Ngôi nhà đặc biệt của những bà sơ

01/09/2018 13:23

Những ai đã từng một lần đặt chân đến Phòng khám từ thiện Kim Long- số 36, đường Kim Long, TP. Huế ắt hẳn sẽ không bao giờ quên được ngôi nhà đặc biệt này.

Bởi lẽ, đây không chỉ là cơ sở gắn liền với công việc tư vấn, chăm sóc, khám, chữa bệnh miễn phí, cho người dân nghèo, người nhiễm HIV, trẻ khuyết tật mà còn thực hiện nhiều công việc thiện nguyện khác. Cứ nghĩ, đó là công việc giản đơn, nhưng chính nơi này, những con người này đã và đang ngày đêm miệt mài mang tình yêu thương thầm lặng của mình đến với những cuộc đời không may!

Ngôi nhà đặc biệt mà chúng tôi đang nói đến tọa lạc trên mảnh đất gắn liền với những ngôi nhà vườn cổ kính, trầm mặc, mảnh đất có dòng Hương Giang hiền hòa, thơ mộng. Năm 1992, phòng khám được thành lập bởi các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm. Về trước, phòng khám do hai nữ tu - bác sĩ Bùi Thị Bông và Nguyễn Thị Điền điều hành. Đến nay, phòng khám được nữ tu là bác sĩ Nguyễn Thị Hiền trực tiếp điều hành. Tuy có sự thay đổi theo năm tháng, nhưng ý nghĩa tồn tại của ngôi nhà đặc biệt này vẫn không bao giờ thay đổi. Vẫn luôn hoạt động, luôn tồn tại bởi một điều: Vì trong cuộc đời này vẫn còn nhiều lắm những số phận không may.

Ngoài 7 Sœur (sơ) là các y, bác sĩ còn có những con người mong muốn góp chút sức mọn cho đời, trong đó có cả những người có “H”. Tất cả những con người này cùng hướng đến một mục đích cao cả duy nhất, đó là: Sát cánh, sẻ chia, đồng hành cùng những bệnh nhân nghèo, và người có “H’’. Vui chung một niềm vui, đau chung một nỗi đau.

 Các bệnh nhân đến khám bệnh tại phòng khám

Hơn 26 năm đồng hành cùng người bệnh

Hành trình khám chữa bệnh của Phòng khám từ thiện Kim Long như một con tàu vận hành không biết mỏi. Năm 1992, năm mà kinh tế vẫn còn nhiều biến động, khó khăn, đa số người dân chưa có đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế, chăm sóc sứa khỏe bản thân. Vì vậy, mà ngay từ lúc mới thành lập, phòng khám đã đông nghẹt người.

Tuy cơ sở vật chất và trang thiết bị vẫn còn đơn giản, thô sơ, chưa kể đến việc phòng khám phải đối mặt với việc thiếu trang thiết bị cần thiết vào những lúc quá tải bệnh nhân. Cái tâm với nghề, với đời, lòng nhiệt thành với công việc đã giúp các y, bác sĩ  ở đây vượt qua bao khó khăn, trở ngại.

Đến nay, hơn 26 năm trôi qua, ngôi nhà đặc biệt này đã cứu vớt biết bao số phận từ trong đến ngoài tỉnh. Bệnh nhân đa số là người già, phụ nữ và trẻ em, họ phải đối mặt với suy dinh dưỡng, nhiễm trùng, viêm khớp, ung thư, các bệnh mà chạy chữa vô cùng khó khăn và tốn kém. Bình thường có 50 đến 100 bệnh nhân đến thăm khám trong một ngày, có những ngày cao điểm con số bệnh nhân có thể lên đến 150.

Y, bác sĩ ở đây không chỉ làm công tác chuyên môn, họ còn không ngần ngại ra sức vận động sự giúp đỡ từ các cá nhân, tập thể có tấm lòng thiện nguyện để xây dựng nguồn quỹ mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám chữa bệnh ngày một tốt hơn.

Hiện nay, cơ sở vật chất phòng khám đã khang trang, thoáng mát hơn, trang thiết bị đã được trang bị mới, hiện đại hơn với đầy đủ các phòng khám chuyên khoa, chuyên dụng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho việc khám chữa bệnh.

