Gặp Thượng uý CSGT bị phơi nhiễm HIV khi bắt cướp

28/07/2015 15:15

Những ngày qua, thông tin về việc thượng uý CSGT Đội Phú Lâm (Phòng CSGT đường bộ- đường sắt công an TP HCM) trong lúc làm nhiệm vụ phát hiện và truy bắt đối tượng nhiễm HIV cướp tài sản của người đi đường đã bị thương dính máu, phải điều trị phơi nhiễm khiến ai cũng cảm phục.

Thiếu tá Đào Văn Út - Đội trưởng Đội CSGT Phú Lâm (bên trái) và Thượng úy Trương Tấn Thương

Đó là thượng uý Trương Tấn Thương (36 tuổi), được xem là "khắc tinh của tội phạm" khi cùng đồng đội tham gia bắt giữ nhiều đối tượng cướp giật, buôn thuốc lá lậu trên đường phố Sài Gòn. Anh Thương quê ở xã Mỹ Hạnh A, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An, vùng đất cách mạng giàu truyền thống Anh hùng.

Bắt cướp là nghĩa vụ

Từng có ước mơ trở thành người công an nhân dân nên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thượng úy Trương Tấn Thương (SN 1979, quê tỉnh Long An) tham gia vào lực lượng cảnh sát cơ động, sau đó được thuyên chuyển sang đội trật tự phản ứng nhanh Công an quận 6. Thời gian công tác ở đây, Thượng úy Thương thực hiện nhiều vụ bắt cướp trên đường phố Sài Gòn, trả lại nhiều tài sản cho người bị hại. Đến năm 2012, Thượng úy Thương được điều chuyển về Đội CSGT Phú Lâm, tại vị trí mới anh còn triệt hạ nhiều đối tượng cướp giật, buôn thuốc lá lậu và được đồng đội đặt cho biệt danh “hiệp sĩ đường phố”. Hiện tại anh đang tiếp tục theo học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ tại trường Đại học Cảnh sát Nhân dân ở TP HCM.

Mới đây, khoảng 11 giờ sáng 22/7/2015, tổ công tác thuộc đội CSGT Phú Lâm gồm: Thượng úy Trương Tấn Thương (tổ trưởng), đại úy Trần Trung Hiếu, Trung úy Nguyễn Hoàng Minh, Thiếu úy Trần Văn Lượng đang tuần tra tại ngã tư giao lộ Trần Văn Giàu và đường Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) bỗng phát hiện 1 nam thanh niên điều khiển xe mô tô mang BKS: 66N5-8302 ra tay cướp điện thoại di động của một người phụ nữ rồi chạy với tốc độ cao. Đúng lúc, tổ công tác nghe tiếng tri hô liền dùng xe công vụ đuổi theo chặn đầu xe khiến đối tượng lúng túng té ngã xuống đường.

Thấy đối tượng bò dậy tiếp tục rồ ga bỏ chạy, Thượng úy Thương liền chạy bộ đuổi theo, khống chế được đối tượng bàn giao cho công an xã Lê Minh Xuân. Tại trụ sở công an đối tượng khai tên Nguyễn Ngọc Tuyền (SN 1982, quê tỉnh Long An). Đáng nói, trong quá trình giằng co với tên cướp nhiễm HIV, thượng úy Thương phát hiện ngón tay phải của mình bị chảy máu nên nhờ đồng đội chở xuống Bệnh viện Nhiệt Đới TP HCM băng bỏ vết thương và uống thuốc phơi nhiễm.

Gần 1 tuần uống thuốc chống phơi nhiễm sau khi cùng đồng đội truy đuổi tên cướp nghi nhiễm HIV, dù được chỉ huy cho nghỉ phép để điều trị nhưng với cương vị của người chiến sĩ công an, Thượng úy Thương vẫn luôn có mặt tại đội để cùng anh em họp bàn lên phương án tuần tra, kiểm sóat trên địa bàn. “Một người chiến sĩ công an nhân dân là phải “vì nước quên thân vì dân phục vụ” nên bắt cướp như 1 thói quen có sẵn trong máu của anh em công an chúng tôi. Ra đường người dân còn quyết liệt bắt cướp, huống hồ chúng tôi là cảnh sát, vậy nên không có gì là hối hận sau những gì đã xảy ra”, Thượng úy Thương nói.

Không hối hận nhưng Thượng úy Thương thừa nhận hơi buồn vì ít có cơ hội gần gũi vợ con như lúc trước. “Mấy hôm trước khi làm nhiệm vụ về nhà 2 bố con thường ôm hôn nhau thắm thiết nhưng giờ phải hạn chế vì sợ cháu bị ảnh hưởng. Có lần con hỏi, ba bị bệnh hay sao mà không dám hôn con, lúc đó mình chỉ biết nói dối rằng ba bị bệnh nên không chơi với con được…”, Thượng úy Thương trầm ngâm.

