Giúp phụ nữ, trẻ em nhiễm HIV vơi đi nỗi đau, vượt lên số phận

25/11/2011 14:49

Chúng tôi đến thăm Mái ấm tình thân (MATT), cái tên đã quen thuộc trong tâm trí của khá nhiều người, đặc biệt là những phụ nữ, trẻ em bị nhiễm HIV hay ảnh hưởng bởi HIV vào một ngày đầu tháng 11/2011.

Nằm trong khuôn viên Trung tâm dạy nghề của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố Hà Nội là một Mái ấm - xuất phát từ mô hình thí điểm của Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV” do AusAID – Cơ quan phát triển quốc tế của Australia tài trợ và Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản (WARC), Hội LHPN Việt Nam trực tiếp triển khai.

Bạn không cô đơn, chúng tôi luôn bên bạn

Người đón tôi là bác sĩ Trịnh Thị Huệ, cán bộ phụ trách chung hiện nay của MATT. Vừa trò chuyện với Bác sĩ Huệ, tôi vừa quan sát, phòng làm việc chung của MATT rộng khoảng 25 m2, được chia thành hai ngăn: ngăn ngoài là phòng làm việc cho cán bộ, nhân viên của MATT. Góc ngoài của phòng có kê 1 chiếc bàn nhỏ, trên đó trưng bày khá nhiều sách, báo, tranh ảnh, tờ rơi, những tài liệu truyền thông về HIV/AIDS và các hoạt động. Ngăn bên trong khá kín đáo, được dùng để làm nơi tư vấn cho khách hàng đồng thời cũng là nơi để tình nguyện viên MATT trực đêm nghỉ lại.

Cán bộ MATT đang tư vấn cho mẹ con chị Trần Thị H (HN) về xét nghiệm máu và pháp lý.

Tôi được bác sĩ Huệ dẫn tới hành lang phía sau, mở ra trước mắt tôi là một căn phòng nhỏ khép kín. Tuy nhỏ, nhưng căn phòng được bài trí gọn gàng: hai chiếc giường tầng (thành 4 giường đơn), 1 chiếc tủ đựng chăn màn, 1 chiếc giá có để khá nhiều đồ chơi trẻ em. Ấn tượng là mảng tường có khá nhiều bức tranh được vẽ trên những tờ giấy khổ A4, màu sắc sinh động, ngộ nghĩnh với nhiều ý tưởng phong phú, người lạ vào dễ lầm tưởng đây là phòng của một nhà trẻ. BS Huệ bảo, đó là tác phẩm của những em bé có HIV, khi được bố mẹ cho đến đây nghỉ đêm chờ đi khám hoặc làm xét nghiệm, lấy thuốc, chữa bệnh tại các bệnh viện, các em đã vẽ chúng trong thời gian ở MATT.

Khách hàng tìm đến với MATT là những người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Nghỉ đêm miễn phí cho người có HIV là dịch vụ duy nhất hiện có ở mô hình MATT. Tại đây, họ được các bác sĩ, nhân viên của MATT tư vấn về tâm lý, sức khỏe; được kết nối, chuyển gửi đến các dịch vụ y tế, xã hội, pháp lý; được tạo môi trường thân thiện, chỗ nghỉ qua đêm khi về Hà Nội khám, chữa bệnh, xét nghiệm và lấy thuốc; họ còn được hỗ trợ về dinh dưỡng, học phí, tiền tàu xe đi lại, tiền thuốc; thậm chí họ còn được hỗ trợ vay vốn và đào tạo sinh kế. Ở MATT, họ nhận được sự sẻ chia và tìm lại được niềm tin để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Sứ mệnh tiếp diễn...

Bắt đầu từ tháng 12/2008, sau 2,5 năm hoạt động, MATT đã kết nối, chuyển gửi dịch vụ y tế, xã hội cho 594 người trong đó có 312 nữ, 152 nam và 130 trẻ em tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, Hà Nội mở rộng; tư vấn trực tiếp, qua điện thoại, cá nhân, gia đình và tư vấn nhóm cho 967 lượt người về những vấn đề trước và sau xét nghiệm, phòng tránh lây truyền mẹ sang con, điều trị OI và ART, chăm sóc tại nhà, tư vấn sinh kế, hỗ trợ tâm lý, sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; tiếp nhận 618 lượt khách tới dịch vụ nghỉ đêm miễn phí. MATT cũng đã tích cực trong các hoạt động: hỗ trợ dinh dưỡng, học phí, đi lại, thuốc, vay vốn, sinh kế; tổ chức đào tạo truyền thông nâng cao nhận thức, định hướng thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng, nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho các nhóm Tự lực, CLB, Mạng lưới người sống chung và ảnh hưởng bởi HIV …

Góc vui chơi dành cho các em tại MATT.

