‘Cứu tinh’ của người nhiễm HIV

09/08/2017 17:06

Những năm 2005, 2006, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS bùng phát trên địa bàn huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Khi ấy xã hội còn kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV đến nghiệt ngã thì y sỹ y sỹ Hà Đức Hoan, Trưởng phòng Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện vẫn luôn coi họ như người thân thiết.

Ông Hà Đức Hoan (giữa) cùng với các thành viên xem lại tư liệu hoạt động của nhóm Giáo dục đồng đẳng

Với những người nhiễm HIV/AIDS, bác sĩ Hoan như vị cứu tinh, không chỉ chữa bệnh mà chữa lành cả những nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn.

Cảm hóa bằng tình thương

Ông Trần Hoàng Anh, thôn Bình Ca, xã Thái Bình, Trưởng Nhóm Giáo dục đồng đẳng (GDĐĐ) nhớ lại chuyện cũ: “Bác Hoan giấu tôi việc tôi nhiễm HIV và làm công tác tư tưởng cho tôi dần dần bằng sự kiên trì, nhẫn nại hiếm có. Trong khoảng 2 năm liền, bác đến nhà, rủ tôi đi cùng bác đến nhà những người mắc HIV; cùng ăn cơm, cùng uống nước với họ. Bác thăm hỏi, tư vấn hướng dẫn người mắc bệnh cách phòng, tránh lây nhiễm, động viên họ cố gắng vươn lên. Đến khi biết mình mắc bệnh, tôi bỏ nhà đi làm xa, bác Hoan thường xuyên gọi điện hỏi han. Tôi bị bác thuyết phục bằng sự cảm thông, chân thành”.

Toàn huyện Yên Sơn có 244 người bị nhiễm HIV/AIDS, đã có 116 người tử vong. Trong đó, không có ai là ông không biết mặt, biết nhà, biết từng hoàn cảnh, thấu hiểu nỗi niềm của từng người. Là thầy thuốc chữa cho bệnh nhân mắc bệnh xã hội, ông Hoan phải tìm đến người bệnh trước khi họ tìm đến mình với nhiệm vụ xác minh, thăm hỏi, tư vấn, tuyên truyền phòng chống lây nhiễm từ bệnh nhân và từ cơ sở; chăm sóc, điều trị ARV.

Song hành trình ấy không hề dễ dàng, đa phần người nhiễm HIV là đối tượng nghiện ma túy và vợ của họ. Khi biết mình bị nhiễm HIV, họ giống như con thú bị thương, rơi vào trạng thái suy sụp, bất cần. Họ sợ sự kỳ thị của xã hội, gia đình nên việc tiếp cận rất khó khăn. Nhiều người nhiễm HIV ở vùng sâu, vùng xa, khi ông Hoan tìm đến nơi đã mất cả buổi. Nếu họ hợp tác thì công việc thuận lợi biết bao nhiêu nhưng có người họ mặc cảm rồi trốn chạy hay có tư tưởng cực đoan thì vất vả thêm bội lần.

Trước năm 2006, khi chưa có thuốc kháng HIV nhưng bác sĩ vẫn thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV. Khi đó, tuy có đôi chút e dè, song bác sĩ luôn đau đáu, bằng mọi cách phải cảm hóa họ bằng tình yêu thương và sự chân thành; cần phải nâng cao ý thức cộng đồng, giúp những người nhiễm HIV vượt qua mặc cảm để sống có ích hơn...

Năm 2009, nhóm Giáo dục đồng đẳng của huyện thành lập theo Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS với 10 thành viên. Dưới sự điều hành của ông, nhóm đã làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về phòng, chống HIV ở nhiều xã, nhiều trường học, đi phát bơm kim tiêm, kết nạp thêm nhiều thành viên mới, thậm chí 1 số thành viên là người bình thường viết đơn xin gia nhập nhóm. Ông cùng các thành viên trong nhóm làm những việc mà không ai dám làm, kể cả gia đình người bệnh, đó là chăm sóc người HIV giai đoạn cuối. 

Xem lại những bức ảnh, video ghi lại hoạt động của nhóm trong suốt thời gian qua, chúng tôi thấy thành viên của nhóm đã tự tin khi khoác trên mình chiếc áo “đồng đẳng” trên mọi hành trình họ đặt chân đến. Từ 2009 đến nay, ông đều tham mưu, tổ chức cho nhóm đi giao lưu với người nhiễm HIV ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng. Đặc biệt, trong 3 năm (2013, 2014 và năm 2015) đã đánh dấu bước ngoặt của nhóm khi ông Hoan đã trực tiếp kết nối, giao lưu, tổ chức tuyên truyền và kết nghĩa với Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng, chống HIV/AIDS quận Lê Chân (Hải Phòng) mà chị Phạm Thị Huệ - Anh hùng Châu Á là người đứng đầu. Sau những cuộc gặp gỡ ấy đã thực sự đem lại luồng sinh khí mới cho 35 thành viên, tiếp lửa cho họ sống tốt hơn. 