Không chỉ điều trị, cứu chữa tận tình mà điều thiêng liêng, cao cả hơn hết chính là tấm lòng cảm thông, chia sẻ đến từ các vị y, bác sĩ nơi. Chính điều đó đã làm dịu bớt những cơn đau nơi người bệnh. Dường như đến đây, bệnh nhân không còn là người bệnh nữa mà là một người con, người mẹ, người chị vậy. Niềm vui của bệnh nhân bây giờ không còn là niềm vui của một người nữa, mà là niềm vui của cả đội ngũ y, bác sĩ. Cũng không đơn thuần là niềm vui mà giờ đây đã trở thành một nguồn động lực lớn cho sự nghiệp hy sinh, cống hiến.

Nhiều trường hợp, người già, người bệnh không đủ sức đi lại, họ không thể tự mình đến phòng khám. Nhiều y bác sĩ đã không quản ngại đường xá, đích thân tìm đến tận nhà giúp cho việc khám và điều trị được nhanh chóng, thuân lợi. Phòng khám thường xuyên tổ chức các chương trình khám bệnh miễn phí cho người dân ở những vùng sâu vùng xa, vùng đồi núi, vùng thấp trũng. Tính đến nay con số thăm khám và cấp thuốc miễn phí đã trên 715.000 lượt người.

Nhờ sự giúp đỡ nhiệt thành, điều trị cật lực của các sơ mà nhiều bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch. Giờ đây đã có một cuộc sống mới, tươi vui, lạc quan, yêu đời hơn. Như vợ chồng bác Sửu (85 tuổi) ở Hương Long, phường Kim Long, thành phố Huế, trước đó bác bị căn bệnh xương khớp hành hạ, khiến bác ăn không được ngon, ngủ không yên giấc. Sau khi được các sơ điều trị tận tình không những bác có thể đi lại được mà còn dùng được xe đạp chở bác gái tái khám định kỳ. Góp chuyện cùng chúng tôi, bác Sửu cho biết: “Trước đây, hai vợ chồng tôi bị căn bệnh xương khớp và bị chèn ép dây thần kinh nên không đi lại được, chỉ nằm một chỗ. Sau khi được các bác sĩ đến tận nơi khám, điều trị chăm sóc tận tình, chu đáo nên bệnh tình của vợ chồng tôi thuyên giảm rõ rệt”.

Câu chuyện của vợ chồng bác Sửu chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện đẹp khác để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm cho những con người đến đây.

Các sơ cấp phát thuốc

Tình yêu thương dành cho người có “H”

Trước đây, những người mắc bệnh HIV/AIDS luôn chịu sự kỳ thị của xã hội, thậm chí là sự xa lánh của chính người thân của họ. Cũng vì thế mà họ không thể hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Phòng khám từ thiện Kim Long lại chính là nơi người có “H’’ tin tưởng, gửi gắm tâm tư, tình cảm bản thân. Ngôi nhà tràn ngập tình thương này đã giúp đỡ biết bao số phận không may mắn vượt qua rào cản, hòa nhập với cộng đồng, xã hội.

Được biết, thành lập năm 1992, nhưng đến năm 1996, phòng khám mới bắt đầu có những hoạt động thăm khám, tư vấn dành cho người bệnh HIV/AIDS. Lúc bấy giờ, Phòng khám từ thiện Kim Long cũng là nơi duy nhất mà người có “H” được chăm sóc, tư vấn và điều trị mỗi ngày.

Được các sơ kể lại, thời gian đó, các sơ cùng đã cùng với nhóm tình nguyện viên hằng ngày đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc cho những người có “H” tại cộng đồng. Huế, vào mùa mưa thì mưa không ngớt, mùa nắng thì nắng cháy da vậy mà bất kì ở nơi đâu, dù có xa xôi hay hẻo lánh, nghe tin có bệnh nhân HIV/ADIS đang hấp hối hay qua đời là các sơ và tình nguyện viên tức tốc đến thăm viếng, an ủi, xoa dịu phần nào nỗi đau.

