Giúp đỡ người sau cai: Không ngại khó, chỉ ngại không dám làm

17/04/2017 16:16

Đó là phương châm của anh Lữ Liệt Hoàng cùng Đội Công tác xã hội tình nguyện, phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa khi giúp đỡ những người sau cai nghiện tại địa phương tái hòa nhập cộng đồng.

Anh Lữ Liệt Hoàng (sinh năm 1965) hiện là Đội trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện (Đội tình nguyện) phường Cam Thuận. Những năm qua, anh Hoàng cùng Đội tình nguyện đã thực hiện công tác cai nghiện với nhiều giải pháp nhằm giúp người cai nghiện thành công, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, chống tái nghiện, góp phần thiết thực vào công tác phòng chống ma túy tại địa phương.

Anh Hoàng cho biết, bản thân anh và tình nguyện viên khác đã được tham gia nhiều đợt tập huấn về kỹ năng giúp đỡ người hoàn lương và phòng chống tệ nạn của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa. Chính vì vậy Đội tình nguyện đã được trang bị vốn kiến thức cơ bản và các phương pháp tiếp cận người nghiện, người sau cai một cách khoa học và thân thiện, để tìm hiểu tâm tư và hoàn cảnh của người cần giúp đỡ, chia sẻ, giúp họ không bị mặc cảm trong quá trình tái hòa nhập cộng đổng, ổn định đời sống, không tái nghiện, tránh xa ma túy.

Tình nguyện viên chia sẻ về việc giúp đỡ người sau cai

5 năm trở lại đây, UBND phường Cam Thuận chỉ đạo các ban ngành, phối hợp cùng mặt trận, các đoàn thể và hệ thống chính trị ở các tổ dân phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý, giúp người sau cai nghiện hòa nhập cuộc sống. Việc tuyên truyền luôn gắn liền với việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân. Điều đó đã làm cho ý thức người dân tự bảo vệ mình trước tác hại nguy hiểm của ma túy trong khu dân cư nâng cao rõ rệt.

Trong các mô hình hoạt động tại địa phương, nổi bật là hoạt động của Đội tình nguyện trên tinh thần tình nguyện đi đầu trong công tác tuyên truyền, giúp đỡ người sau cai không tái nghiện và hòa nhập công đồng.

Các thành viên Đội Tình nguyện hoạt động theo quy chế rõ rệt: Tự nguyện, tận tâm, lắng nghe và chia sẻ.

“Qua các buổi tập huấn tại Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi hiểu rằng nghiện ma tuý cũng là bệnh mãn tính gây tổn hại nghiêm trọng lên não bộ, mà đã là mãn tính thì người nghiện thất bại sau nhiều lần cai là điều khó tránh khỏi và có tâm lý buông xuôi, bất lực, chán đời và dễ bị lôi kéo. Vì vậy, đội chúng tôi càng phải gần gũi hơn nữa, cảm nhận được nỗi đau của gia đình người nghiện, chia sẻ đồng cảm với tâm trạng đối tượng cần giúp đỡ, chỉ có sự tận tình thân thiện mới giúp được người nghiện không tự ti mặc cảm và chấp nhận sự giúp đỡ của người khác”, anh Hoàng chia sẻ về công việc của mình.

Các thành viên của Đội tình nguyện hàng tháng, hàng quý điều có ghi chép đánh giá sự tiến bộ của người nghiện thật cụ thể về sức khỏe, về việc làm, và các mối quan hệ trong gia đình và bạn bè, để cùng nhau trao đổi, chia sẻ thông tin, đồng thời đưa ra phương pháp tốt nhất giúp đỡ cho đối tượng.

Và cái mới nhất Đội tình nguyện làm được là mạnh dạn tham mưu UBND thành lập Điểm tư vấn cộng đồng về nghiện ma túy tại địa phương với thành viên là 5 người sau khi được sự hướng dẫn chỉ đạo của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tại địa phương, Đội tình nguyện phối hợp thành lập câu lạc bộ ở các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, chủ động biểu dương các gương tiêu biểu tự cai nghiện tại gia đình và được bà con khu dân cư vui mừng đón nhận, đồng tình hỗ trợ giúp đỡ động viên. 