Năm 2013, ông tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thành lập Câu lạc bộ phòng, chống HIV/AIDS tại các xã, thị trấn. Hiện đã có 26 Câu lạc bộ ra đời. Câu lạc bộ nào ra mắt đều có thành viên của nhóm Giáo dục đồng đẳng đến tuyên truyền, chia sẻ những câu chuyện, tâm tư của họ. Từ năm 2009 đến nay, ông cũng tham mưu UBND huyện quan tâm, tặng quà cho con của bệnh nhân nhiễm HIV vào dịp 1/6 và Tết Nguyên đán. Ông còn làm việc không phải trách nhiệm của mình, đó là chủ động liên hệ, tham mưu với cơ quan chuyên môn để bệnh nhân HIV có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội.

Với những đóng góp của mình trong công tác phòng chống HIV/AIDS, đã 3 lần ông được UBND tỉnh khen thưởng, 3 lần được nhận Bằng khen của Bộ Y tế. Song điều đó chẳng thể hạnh phúc bằng những bệnh nhân mà ông vẫn coi như “cháu gái”, “cháu trai”, “em trai” của mình vượt qua cơn bĩ cực, làm lại cuộc đời. 

Phép màu nhiệm của cuộc sống

Chị Nguyễn Thị Thắng, thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận nói về ông Hoan với sự kính trọng: “Tuy chú Hoan không sinh ra tôi nhưng gia đình tôi coi chú như người cha thứ 2, sinh ra tôi lần thứ 2”. Chị Thắng lây nhiễm HIV từ chồng. Ngày biết tin, chị đau đớn tột cùng, chị nghĩ mình sắp chết. Ngày xuống gặp nhóm Giáo dục đồng đẳng, chị gầy gò, xanh xao, ngồi lặng lẽ 1 góc, không dám nói chuyện với ai. Nhưng chị thấy lòng mình ấm lại vì thấy ai ai trong nhóm đều khỏe mạnh, lạc quan, vui vẻ.

Ông Hoan đã luôn bên cạnh, động viên chị điều trị bệnh theo đúng phác đồ, sức khỏe chị tốt dần lên. Rồi người chồng của chị giờ đây đem lòng yêu thương chị. Chị được làm mẹ, những người chị yêu thương vẫn khỏe mạnh. “Năm 2014, tôi sinh con. Ngày trở dạ đúng vào ban đêm, gia đình tôi gọi cho chú, chú lo cho tôi mọi thủ tục ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chú đợi tin mẹ tròn con vuông rồi mới về” - chị Thắng xúc động kể.

Sau chị Thắng, nhiều bệnh nhân nữ nhiễm HIV mới dám sinh con. 100% trẻ không bị lây nhiễm. Chị Đ.T.D, anh Đ.V.Q, xã Tân Long xúc động, cách đây chục năm, con trai 4 tuổi của chị bị ốm, đi cấp cứu ở bệnh viện, bác sỹ kết luận bị nhiễm HIV thì mới ngỡ cả hai vợ chồng bị nhiễm. Anh Q bất cần, càng đắm sâu trong ma túy vì nghĩ mình sắp chết. Rồi, ông Hoan đến vận động cả 2 vợ chồng anh vào nhóm Giáo dục đồng đẳng, điều trị ARV, tiếp cho vợ chồng anh chị niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn. Giờ anh Q đã cai được nghiện, chị D đã sinh được cậu con trai khỏe mạnh. Vợ chồng anh sức khỏe ổn định, tập trung phát triển kinh tế trang trại. Gia đình nhỏ lúc nào cũng rộn tiếng cười. 

Chung bữa cơm với ông Hoan và những thành viên của nhóm Giáo dục đồng đẳng, chúng tôi cảm thấy niềm hạnh phúc bất tận của những con người đã từng muốn chết, từng đau khổ vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Ai nấy đều bảo, tư tưởng rất thoải mái, mặc dù có bệnh nhưng không nghĩ rằng mình mắc bệnh. Có lẽ, đó là thành quả lớn nhất sau bao nhiêu nỗ lực, nhọc nhằn của ông Hoan. Nếu không có ông, chắc chắn nhóm đã tan rã từ lâu, nhiều thành viên của nhóm không thể sống đến ngày hôm nay.

Toàn huyện hiện có 98/128 bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị ARV, số còn lại điều trị tại các cơ sở y tế khác. Đa phần bệnh nhân đều là hộ nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ông đã làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc như lời Bác Hồ đã từng dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Nhưng nhiều đêm ông vẫn mất ngủ vì trăn trở với những mảnh đời của bệnh nhân HIV nghèo và mong sao, các cấp, các ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa tới người nhiễm HIV để họ vơi bớt khó khăn, tự tin hòa nhập cộng đồng. 

Top