Cuộc đời vị bác sĩ nhiễm HIV từ phạm nhân

31/08/2015 13:00

Bị nhiễm HIV từ bệnh nhân, sau đó người vợ tự tử do quá sốc anh đã phải gửi con thơ về quê cho ông bà nội chăm sóc… Chừng đó nỗi đau tưởng chừng như quật ngã Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, bác sĩ trại giam Thủ Đức Z30D (Bình Thuận) nhưng anh vẫn kiên cường vượt qua.

Cuộc đời Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh giống như thước phim buồn nhưng lại gieo vào lòng người xem sự nhiệt huyết, cháy bỏng trước bão tố cuộc đời.

Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh

Những biến cố lớn trong đời…

Tâm sự về cái ngày định mệnh ấy, với đôi mắt đượm buồn, anh Ánh cho hay, năm 2001, anh chữa trị cho phạm nhân Bùi Văn Phú nhiễm HIV. Phú đang bị nhiễm ở giai đoạn cuối nên chán nản và luôn tự hành hạ bản thân mình. Hôm đó, Phú lên cơn và dùng dao cắt tay, rạch bụng, cắn lưỡi mình... rồi cho máu vào ca đá. Anh Ánh đứng gần đó khuyên bảo thì Phú cầm ca máu hất mạnh vào mặt anh.

Lúc đó, anh không nghĩ rằng việc máu của người nhiễm HIV hất lên người mình lại có thể bị nhiễm HIV nên anh không đi điều trị phơi nhiễm. Đến tháng 7/2004, khi vợ anh sinh một bé gái tại bệnh viện 30/4 (TP.HCM), bác sĩ gọi anh lên xét nghiệm đến 3 lần. Khi bác sĩ đề nghị anh đến bệnh viện lần thứ tư, anh mới biết hai vợ chồng bị nhiễm HIV.

“Cảm giác lúc đó thật đáng sợ. Mình cũng là con người nên dù có cứng rắn đến đâu thì khi nghe kết quả ấy cũng choáng váng, đầu óc trống không còn suy nghĩ gì. Bước ra khỏi phòng bệnh, tôi khóc tức tưởi như một đứa trẻ”, anh Ánh rơm rớm nước mắt nói. Lúc đó trong đầu anh chỉ nghĩ đến cái chết.

Sau đó vợ anh không vượt qua được cú sốc lớn nên đã tự tử. Mất vợ, lo con bị nhiễm, không biết bao lần anh có ý định theo vợ, nhưng vì nghĩ đến đứa con gái đang sống như trẻ mồ côi ở Trung tâm bảo trợ xã hội Tam Bình (TP.HCM) khiến anh từ bỏ ý định. Điều may mắn và nguồn an ủi lớn nhất cho anh là con anh đã không nhiễm HIV từ mẹ. Hằng tháng anh đều xuống trung tâm thăm con. Mỗi lần đi các cán bộ ở trại phải đi chung vì sợ anh thương xót con quá rồi nghĩ quẩn.

Anh Ánh tâm sự: “Con tôi sinh ra phải chịu nhiều thiệt thòi, chưa được nhìn thấy mặt mẹ và chưa từng được bú sữa mẹ”.

Thời gian đầu, khi mọi khổ đau bất ngờ ập đến, anh Ánh sống như cái xác không hồn, sống khép kín, không chịu tiếp xúc với ai, chỉ khóa cửa ở trong phòng làm việc. Mất hơn 2 năm, anh Ánh mới tĩnh tâm để trở lại cuộc sống đời thường. Từ một người đán ông khỏe mạnh hơn 60 kg, sau biến cố anh Ánh sụt còn còn 40 kg khiến cơ thể anh khô héo đi từng ngày.

“Mang căn bệnh như treo án tử thế này hoang mang lắm dù đồng đội luôn quan tâm, chia sẻ với tôi. Thấy tôi buồn, vào buổi chiều anh em lại gọi tôi qua nhà ăn cơm để vợi bớt cô đơn. Nhưng sự thực đó là dao hai lưỡi. Thấy gia đình bạn hạnh phúc mình cũng tủi thân, lại buồn rồi lại nghĩ quẫn”, anh Ánh nói.

Không bao giờ oán trách

 

Dù căn bệnh thế kỷ đã làm “nát” gia đình bé nhỏ của anh, nhưng anh Ánh không oán trách người đã khiến anh bị nhiễm HIV. Phạm nhân Phú sau một thời gian mắc bệnh HIV đã qua đời, hiện mộ vẫn còn nằm trong khuôn viên trại Z30D. Thỉnh thoảng anh Ánh vẫn ra thăm mộ của Phú và thắp cho người đã khuất một nén nhang.