Đội tình nguyện phối hợp với Mô hình CLB thanh niên tình nguyện phòng chống ma túy hoạt động với phương châm “không ngại khó, chỉ ngại không dám làm”. Với mô hình này, lực lượng nòng cốt là Đoàn thanh niên đầy nhiệt huyết trong công việc, thông tin trao đổi học tập qua các hoạt động của thanh niên, hiệu quả thật rõ rệt, nhiều năm qua trên địa bàn phường không có tệ nạn ma túy học đường, các học sinh, sinh viên và đoàn thanh niên luôn hăng hái tham gia các buổi tuyên truyền “nói không với ma túy” các hoạt động mít tinh, phát tờ rơi tại khu dân cư.

Mô hình nhóm sắc màu đồng đẳng của Hội LHPN phường, luôn luôn gắn liền với phương châm “Mở rộng vòng tay nhân ái”. Các thành viên của nhóm được phân công tiếp cận với các người mẹ, người chị của gia đình người nghiện để cùng nhau giúp đỡ  người nghiện, người sau cai.

“Hoạt động tình nguyện của chúng tôi không thể nào thành công nếu không có sự chia sẻ, đồng lòng và chung sức của gia đình người nghiện ma túy, trong đó quan trọng nhất chính là tấm lòng bao dung, thương yêu bao bọc, sự nhẫn nại kiên trì của người phụ nữ trong gia đình”, anh Hoàng nói.

Với cách làm của Đội tình nguyện, đến nay, công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn phường đã đạt được kết quả đáng khích lệ. Số người nghiện ma túy qua hồ sơ đã giảm thấy rõ. Cụ thể, đầu năm 2011 là 29 đối tượng, đến nay còn lại tại địa phương quản lý , theo dõi, giúp đỡ là 11 người. Trên địa bàn năm 2011 có đến 6 điểm tiêm chích ma túy, chủ yếu tại các khu vực vắng nhà dân, thì đến nay không còn điểm nóng nào.

Số thanh niên cai nghiện thành công tăng lên 12 người và có công việc làm ổn định. Số người tái nghiện cũng đã giảm xuống, không còn chiếm tỷ lệ cao như trước nữa. Hiện nay, Đội vận động 7 người viết đơn tự nguyện cai nghiện tại gia đình và 6 người điều trị methadone.

Bản thân anh Hoàng đã tiếp cận và hỗ trợ cho 7 thanh niên lầm lỡ nghiện ma túy ở khu dân cư, đa số là thanh thiếu niên tuổi từ 18 đến 30 là đối tượng không có việc làm hoặc việc làm không ổn định chưa qua đào tạo, chỉ làm nghề lao động tự do.

Ngoài ra, để bà con luôn cảnh giác với ma tuý, Đội Tình nguyện luôn chú trọng đến công tác tham mưu UBND tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại nguy hiểm của các loại ma túy, nhất là ma túy tổng hợp… qua tin bài trên loa đài truyền thanh, qua các tiểu phẩm trên sân khấu của hội thi văn nghệ, qua các buổi họp dân. Đồng thời, Đội Tình nguyện đã tiến hành ra quân hàng chục lần đi thu gom bơm kim tiêm và phát hàng ngàn tờ rơi cảnh báo về ma túy, được bà con khen ngợi và ủng hộ nhiệt tình.

Theo anh Lữ Liệt Hoàng, đã có hoạt động tình nguyện về cai nghiện ma túy, thì không thể nào thiếu được Điểm tư vấn, cắt cơn, điều trị tại khu dân cư. Mô hình này sẽ làm giảm đi áp lực tại các Trung tâm cai nghiện và hiệu quả cũng rất tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng và nhà nước.

Người nghiện ma túy không phải là tội phạm, họ cần sự giúp đỡ của cộng đồng, việc động viên khuyết khích họ tự nguyện cai nguyện tại gia đình và cộng đồng là phù hợp nhất. Vì vậy, hoạt động của tôi và cả Đội thời gian gần đây luôn luôn sát cánh cùng với hoạt động của Điểm tư vấn tại cộng đồng, anh Hoàng cho biết.

Top