Nghề 'cảm hóa' người nghiện: Sống trong 'thế giới' người nghiện

02/10/2019 10:56

Người nghiện coi bà như bạn, nên có việc gì, họ cũng gọi đến bà, nhất là khi bị bắt cũng đòi gặp 'luật sư già Phương'...

Gần 10 năm qua, bà Kiều Thị Phương (61 tuổi), Tổ trưởng Tổ dân phố 12, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93 P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã “hóa thân” vào thế giới người nghiện để đưa được nhiều người thoát khỏi “án tử” của ma túy.

Bà Kiều Thị Phương (phải) với Đội trưởng Đội Công tác xã hội tình nguyện P.Quan Hoa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đang rà soát danh sách những người nghiện

Làm bn vi người nghin

Chia sẻ với chúng tôi, bà Phương kể, một trong những người được bà giúp cai nghiện thành công là anh Trịnh Minh H. (ngõ 68, tổ dân phố 12, P.Quan Hoa). Anh H. là con trai duy nhất trong gia đình có 5 chị em nên được chiều chuộng và sau khi đi bộ đội về (khoảng năm 25 tuổi) thì “bập” vào ma túy. “Gia đình cạn kiệt, khổ sở lắm! Mẹ H. nửa đêm gà gáy cũng chạy sang gọi tôi giúp khuyên nhủ. Đầu tiên, chú ấy cáu và từ chối, sau bằng mọi cách tiếp cận tôi không tẩy chay, không kỳ thị, đồng thời hòa mình vào họ; họ muốn gì dở hơi mình cũng đồng tình và phải đồng cảm, làm bạn với họ, “chí phèo” như họ thì tôi đã thành công”, bà Phương chia sẻ.

Với những đóng góp ý nghĩa cho xã hội, bà Phương đã hơn 70 lần được tặng bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và 20 lần được tuyên dương Người tốt việc tốt trên địa bàn TP. Hà Nội.

Bà Phương cho hay, anh H. 3 lần bị đưa vào trại, lần nào bà cũng vào thăm và còn giúp giải quyết những khúc mắc trong gia đình, nên anh gửi trọn niềm tin cho bà. Từ đó, bà đã vận động anh đi uống Methadone điều trị cai nghiện. Khi ấy, trên địa bàn Q.Cầu Giấy còn chưa có thuốc nên bà phải nhờ người quen ở quận bên cạnh cho anh sang điều trị. Ròng rã hàng tháng trời, ngày nào bà cũng đi cùng anh H. đến nơi điều trị để được khám, tư vấn, uống thuốc… “Hồi đó, đúng vào dịp gần tết, trời vừa mưa vừa rét nhưng ngày ngày tôi đi cùng H. bằng xe ôm để đến đúng giờ và phải đúng lịch để điều trị. Kiên cường lắm, khổ lắm. Giờ anh H. đã cai được 7 năm rồi và khỏe mạnh lắm!”, bà Phương kể.

Bà Phương cũng cho biết, lúc tiếp cận với anh H. bà mới chỉ làm tổ trưởng tổ dân phố, nhưng chính từ việc giúp anh H. đã thôi thúc bà đến với Câu lạc bộ B93 để cảm hóa người nghiện. Trong những lần giải quyết tình huống nguy cấp mà người nghiện có thể gây án mạng, bà Phương đã không ngại nguy hiểm để bảo toàn tính mạng cho chính những người thân của họ.

Gần nhà bà Phương có một thanh niên bị nghiện 3 - 4 năm nay nhưng gia đình vẫn giấu không cho đi cai. Bà âm thầm theo dõi, giúp đỡ người này và nhiều lần phải đương đầu với nguy hiểm. “Cháu này đã có vợ và con nhỏ nhưng mắc nghiện nên bị mẹ hắt hủi. Có lần mẹ cháu đưa vợ con cháu đi chơi. Khi cháu gọi điện hỏi thăm thì mẹ cháu bảo: Mày chết đi, tao chả cần mày. Thế là nó tay dao tay kéo ra cổng chờ mẹ về để giết. Vì cháu này đã dùng ma túy đá nên bị hoang tưởng rồi, ghét ai cũng có thể giết. Bên hàng xóm gọi đúng lúc tôi đang nấu cơm. Tôi lập tức tắt bếp, chạy ra bảo: Này N. làm gì đấy, cô bảo hôm nay cắt cây tỉa cỏ, nhưng ở chỗ kia cơ mà. Trong lúc nó ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì, thì tôi đã gỡ dao, kéo khỏi tay nó rồi chờ công an đến”, bà Phương kể.

Không chỉ giúp những người trên địa bàn mình phụ trách, bà Phương còn “lấn sân” sang cả địa bàn khác vì thấy có những hoàn cảnh quá éo le. Đó là gia đình bà Đàm Thị Thịnh ở ngõ 68, phố Quan Hoa. Chồng bà Thịnh mất sớm, để lại 4 người con thì cả 4 đều theo nhau mắc nghiện rồi chết dần, giờ chỉ còn 1 người đang đi cai. Một mình bà phải đi bán rau nuôi đứa cháu nội từ khi mới 4 tuổi, do mẹ cháu bỏ đi, bố cháu thì đã chết. “Bố cháu bị dính nghiện đi hết trại nọ đến trại kia, thân tàn ma dại. Khi chúng tôi đến nơi, thấy bố cháu bò từ trong nhà ra, vươn cánh tay lở loét ra cầu xin: Cháu lạy các cô, cháu biết cháu dại rồi, nhưng cháu nhận ra thì đã muộn. Cháu không sống được. Các cô giúp mẹ cháu nuôi con cháu với... Sau khi bố cháu mất, bà cháu không còn nước mắt để khóc vì trong căn nhà lụp xụp có tới 4 cái bát nhang trên bàn thờ...”, bà Phương xúc động chia sẻ.

