở xưởng sửa chữa xe ô tô.

Với bản tính cần cù, chịu khó và chân tình, gara ô tô của ông được nhiều thợ giỏi tìm đến “đầu quân”. Nhờ thế, gara ngày càng ăn nên làm ra và phát triển rộng hơn.

Trong 10 năm qua, cựu chiến binh Trần Nhật Ninh đã đào tạo nghề và cảm hóa được nhiều thanh thiếu niên hư

Cơ duyên đến với những thanh thiếu lang thang, cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn của ông cũng rất tình cờ.

“Cách đây 10 năm, khi các em sống ở Trung tâm bảo trợ xã hội lớn lên nhưng không có công ăn việc làm, chẳng biết đi đâu, tôi đã nhận các em về đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho các em”, ông Ninh cho hay.

Những em đến đây không chỉ được ông đào tạo nghề mà con được ông dạy dỗ. Các em trở nên ngoan hơn, sống có trách nhiệm hơn với bản thân cũng như những người xung quanh.

Tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có con hư hỏng, nghiện ma túy, nghiện game không quản lý nổi cũng tìm đến ông để xin cho con vào học nghề. Rồi không chỉ những gia đình ở Đà Nẵng mà những gia đình ở tận ngoài Hà Nội vào tìm đến ông để “gửi gắm” con em.

“Do ngày xưa bản thân sống trong cực khổ, một bộ đồ đẹp cũng không có để mặc, thế nên khi cuộc sống đầy đủ hơn, thấy những cảnh đời khó khăn mình không cầm lòng được. Mình nhận giúp các em với mong muốn là để tương lai cuộc sống các em không còn vất vả, khó khăn”, ông tâm sự.

Đối với những thanh thiếu niên hư, nghiện ma túy ông cũng không ngại giúp đỡ. Tuy nhiên quá trình đào tạo, rèn luyện cho các em thường khó khăn vất vả hơn.

Ông Ninh hướng dẫn các học viên sửa chữa ô tô

“Để thuần hóa được các em thì mình phải sống bằng tấm lòng chân tình, nhẹ nhàng, gần gũi. Nhưng trong công việc thì phải nghiêm khắc về giờ giấc, không được rượu chè, bài bạc”, ông Ninh chia sẻ.

Để các em tiến bộ nhanh, ông còn phân công những lứa đàn anh vào trước kèm cặp các lớp đàn em để chúng vừa cùng nhau tiến bộ, vừa tạo nên một gia đình đoàn kết, yêu thương.

Những học viên do ông đào tạo hơn 80% đều trưởng thành, bước ra xã hội đều dễ dàng xin việc bởi không chỉ vững tay nghề mà các em đã thực sự hiểu bản thân chỉ có giá trị khi lao động bằng chính đôi tay, công sức của mình.

Cứ thế, trong suốt 10 năm qua, cựu chiến binh Trần Nhật Ninh đã đào tạo nghề miễn phí, lo chỗ ăn ở và cảm hóa khoảng 200 thanh thiếu niên hư, nghiện ma túy, có hoàn cảnh khó khăn.

Em Phan Đắc Nguyên (quê Hòa Liên, Hòa Vang, Đà Nẵng), một trong những thanh thiếu niên hư, được gia đình gửi gắm ở gara của ông Ninh.

Nguyên cho biết, em đang học lớp 8 thì bỏ học vì suốt ngày đi chơi game. Không dạy nổi đứa con hư hỏng của mình, bố mẹ Nguyên đưa Nguyên xuống gara của ông Ninh gửi học nghề.

“May mắn được sự chỉ bảo tận tình của bác Ninh, em đã được học nghề, được tạo điều kiện cho ở lại làm việc tại xưởng, nay có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Bác Ninh còn là người sống rất tình cảm, yêu thương chúng em, giúp em vượt qua mặc cảm và sống tốt và có trách nhiệm hơn”, Nguyên tâm sự.

Mơ ước của Nguyên sau này là cũng mở một xưởng sửa chữa ô tô để nhận những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, lầm đường lạc lối vào học nghề như ông Ninh vậy.

Ông Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh TP Đà Nẵng, cho biết, ông Ninh là một cựu chiến binh tiêu biểu, luôn hết lòng vì đồng đội, vì những thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, những thanh thiếu niên lầm lỡ cần giúp đỡ.

Top