Người bác sỹ yêu...ngành truyền nhiễm

14/09/2012 14:00

Khi được hỏi về cơ duyên với công tác điều trị cho bệnh nhân AIDS, bác sỹ Trần Quốc Tuấn, Giám đốc bệnh viện 09 chỉ cười: “Vì tôi yêu ngành truyền nhiễm”.

Bác sỹ Tuấn hỏi thăm bệnh nhân tại Bệnh viện 09. Ảnh: Nhật Thy

Bác sỹ Tuấn bắt tay vào công tác điều trị cho bệnh nhân AIDS từ những năm  đầu tiên khi “căn bệnh thế kỷ” mới xuất hiện tại Việt Nam. Có thể nói anh là một trong những người đầu tiên tham gia vào công tác này.

Luôn gắn bó với nghề

Tại Hà Nội, ca nhiễm HIV đầu tiên xuất hiện vào cuối năm 1992. Đến năm 1995-1996 xuất hiện thêm một số trường hợp nhiễm mới. Khi đó, để quản lý, chăm sóc và tư vấn hỗ trợ người nhiễm HIV tại Hà Nội, Sở y tế Hà Nội thành lập nhóm gồm 6 người chuyên làm công tác này. Bác sỹ Tuấn khi đó là Trưởng khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa, bệnh viện tuyến đầu về truyền nhiễm, nhận phụ trách nhóm. Nhiệm vụ của nhóm là đến tận nhà các bệnh nhân để tư vấn, khám và theo dõi diễn biến bệnh.

Là một người yêu nghề, tận tuỵ với công việc nên khi được giao nhiệm vụ mới anh sẵn sàng tham gia dù chưa có nhiều kiến thức liên quan đến căn bệnh này. Khi đó kiến thức về HIV/AIDS chưa nhiều, hầu như ai cũng sợ căn bệnh này. Gia đình anh mặc dù có truyền thống ngành y nhưng cũng không khỏi băn khoăn trước lựa chọn của anh. Bằng sự quyết tâm và kiên trì thuyết phục, anh đã được gia đình ủng hộ, mọi người chỉ khuyên anh cẩn thận khi làm việc, để tránh phơi nhiễm.

Bác sỹ Tuấn kể, ngày mới làm công tác này, có lần anh và các đồng nghiệp phải tự tay khâm liệm tử thi cho một bệnh nhân AIDS mới qua đời. Những vết lở loét rồi mùi tử khí khiến anh không khỏi rùng mình, nhưng nghĩ đến số phận người bệnh anh lại không quản ngại khó khăn. “Hồi đó, do chưa có nhiều kiến thức nên các bác sỹ phải mặc mấy lần áo, đeo cả mấy cái bao tay, khẩu trang rồi tắm rửa cả 3 ngày liền”, anh cười vui nhớ lại.

Khi căn bệnh thế kỷ tràn vào như một đại dịch, bệnh viện Đống Đa phải mở thêm 2 phòng bệnh dành cho nam và nữ. Công việc của anh lại vất vả hơn, nhưng anh không vì thế mà lùi bước. Điều làm anh gắn bó với công việc này là anh yêu ngành truyền nhiễm, mà HIV là một trong những bệnh truyền nhiễm mới. Ngày tháng trôi qua, dần dà tiếp xúc với lĩnh vực này, anh tích luỹ cho mình nhiều kiến thức hơn và giúp được nhiều người.

Còn nhiều điều trăn trở

Trải qua gần 20 năm làm công tác điều trị cho bệnh nhân AIDS, từ một trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Đống Đa đến Giám đốc bệnh viện 09, nơi chuyên chữa trị cho bệnh nhân AIDS, có những kỉ niệm anh không bao giờ quên và cũng có những điều khiến anh trăn trở. 

Bác sỹ Tuấn kể, anh và các đồng nghiệp đã rớt nước mắt khi chứng kiến cảnh một bà cụ 82 tuổi, lưng còng chăm con trai 34 tuổi nhiễm HIV điều trị tại viện. Hồi đó, các bệnh nhân mới được hỗ trợ thuốc điều trị chứ chưa được hỗ trợ tiền ăn như bây giờ. Nhà rất nghèo, mỗi bữa ăn, hai mẹ con chung nhau chiếc bánh mì cùng ít nước lọc. Khổ là vậy, nhưng tấm lòng người mẹ vẫn không quên tri ân những bác sỹ điều trị cho con mình. Bà dành dụm từng 500 đồng để có 20 nghìn để mang biếu các bác sỹ. Ngoài việc trả lại phong bì, bác sỹ Tuấn còn đứng ra kêu gọi các đồng nghiệp, nhà hảo tâm giúp đỡ hai mẹ con. Một tháng sau, người con mất, người mẹ 82 tuổi cũng không có tiền lo mai táng. Anh lại chạy vạy xin hỗ trợ.

Những năm qua, điều mà anh trăn trở  nhất chính là sự kỳ thị, phân biệt  đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV và cả các y bác sỹ điều trị cho họ. Bác sỹ Tuấn cho biết, chính anh đã rất nhiều lần bị kỳ thị. Khi giới thiệu làm công tác điều trị AIDS, nhiều người sợ không dám bắt tay với anh. Các đồng nghiệp của anh cũng không ít trường hợp bị chính gia đình, người thân kỳ thị.

Các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân AIDS thường gặp rất nhiều kỳ thị. Ảnh: Nhật Thy

“Làm thế nào để xã hội hiểu đúng hơn về HIV/AIDS? HIV/AIDS cũng chỉ là một bệnh mãn tính, cớ sao người đời lại nhìn với con mắt khác thường. Phải có một kênh thông tin riêng để xã hội có những nhận thức đúng, giúp bác sỹ và bệnh nhân yên tâm điều trị”, anh nói.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân cũng là vấn đề khiến anh phải suy nghĩ nhiều. Một ngày, bệnh nhân được trợ cấp 10 nghìn tiền ăn. Với số tiền đó, người bệnh không thể đủ dinh dưỡng để điều trị. Anh thường cùng các đồng nghiệp tìm mọi cách để có tiền, tăng dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Đến bệnh viện 09, các bệnh nhân điều trị ở đây khi được hỏi, đều dành những lời ngợi khen các bác sỹ. Sự quan tâm, chăm sóc, không quản ngại khó khăn, không ngại kỳ thị của các thầy thuốc đã khiến nhiều bệnh nhân quên nỗi đau bệnh tật.

Rời bệnh viện 09, chúng tôi thầm khâm phục một người bác sỹ gắn bó cả  cuộc đời với bệnh nhân AIDS. Xã hội luôn cần những người có “tâm” như anh!

Top