Trong quá trình hoạt động triển khai dự án, MATT luôn quan tâm đến tính bền vững và nhân rộng mô hình. Đặc biệt sau khi tổng kết Dự án vào tháng 11/2010, MATT đã tập trung điều chỉnh các hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ cung cấp tại MATT đồng thời quan tâm và ưu tiên nhiều hơn đối với khách hàng là phụ nữ và trẻ em sống chung, ảnh hưởng bởi HIV; duy trì, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới vệ tinh ở Ninh Nhất-Ninh Bình và Mỹ Đức- Hà Đông- Hà Nội.

Có những tấm lòng “vàng” vẫn đồng hành cùng Mái ấm

Tháng 6/2011, Dự án “Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, dự phòng, chăm sóc và điều trị cho phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV” kết thúc. Nguồn kinh phí tài trợ từ dự án không còn. Tuy nhiên, MATT vẫn duy trì hoạt động để đáp ứng nhu cầu cho những phụ nữ, trẻ em sống chung và ảnh hưởng bởi HIV ở các địa phương xa xôi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và vẫn có nhu cầu tiếp tục tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ tại Hà Nội.

Từ tháng 7 đến tháng 10/2011, MA đã hỗ trợ tư vấn 67 ca; 23 khách hàng mới được tiếp cận, chuyển gửi tới các dịch vụ tại Hà Nội; 27 lượt khách hàng đã nghỉ đêm tại MATT, được hỗ trợ tư vấn, truyền thông, tiếp cận với các sản phẩm theo nhu cầu; trẻ em được nghỉ ngơi, vui chơi trong môi trường an toàn, vệ sinh, thân thiện. Trong đó có thể kể đến những khách hàng đã đến với MATT và được hỗ trợ trong thời gian qua như: chị Đ.T.H ở Ninh Bình bị nhiễm HIV từ chồng, có con B.N cũng bị HIV và hiện đang mắc lao - tràn dịch màng phổi; chị T.T.H ở Hà Nội có chồng tử vong do AIDS; chị T.T.T ở Ninh Bình có con gái bị nhiễm HIV& mẹ bị mắc lao...

Để có được những kết quả đó là do có sự hỗ trợ, tiếp sức từ rất nhiều tấm lòng vàng của các tổ chức, bạn bè quốc tế. Bác sĩ Huệ cho biết, có nhiều đoàn khách nước ngoài đã đến đây tham quan mô hình. Chứng kiến những hoạt động ở đây, họ rất ấn tượng, khâm phục, đánh giá cao tính thiết thực, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của MATT đồng thời có những hành động hảo tâm, chia sẻ với MATT những khó khăn trước mắt. Một khách hàng người người Đức đến thăm đã tặng MATT 200 EUR; ông Jadashi Yashuda, chuyên gia người Nhật, đại diện của UNICEF đã thăm và tận tay trao cho các cháu có HIV ở MATT những quyển vở nghĩa tình. Đặc biệt phải kế đến sự hỗ trợ quý báu của Quỹ Unilever Việt Nam từ tháng 7/2011 đến nay đã hỗ trợ cho MATT toàn bộ kinh phí thuê nhà, hỗ trợ lương cho cán bộ tình nguyện hoạt động tại MATT. Số tiền hỗ trợ tuy chưa nhiều nhưng là hành động cao quý, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm xã hội của Unilever trong việc chung tay xây dựng, góp phần cải thiện cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là hướng tới những phụ nữ- trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, yếu thế trong xã hội. Sự đồng hành của Unilever cũng như các tổ chức, bạn bè quốc tế trong quá trình MATT thực hiện sứ mệnh của mình thật đáng trân trọng.

Để phụ nữ và trẻ em nhiễm HIV có nhiều cơ hội nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng, giúp họ và gia đình vơi đi nỗi đau, vượt lên số phận, sống hòa nhập và lấy lại được sự cân bằng trong cuộc sống; các em được sống trong một môi trường an toàn, xóa bỏ ranh giới của sự kỳ thị và được hưởng mọi quyền lợi như những trẻ em bình thường khác, vẫn cần lắm những tấm lòng “vàng”.

Top