Doanh nghiệp dang tay giúp đỡ người sau cai nghiện

16/01/2015 11:46

Với nhận thức “doanh nghiệp và cộng đồng cùng dang tay giúp đỡ những người đã có một thời lầm lỡ, tạo cho họ có cơ hội làm lại cuộc đời”, đã có một số đơn vị kinh tế tiếp nhận, sử dụng lao động là người sau cai vào làm việc giúp họ hoà nhập cộng đồng.

Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng xe gắn máy Tuấn Khiêm thuộc doanh nghiệp Tuấn Khiêm (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng là nơi đã và đang giúp nhiều thanh niên nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm sửa chữa bảo dưỡng xe gắn máy Tuấn Khiêm đã nhiều năm giúp đỡ tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

Anh Nguyễn Thế Duy, người quản lý của trung tâm cho biết, doanh nghiệp Tuấn Khiêm được tiếp quản Câu lạc bộ B93(CLB của những người sau cai nghiện) phường Mai Dịch với mô hình dạy nghề sửa chữa, bảo dưỡng xe gắn máy giúp các em sau cai nghiện ma tuý tái hoà nhập cộng đồng từ năm 2006.

"Ban đầu nhận các em sau cai vào làm chúng tôi cũng có chút nản lòng, bởi các em rất mặc cảm với xã hội, thường nói những từ ngữ rất thù hận với cuộc đời. Đi làm có em vẫn ngái ngủ. Phía khách hàng khi biết thợ của trung tâm một số từng nghiện ma túy thì tỏ thái độ thiếu tin tưởng về tay nghề”, anh Duy cho hay.

Trung tâm đã rất trăn trở, phải làm thế nào để giải quyết những thách thức, khó khăn để vừa kinh doanh hiệu quả vừa dạy nghề cho các em và quan trọng hơn cả là bằng mọi cách phải giúp cho các em có một cái nghề, một mức lương phù hợp để ổn định cuộc sống, hoà nhập cùng toàn xã hội.

“Lãnh đạo doanh nghiệp họp lại, nhận định rằng nếu không dạy nghề, tạo cho các em một công việc có thu nhập để ổn định cuộc sống, họ rất dễ nhớ về con đường cũ. Một khi họ còn nghiện thì người dân quanh đây vẫn còn bất an", anh Duy nói.

Có thời điểm trung tâm nhận bốn người sau cai làm việc, tính cách mỗi người rất khác nhau, trung tâm tạo niềm tin cho họ bằng cách bố trí làm chung với anh em lành nghề, đầu tiên là phụ việc, sau đó nâng cấp dần về chuyên môn. Họ được bố trí ăn, ở, sinh hoạt cùng các thanh niên khác, để tạo cảm giác nơi đây như người trong một nhà.

Trung tâm cũng kết hợp với công an phường, gia đình giám sát quản lý giờ giấc của các em. Đề cao thưởng nóng bằng hiện vật những em có thành tích tốt. Trung tâm còn kết hợp với một doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sanyyang moto của Đài Loan (Trung Quốc), tạo điều kiện cho các em được tham gia những khóa đào tạo huấn luyện, nâng cao kỹ năng, sửa chữa xe gắn máy, cuối khóa học được cấp giấy chứng nhận kỹ thuật viên. Bên cạnh đó khuyến khích các em làm việc lâu dài tại trung tâm, mức lương được nâng lên theo tay nghề.

Anh Vũ Đức Cảnh và Trịnh Quang Hải trước nghiện ma tuý “nặng”. Khi từ Trung tâm cai nghiện về địa phương, được CLB B93 và Trung tâm Tuấn Khiêm tạo điều kiện học nghề, các anh đã tự tin làm lại cuộc đời. Hiện Cảnh và Hải đã có công ăn việc làm ổn định và xây dựng gia đình hạnh phúc.

Là một trong số rất ít doanh nghiệp trên cả nước tạo việc làm cho người sau cai nghiện, Doanh nghiệp Tuấn Khiêm tự hào đã đóng góp một phần nhỏ bé vào chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và toàn xã hội là giúp các em được tái hoà nhập cộng đồng, có cuộc sống lành mạnh cho các em sau cai nghiện.

Báo cáo của các tỉnh, thành phố và khảo sát của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2012, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 85% trong tổng số 471.000 doanh nghiệp đăng ký tại Việt Nam. Có nhiều tỉnh, thành phố có hàng nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có một hoặc hai doanh nghiệp tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Nhiều tỉnh báo cáo không có doanh nghiệp nào hỗ trợ cho công tác này. Trung bình hàng năm giai đoạn 2006-2010, chỉ có khoảng 6% người sau cai được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tạo việc làm (3.000/50.000 lượt người) tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa...

 

Top