Đó là tình mẹ…

13/03/2012 09:26

Không mang nặng, đẻ đau, không chung máu mủ, nhưng công lao dưỡng dục của những người mẹ nuôi ở Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội số 2,Yên Bài, Ba Vì, Hà Nội (Trung tâm số 2) còn lớn hơn cả tình cốt nhục. 70 trẻ em nhiễm HIV bị cha mẹ bỏ rơi, nhưng may mắn được các mẹ ở đây thương yêu, cưu mang với một tình yêu vô bờ bến.

"Không có gì ngoài tình yêu thương"

Các mẹ nuôi đại đa số đã từng là học viên ở trung tâm (nghiện ma túy, hành nghề mại dâm, nhiễm HIV) khi hết thời hạn tự nguyện ở lại trung tâm chăm này sóc con trẻ. Tuy nhiên cũng có trường hợp mẹ nuôi là người ở ngoài vào như chị Lê Thị Thu (47 tuổi) ở Tuyên Quang. Chị không may nhiễm phải căn bệnh thế kỷ từ người chồng làm nghề lái xe. Trong một lần xem chương trình tivi chiếu về trung tâm, đồng cảm với số phận của các trẻ, chị tình nguyện tìm đến xin làm mẹ nuôi. Nhiều người phụ nữ từng tình nguyện ở lại trung tâm nhưng "được vài hôm thì chán nản bỏ về" là chuyện không hiếm. Vậy mà chị đã gắn bó với nơi này gần chục năm. "Nhiều lúc cũng chán, cũng muốn bỏ về, nhưng cứ xa các con là lại nhớ lắm", - chị Thu tâm sự. Có lần các con nghịch quá chị doạ bỏ về. Các con cuống lên "mẹ mà về thì ai nấu cơm cho chúng con ăn…". Nghe thế chị lại thương, lại thấy gắn bó và muốn ở lại.

Còn chị Nguyễn Thị Lập (53 tuổi), ở Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chị từng là học viên cai nghiện ở trung tâm. Sau thời gian cai nghiện bắt buộc, chị tình nguyện nộp đơn xin ở lại. Mặc dù con cái đã trưởng thành, luôn khuyên mẹ trở về an hưởng tuổi già. Chị giãi bày: "Sống với các cháu đã lâu, nảy sinh nhiều tình cảm nên bây giờ không bỏ các cháu được".

Mẹ nuôi Lê Thị Thu đang chia cơm cho các con.

Các mẹ nuôi đến với các con vì tình thương, ở lại với các con cũng vì tình thương. Chị Lập nhớ mãi hình ảnh cháu bé bị bỏ rơi ở Bệnh viện Nhi Trung ương khi mới được 2 tháng rưỡi trong tình trạng vừa bị nhiễm HIV, vừa bị viêm phổi, vừa bị nhiễm trùng nặng với 2 vết thương ở đầu và ở mông gây lở loét. Bé không bú được, hơi thở yếu.

Sau khi được trung tâm giao trực tiếp chăm sóc cháu, chị đã không quản ngại khó khăn mà nhận ngay nhiệm vụ. Chị đi tìm lá trầu không và chè tươi để cầm vết thương cho cháu. Với nỗ lực của chị và mọi người, ba tuần sau vết thương kín miệng. Mười mấy ngày sau bé tăng được 700g. Từ khi được chữa lành vết thương, bé ăn khoẻ và còn tự bú được, da dẻ hồng hào trở lại. Sức sống của đứa bé quả là kỳ diệu. Chị Lập cho rằng đó là một trong những quãng thời gian chị hạnh phúc nhất, bởi lẽ mỗi ngày thức dậy chị lại nhận thấy nỗ lực cứu sống sinh linh bé bỏng ấy của mình được đền đáp…

Người mẹ ở trung tâm không chỉ chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho các con mà còn là chỗ dựa tinh thần, kịp thời động viên các con lúc các con hờn tủi. Chị Lập còn nhớ kỷ niệm, có lần Tết đến, trong khi một số trẻ được gia đình đón về ăn Tết thì một cô bé (còn mẹ nhưng mẹ không đến) tủi thân chạy về phòng đóng chặt cửa khóc. Cháu nói rằng, mẹ ơi con không cần tiền, không cần gì cả, con chỉ cần mẹ thôi, mẹ lên đón con về mấy ngày… Chị kịp thời gần gũi tâm sự, an ủi, rồi tìm cách bù đắp cho cháu nguôi ngoai đi nỗi buồn. Vì mỗi khi nghe tiếng khóc thảm thương của cháu, chị không thể nào cầm được nước mắt.

Mong muốn trẻ được quan tâm, hoà nhập cộng đồng

Chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng chăm sóc nuôi dưỡng trẻ, Trung tâm số 2 cho biết: "Trẻ em ở đây vốn trong người có bệnh, nên chỉ cần thay đổi thời tiết, các con dễ mắc các bệnh về đường hô hấp. Việc dùng thuốc ARV có tác dụng phụ ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan, thận, phát triển trí tuệ của trẻ".

Hiện thành phố đang hỗ trợ cho mỗi trẻ hơn 800.000 đồng/tháng. Nhưng thực tế tiền ăn mỗi tháng của trẻ thường phải chi từ 1,5 - 2 triệu, chưa kể các chi phí khác, khiến cho điều kiện vật chất của các cháu khá chật vật. Trung tâm đã huy động sự đóng góp của cán bộ, anh chị em học viên, nhà hảo tâm, nhưng vẫn chưa đủ. Những khu nhà ở chỉ đáp ứng cho khoảng 10 cháu, nhưng hiện tại con số này đã tăng lên gấp rưỡi. Những cháu tuổi độ tiểu học không được hoà nhập cộng đồng, chỉ được chào cờ cùng các bạn ở Trường Tiểu học Yên Bài. Sau đó còn lại phải vào Trung tâm để học ghép nhiều lớp.

Chị Lập bày tỏ: "Mình chỉ mong các cháu được các tổ chức quan tâm, để có thêm điều kiện vật chất kéo dài sự sống. Các cháu phải uống thuốc ARV, nhưng nếu không có thêm chất bồi bổ thì sẽ rất hại sức khoẻ".

Hằng ngày, những người mẹ ở trung tâm này vẫn hy sinh, vẫn âm thầm tình nguyện góp sức mình chăm sóc, nuôi dưỡng những mảnh đời bé bỏng, bất hạnh. Chúng tôi xin gửi tới các chị lời chúc sức khoẻ, niềm vui và hạnh phúc. Với xã hội, các chị là những người phụ nữ đáng được tôn vinh.

Top