Có những câu chuyện đầy cảm động khiến nhiều người phải rơi nước mắt. Có trường hợp người nhiễm HIV qua đời vì hệ miễn dịch đã suy giảm trầm trọng, không thể tiếp tục chống chọi được nữa, dù là những căn bệnh thường gặp. Không người thân bên cạnh, không liên hệ được với một ai. Trước hoàn cảnh thương tâm, các sơ đã cùng đội thiện nguyện phối hợp với địa phương khâm liệm, mai táng theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

Những nữ tu - y, bác sĩ ở đây đã không còn nhớ là mình đã chăm sóc cho bao nhiêu trường hợp bệnh nhân có “H” nữa. Điều còn đọng lại trong lòng các sơ là niềm vui, hạnh phúc khi đã mang tấm lòng quảng đại của mình giúp người, giúp đời, giúp người có “H” tiếp tục sống, sống tốt, sống mạnh mẽ hơn. Bên cạnh chăm sóc các bệnh nhân HIV, các sơ và nhóm thiện nguyện viên đã đến gặp người dân vạn đò có trình độ dân trí thấp, đời sống kinh tế khó khăn để làm công tác truyền thông nhằm giúp người dân có thêm kiến thức về HIV/AIDS, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra. Giúp họ và người thân có “H’’ biết cách chăm sóc bản thân, tạo thêm niềm vui, mang thêm tình yêu thương, cảm thông của mình đến với họ, giúp họ thêm động lực sống và yêu đời, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Hơn 22 năm, phòng khám đã hỗ trợ và chăm sóc, tư vấn trên 4.100 lượt người nhiễm HIV và trên 5.200 lượt trẻ em được tư vấn, hỗ trợ. Ngoài ra, công tác truyền thông cũng được chú trọng như tổ chức truyền thông tại giáo xứ, phối hợp y tế học đường và các cơ sở dạy nghề... Mục đích chính để phòng ngừa lây bệnh và giảm kì thị phân biệt đối xử tại cộng đồng. Từ tháng 6/2017 đến tháng 5/2018, phòng khám đã hỗ trợ trên 180 trường hợp nhiễm HIV về chăm sóc thể chất, tư vấn và các hỗ trợ tinh thần, vật chất; trên 170 trẻ bị nhiễm và bị ảnh hưởng nhận được sự hỗ trợ của chương trình về giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe tại nhà.

Với những số phận không may mắn như các trẻ mồ côi, lang thang, cơ nhỡ, các trẻ OVC thì vào Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu... các em luôn cảm nhận sự lẻ loi bởi thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ và người thân. Thế nhưng, khi đến Phòng khám từ thiện Kim Long, các sơ luôn là những “bà tiên trong cổ tích” đã mang đến cho các em những bữa tiệc nhỏ đầy ắp tình yêu thương của các sơ để các em cảm nhận được đó là những điều có thật chứ không chỉ mà niềm mơ ước. Nhưng có lẽ, chương trình ấm áp, đầy tính nhân văn và ý nghĩa nhất là chương trình “Xuân yêu thương” mà các sơ đã tổ chức hằng năm cho các em. Hơn thế nữa, vào Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1/12) hằng năm, phòng khám tổ chức nhiều chương trình cho những người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Quảng Trị, đó là chương trình có sự tham gia của những người mà trước đây cũng đã lâm vào sự tuyệt vọng do HIV mang lại nhưng bây giờ họ đã có khả năng hòa nhập cộng đồng và sống có ích cho xã hội.

Trao đổi với chúng tôi, ThS.BSCK II. Trần Thị Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS và hiện nay là Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Trước năm 2007, khi chưa thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS thì Phòng khám từ thiện Kim Long làm rất tốt về vấn đề chăm sóc, điều trị, tư vấn, hỗ trợ và giúp đỡ người nhiễm “H”. Không những thế, các sơ cùng đội tình nguyện viên tham gia khâm liệm và mai táng khi người nhiễm “H” qua đời. Hiện tại, phòng khám không còn điều trị nhưng công tác chăm sóc, tư vấn, hỗ trợ giúp người nhiễm “H” tại cồng đồng vẫn  thường xuyên được duy trì. Bên cạnh đó, giữa Phòng khám và Trung tâm vẫn có sự phối kết hợp chặt chẽ trong công tác chăm sóc người có “H” như: Tổ chức các lớp tập huấn và các buổi truyền thông về bệnh HIV/AIDS cho người nhà và bệnh nhân và các tình nguyện viên”.