Cũng theo Thượng úy Thương, nhiều lần chứng kiến chồng bắt cướp chảy máu đầm đìa, vợ anh không 1 lời than vãn mà chỉ động viên chồng lần sau bắt cướp phải cẩn thận. Lần này bắt cướp bị nghi nhiễm HIV phải uống thuốc chống phơi nhiễm, thấy vợ buồn anh thương lắm nhưng biết trách nhiệm của mình nên anh chỉ biết động viên vợ.

“Khi bắt cướp tôi không nghĩ cho bản thân mà chỉ nghĩ cho người dân, vì họ luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào người chiến sĩ công an. Có nhiều vụ tôi phải chạy xe với tốc độ hơn trăm km/h mới bắt được cướp, khi tên cướp bị áp giải về trụ sở công an tôi cảm thấy rất vui vì thành tích đạt được. Mấy hôm nay được lãnh đạo phòng, chỉ huy đội đến thăm hỏi động viên tôi rất vui và tự hứa với lòng mình sau khi khỏi bệnh, nếu gặp cướp tôi cũng hành động tương tự”, Thượng úy Thương khẳng định.

Khắc tinh của tội phạm

Hơn chục năm công tác trong ngành công an, đến nay thành tích bắt cướp và những đối tượng buôn lậu của Thượng úy Trương Tấn Thương rất đáng nể phục. Có thể nói, Thượng úy Thương là “khắc tinh của tội phạm” đường phố Sài Gòn khi cùng nhiều đồng đội bắt giữ những tên cướp táo tợn, thậm chí dính cả HIV.

Điển hình là chiều 7/6/2012, Thượng úy Thương (lúc đó là thiếu úy đang công tác tại đội trật tự phản ứng nhanh Công an quận 6) cùng trung úy Phạm Công Phan (công tác tại Công an phường 10, quận 5) trên đường đi học về tại ngã ba Rạch Chiếc (quận Thủ Đức) thì nghe tiếng tri hô “cướp, cướp” của một cô gái trẻ, liền sau đó anh nhìn thấy 1 đối tượng chạy xe tay ga với tốc độ kinh hoàng hướng về trung tâm thành phố nên đuổi theo.

Hai tên cướp thấy người truy đuổi liền rồ ga tháo chạy bạt mạng, lạng lách vào dòng xe cộ đông đúc hòng trốn thoát. Hai chiến sĩ Thương và Phan quyết định vặn tay lái chạy sang phần đường dành cho ô tô để đón đầu bắt bằng được tên cướp giật. Đến dốc cầu Sài Gòn, anh Thương nói đồng nghiệp dừng xe rồi băng qua đường chặn đầu xe khiến tên cướp té ngã xuống đường. Ngó trước nhìn sau không thấy đường thoát, tên cướp liều mình nhảy xuống sông Sài Gòn bỏ trốn.

Thượng úy Thương chỉ kịp cởi đôi giày liền nhảy từ trên cầu xuống dòng sông để bắt cướp. Hơn 2 tiếng đồng ngụp lặn tìm kiếm, cuối cùng anh Thương phát hiện tên cướp đang lẩn trốn tại một đám lục bình dưới dòng sông. Lúc này, người dân vì cảm phục trước sự dũng cảm của người chiến sĩ cảnh sát trẻ tuổi, chèo ghe ra sông phối hợp cùng anh Thương bắt giữ đối tượng giao cho Công an quận 2 xử lý.

Khi được hỏi, lần tới nếu gặp tên cướp nhiễm HIV thì anh có tiếp tục bắt cướp nữa không? Thượng uý CSGT Thương nở nụ cười đôn hậu nói: “Đi đâu mà gặp tội phạm là chúng tôi đều phải có nhiệm vụ bắt giữ”. 

Với những thành tích trên, Thượng úy Trương Tấn Thương nhiều lần được nhận giấy khen trong công tác tham gia phòng chống tội phạm của giám đốc Công an TP HCM.

Thiếu tá Đào Văn Út – Đội trưởng đội CSGT Phú Lâm cho biết, Thượng úy Trương Tấn Thương là người sống hòa đồng, luôn giúp đỡ các anh em trong đơn vị. “Trong công việc, đồng chí Thương rất trung thực và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng chí được đồng đội rất yêu mến, nể phục vì thành tích bắt cướp trong nhiều năm công tác trong ngành công an”.

Top