Từ dạo đó, bà nhận giúp đỡ cháu bà Thịnh từ miếng cơm, manh áo hay lúc cháu ốm đau. Nửa đêm cháu sốt cao, bà Thịnh đến gọi: Bác Phương ơi cứu cháu với, bà lại tất bật bế cháu đến bệnh viện. Khi cháu lớn lên đi học, bà đứng ra làm các thủ tục xin miễn giảm học phí hoặc xin các quỹ từ thiện giúp đỡ. Đồng thời, giúp bà Thịnh vay vốn của hội phụ nữ để bán rau nuôi cháu ăn học. Khi bà Thịnh già yếu bệnh tật không đi làm được nữa, bà đã bán đi nửa miếng đất để xây được 2 phòng ở và có tiền tiết kiệm; bà Phương lại là người lao tâm khổ tứ để giúp bà Thịnh làm di chúc chia nhà cho các cháu, không để xảy ra tranh chấp về sau…

Khi được hỏi về bà Phương, bà Thịnh xúc động nói: “Bà Phương tốt lắm, như người thân trong gia đình, giúp đỡ bà cháu chúng tôi rất nhiều. Bao năm nay, bà Phương chăm lo, xin giảm học phí cho cháu tôi, chứ không thì cháu không thể học đến lớp 12 như bây giờ”.

“Phải giúp họ dù bất kỳ hoàn cảnh nào”

Sau gần 10 năm “chinh chiến” với người nghiện, đến nay bà Phương đã giúp được khoảng 6 - 7 người đoạn tuyệt với ma túy. Bà bảo, nói về việc cai nghiện thì không tính được bằng số lượng vì đã làm phải gắn bó cả đời với họ, chứ không phải chỉ có giai đoạn rồi thôi. “Có khi bao nhiêu năm mới giúp được 1 người. Họ cai xong rồi, nhưng khi gia cảnh có chuyện gì cũng gọi, khi buồn cũng gọi... cứ lê thê cả cuộc đời và tôi phải dấn thân gần như là người thân trong gia đình của họ”, bà Phương trải lòng.

Đồng thời, bà Phương nói: “Nếu muốn giúp một con người thì mình phải cảm nhận được từ suy nghĩ của người ta sang mình và đồng cảm được với người thân của họ. Người ta đau xót như thế nào với người ruột thịt của họ, thì mình cũng phải “ngang tầm” như thế”. Bà Phương cũng tâm sự, làm nghề này phải biết nắm bắt tâm lý của họ. “Mình cần họ hơn chứ họ cần gì mình, họ chỉ muốn tránh mình thôi. Vì thế, mình phải giúp họ dù bất kỳ hoàn cảnh nào và chờ lúc nguy kịch nhất thì lúc đó họ mới cần đến mình. Khi đó, mình mới lấy được niềm tin của họ. Khi đã tin rồi thì họ coi mình như ruột thịt”.

Tuy nhiên, bà Phương cho biết để giúp được họ cũng không đơn giản vì nếu không có cách nói thì dễ bị “ăn đấm” ngay. “Có lần, tôi giao cho một cộng tác viên đến phát kim tiêm cho người nghiện. Nhưng cô ấy bị người nghiện đuổi đánh. Khi tôi gọi điện cho đối tượng hỏi, thì họ bảo cô ấy đưa kim tiêm trước mặt mọi người lại còn bảo đối tượng vẫn còn tiêm chích…”, bà Phương kể rồi giãi bày: “Nói với người nghiện không thể nói bài bản được. Tôi phải nói kiểu thế này: Này chị bảo, cái này người ta cho đấy, ưu tiên bọn mày. Những thằng nghiện hay tiêm chích, mỗi thằng dùng riêng một cái chứ đừng dùng chung, nhỡ thằng nào nó bị HIV nó lây cho thì chết cha mày. Nói thế thì đối tượng lại nghe ngay: “OK chị đưa đây”, chứ cứ diễn giải lại chết với họ”.

Do được người nghiện coi như bạn, nên có việc gì họ cũng gọi đến bà, nhất là khi bị bắt cũng đòi gặp “luật sư già Phương” (người nghiện gọi bà với cái tên thân mật đó). Theo bà Phương, làm công việc này phải cảm nhận, không biết khổ, không biết sợ và phải thuyết phục được cả nhà mình ủng hộ, vì gia đình cũng lo nguy hiểm đến tính mạng. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phương nói: “Dù không ít khó khăn, nhưng nếu vẫn còn người nghiện thì không chỉ có những gia đình khổ, mà còn là mối nguy hiểm của cả cộng đồng”.
Top