 Vợ chồng bác Sửu sau khi điều trị lành bệnh đã đến phòng khám để tái khám bằng xe đạp

Chia sẻ yêu thương - chắp cánh ước mơ

Song song với tư vấn, khám chữa bệnh miễn phí cho người có “H”, các sơ còn hướng đến công tác dự phòng nhằm góp phần giảm bớt sự lây lan trong xã hội. Phòng khám đã thực hiện các kế hoạch tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ cho đội tình nguyện viên nhằm hạn chế lây lan trong cộng đồng. Không những thế, phòng khám còn hỗ trợ kinh phí cho người dân nghèo làm nhà vệ sinh để bảo vệ sức khỏe, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Năm 1997, Phòng khám thành lập nhà chăm sóc trẻ em bị khuyết tật tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc cách Huế 45km với mục đích phát triển chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại cộng đồng.

Chúng tôi đã không khỏi xúc động khi nghe cậu bé L.T.T. vốn mang trong mình bệnh tim bẩm sinh kể lại. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nếu không được phẫu thuật tim thì không thể sống tiếp trong vòng vài năm tới, gia đình lại quá nghèo, không người mẹ nào lại cam chịu với số phận “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”. Mẹ cậu đã chạy vạy, hỏi han khắp nơi để chữa bệnh cho cậu. Nhưng rồi cũng chỉ thêm tuyệt vọng khi số tiền phẫu thuật cho cậu lên đến 2.650 USD. Thế rồi may mắn đã mỉm cười với cậu, phép mầu đã xuất hiện khi mẹ cậu bé tìm đến với Phòng khám từ thiện Kim Long. Thoạt đầu, khi nghe câu chuyện của người mẹ các sơ cũng bàng hoàng bởi chi phí phẫu thuật không hề nhỏ. Thế nhưng, lòng thương người vô bờ bến của các sơ đã lay động những tấm lòng nhân ái. Số tiền đã được gom đủ, giúp cậu bé sang Pháp mổ tim và thoát khỏi lưỡi tử thần. Thiết nghĩ, chính những tấm lòng nhân ái  không biên giới đã tạo nên những kỳ tích. Sau khi bình phục, để tỏ lòng biết ơn đối với những người cứu sống mình, cậu bé đã trở về phục vụ phòng khám, công việc của cậu là người giữ xe, vui vẻ tiếp đón, niềm nở với bệnh nhân... hướng tâm mình đến với những điều thiện. Trải qua cơn thập tử nhất sinh, cậu hiểu, hơn ai hết, những người như cậu rất cần đến những tấm lòng thiện nguyện như sơ. Cậu muốn đóng góp chút sức mọn phục vụ người nghèo!

Những việc làm xuất phát từ tấm lòng thương người cao quý, thầm lặng của các sơ ở Phòng khám từ thiện Kim Long đã mang đến cho những người đã, đang và sẽ đến đây như có thêm sức mạnh để chống chọi với bệnh tật và vượt qua mọi khó khăn, hòa chung nhịp sống với cộng đồng, chắp cánh ước mơ cho các em nhỏ - những em có hoàn cảnh khó khăn và số phận không may khi sinh ra để vươn cao, vươn xa hơn nữa.

Tất cả đó là những nghĩa cử cao đẹp của những con người ngày đêm âm thầm, lặng lẽ gieo ánh sáng, niềm tin, hy vọng sống cho những mảnh đời kém may mắn trong xã hội.

Có thể nói, những đóng góp của các y, bác sĩ là các sơ và các tình nguyện viên ở Phòng khám từ thiện Kim Long đã mang lại hiệu quả thiết thực, ý nghĩa lớn lao đối số phận không may. Đây là địa chỉ tin cậy đề các nhà hảo tâm gửi tấm lòng vàng, chung tay xoa dịu nỗi đau bệnh tật, nỗi đau tinh thần của những mảnh đời bất hạnh, góp phần tích cực trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Hy sinh thầm lặng nhưng không bao giờ đòi hỏi sự trả ơn và vinh danh đó là những nghĩa cử cao đẹp của các nữ tu sống “tốt đời đẹp đạo” ở Phòng khám từ thiện Kim Long.

Top