Gom ve chai, gây quỹ ủng hộ trẻ em yếu thế

10/01/2017 15:26

“Đến trường, cháu bị bạn bè trêu ghẹo là con người nghiện, con phạm nhân. Cảm giác mặc cảm, tủi thân nên cháu cũng hay gây gổ đánh nhau với bạn bè”.

Con có làm gì đâu sao các bạn trêu chọc con?

Mặc dù Tết đã đến cận kề, nhưng các thành viên nhóm Nhóm Đồng Tâm Hiệp Lực vẫn tất bật đi từng con ngõ nhỏ để gom: nhựa, vỏ lon, vỏ chai nhựa, bìa catton, sách báo cũ… rồi tập kết tại ngõ 25 - Đầm Vạc - Phường Đống Đa - Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc. Số tiền thu được, sẽ trao quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn.

Niềm vui ngày đầu năm của các em-Ảnh:NVCC

Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ngà - Trưởng nhóm Đồng Tâm Hiệp Lực (nhóm tự lực can thiệp với nhóm đối tượng là các chị em làm nghề mại dâm) cho biết, nếu như trẻ mồ côi, khuyết tật, vùng cao… nhận sự quan tâm, che chở từ xã hội thì con của những phạm nhân chưa được quan tâm đúng mực. Mặt khác, trẻ có bố mẹ là người nghiện ma túy, các chị em mại dâm, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thích ứng tâm lý - xã hội như: Khó khăn trong học tập, thích ứng với hoàn cảnh sống mới, các mối quan hệ xã hội. Thấu hiểu những khó khăn đó, nhóm nhóm cũng đã kết hợp với chương trình “Sữa yêu thương” của Trung tâm Sáng kiến và Phát triển cộng đồng (SCDI) đã cung cấp sữa cho các em có hoàn cảnh đặc biệt.

Chị Ngà chia sẻ, trên địa bàn hiện có những đứa trẻ không may mắn khi phải lớn lên mà thiếu vắng cha hoặc mẹ, bởi cha mẹ đang phải thụ án tù. Như trường hợp của cháu V.A T (SN 2008) ở  Văn Quán - Lập Thạch. Cháu sinh ra trong gia đình bố là người sử dụng ma túy và có H. Anh T bắt đầu sử dụng ma túy năm 2007, sau đó được đưa vào diện cai nghiện bắt buộc, ở nhà chỉ còn 2 mẹ con. Hoàn cảnh mẹ con nương tựa vào nhau rất vất vả. Đến trường, cháu bị bạn bè trêu ghẹo là con người nghiện, con phạm nhân. Cảm giác mặc cảm, tủi thân nên cháu cũng hay gây gổ đánh nhau với bạn bè.Cháu còn không muốn đi học vì cảm giác xấu hổ, tủi thân quá.

Chị Ngà trải lòng, có cơ hội nói chuyện mới hiểu suy nghĩ của các em nhỏ đặc biệt này. Có lần T từng hỏi chị rằng “Con có làm gì đâu sao các bạn cứ trêu chọc con?” Chị chỉ biết nhìn đôi mắt buồn của con, động viên cháu cố gắng.

Đầu năm 2015, bố của T về nhà, chẳng được bao lâu anh lại tiếp tục đi tù vì tội mua bán trái phép chất ma túy. Cháu T lại tiếp tục sống côi cút, thiếu tình thương của bố.

Tuổi thơ bị quên lãng

Là một người từng bị kỳ thị bởi mẹ là người lầm lỗi, hơn ai hết chị Ngà hiểu nỗi lòng của những đứa trẻ lớn lên thiếu vắng bóng hình bố mẹ. Chị kể, đến bây giờ chị vẫn bị ám ảnh bởi câu nói cấm cản của người lớn. Họ không cho con họ chơi với mình vì “Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh”. Chị buồn bã: Chị em tôi không có bố, mẹ đi tù chúng tôi ở cùng ông bà ngoại đã già. Họ hàng cũng khó khăn nên nên chị gái học hết lớp 9 phải bỏ học kiếm tiền cho em tiếp tục theo học. Em trai tôi bây giờ không biết bỏ đi đâu?

Bạn bè thì chủ yếu chơi với những đứa có cùng hoàn cảnh và tôi thấy không đứa nào có thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn - bố mẹ đi tù thì con cái rất dễ hư hỏng. Con trai thì tiếp tục nghiện ngập, bụi đời. Con gái thì đi làm gái mại dâm, buôn bán ma túy…

Chứng kiến nhiều bạn bè có cùng hoàn cảnh đặc biệt đi vào con đường lệch lạc nên chị muốn hành động giúp các bé, để các bé hiểu rằng đâu đó vẫn có người đang đặt niềm tin và hy vọng, chia sẻ và yêu thương. Chị kể, nhóm chị chủ yếu để gây quỹ để tặng quà tết, đồng thời muốn gây quỹ “ve chai yêu thương” để có thể hỗ trợ các con trong việc đóng góp tiền học hoặc mua bảo hiểm y tế.

Kết thúc buổi nói chuyện, chị Ngà tâm sự, chị biết những hành động nhỏ không thể thay đổi hoàn toàn số phận của các em bé ngày đêm đối mặt với những khó khăn, thiếu thốn. Nhưng các thành viên lắng nghe và chia sẻ với các em bằng cả trái tim, để gắn kết và chia sẻ. Có ai đó nói rằng, sự tử tế như ngọn lửa, có khả năng lan truyền, mang đến cho người, cho mình sự ấm áp, thắp nên lòng tin về những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tôi tin, sống tử tế không chỉ là những hành động lớn lao, những nghĩa cử đơn giản của các thành viên gom ve chai thực sự mang đến niềm tin, hạnh phúc cho các em nhỏ bất hạnh.

Top