 

“Đôi khi tôi thấy buồn cho số phận của mình chứ không bao giờ trách móc. Để đào tạo và bắt một con người nhận tội đã khó nhưng để cảm hóa, gột rửa những tội lỗi để trở thành một con người lương thiện càng khó hơn. Vậy thì oán hận làm gì, có làm cho người ta hết bệnh, có làm cho người ta thanh thản hơn đâu”, anh Ánh chia sẻ.

 

Anh Ánh nói bản thân anh dùng nghị lực của mình, nỗi đau mình từng trải qua để chia sẻ với các bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối mỗi khi thấy họ thiếu động lực sống. Đối với anh, phạm nhân đơn giản chỉ là những bệnh nhân đang cần được chăm sóc sức khỏe, cần một bác sĩ “lương y như từ mẫu” nên chưa bao giờ anh coi họ là kẻ phạm tội.

 

Nhận xét về Thiếu tá Nguyễn Quang Ánh, ông Nguyễn Văn Đô, Trưởng phân khu 3, trại giam Z30D nói: "Anh Ánh là người sống rất có trách nhiệm với đơn vị, với đồng đội và với ngay bản thân mình. Anh là người có ý chí nhất mà tôi từng gặp".

 

Thường vào mỗi buổi tối, anh Ánh đều gọi điện thoại cho con gái mình. Nay con anh đã 12 tuổi, học giỏi và ngoan ngoãn. Cháu biết anh nhiễm HIV nên thường hỏi thăm bố và mong chờ bố về thăm. Anh Ánh kể, mất mẹ từ sớm nhưng bù lại, con anh có nhiều người thương. Mỗi lần gặp ai thấy thích, cháu đều gọi là mẹ. Nhưng thỉnh thoảng anh về thăm, con gái bé bỏng thì thầm với bố: “Con gọi mẹ vậy thôi chứ trong tim con chỉ có một mẹ duy nhất. Đó là mẹ đã sinh ra con”.

 

Chia sẻ về cảm xúc của mình, anh Ánh cho hay, anh sợ nhất những lần về quê thăm con bởi những lần đó anh sợ đó là lần cuối cùng được gặp con. Mỗi lần xách va li về đơn vị, quay lưng bước đi là nước mắt anh không ngừng rơi bởi thương cho con gái bé bỏng của mình. Anh chỉ mong khi con lớn sẽ thấu hiểu sự hy sinh của bố mẹ và tự hào vì những gì bố đã trải qua, vươn lên.

 

Anh Ánh cho biết: “Để con sống với ông bà nội là để cháu không bị tổn thương và có môi trường sống tốt, có thể hòa nhập với bạn bè xã hội. Giờ tôi chỉ mong mình đủ sức khỏe để tiếp tục sống tốt, có ích và gắn bó với anh em, đồng đội”.

 

Hiện tại, anh Ánh đã có người cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, là nguồn động viên lớn đối với anh và mang lại hạnh phúc cho anh và con gái anh. Thời gian anh Ánh nằm viện điều trị, chị V., một người bạn của anh thời còn học Cao đẳng Y tế Bình Thuận đã tình nguyện chăm sóc anh. Sau đó, giữa hai người nảy nở tình cảm. Đến nay họ đã gần 5 năm sống hạnh phúc bên nhau ở khu tập thể đơn vị.

 

Anh Ánh kể chuyện hai người đến với nhau gặp phải sự phản đối quyết liệt của gia đình hai bên. Gia đình anh Ánh nghĩ anh bị bệnh hiểm nghèo, nếu kết duyên, sống với nhau sau này sẽ trở gánh nặng cho chị V. Còn gia đình chị V. ban đầu nghĩ “con mình bị điên” khi không dưng mạnh khỏe lại chịu về sống với người bệnh tật. Nhưng rồi sự chân thành và kiên trì của hai người đã thuyết phục được gia đình hai bên.

“Hồi xưa đi học, có thời gian dài chúng tôi đều hoạt động đoàn nên hiểu hết tình nết của nhau. Vợ tôi từng một lần hôn nhân đổ vỡ, mất mát nên khi đến với tôi cô ấy có được sự cảm thông... Con gái tôi rất quý V. và gọi cô ấy là mẹ. Con gái tôi bây giờ đã có mẹ”, anh Ánh nói, đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc.

Top