Chuyện về người bác sỹ chuyên theo đuổi ước mơ với bệnh nhân

29/02/2016 09:34

Những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ thường gọi ông bằng “bá”. Thoạt đầu, họ nhìn ông từ rất xa, kính cẩn và nghi hoặc. Nhưng những lần gặp sau, họ đã cầm tay, ôm ông như người cùng một gia đình.

Tình cảm của họ đối với ông hơn cả sự ngưỡng mộ, đó là lòng tin. Giúp được bệnh nhân của mình có thể trở lại với cuộc sống đời thường, ông cảm thấy rất sung sướng và hạnh phúc. Bác sỹ Ngô Việt Hùng, chuyên gia về các bệnh nhiễm trùng và nhiệt đới, nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) tâm sự với chúng tôi như vậy.

Bác sỹ Ngô Việt Hùng

Cả đời theo đuổi một ước mơ

Bác sỹ Ngô Việt Hùng, một cái tên không còn xa lạ với những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS của Hải Phòng. Quả thực, ông ít nói về bản thân cũng như không muốn dùng những từ hoa mỹ để nói về nghề nghiệp mình đang làm. Khi nghe tôi đề nghị viết về ông, ông chỉ cười và nói rằng: "Tôi thấy những việc mình làm là cần thiết cho cuộc sống chứ không mong sự nổi tiếng hay vụ lợi”. Rồi ông kể ngắn gọn về quãng thời gian bắt đầu thực hiện trách nhiệm của hai người thầy: Thầy thuốc và thầy giáo.

Bác sỹ Hùng tốt nghiệp đại học Y Hà Nội năm 1973. Tháng 2/1974, ông được điều về công tác tại trường trung học Y tế Hải Dương nay là trường đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương vừa làm thầy thuốc vừa làm thầy giáo.

"Hồi đó chưa có chương trình tiêm chủng mở rộng và thuốc kháng sinh cũng rất ít nên tôi đã phải chứng kiến nhiều cái chết mà ngày hôm nay y học có thể cứu sống một cách đơn giản. Tôi được tiếp xúc với y học thế giới qua những tài liệu rất muộn màng của Liên Xô (cũ), bởi tôi biết tiếng Nga. Nhưng ngày đó không ai dạy tôi phải dùng kháng sinh thế nào cho đúng. Chúng tôi điều trị theo kinh nghiệm của các bác sỹ đi trước và trải nghiệm của bản thân. Phương pháp truyền dịch cho bệnh nhân, thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch với tôi là cả một điều không tưởng. Thậm chí không một bác sỹ đàn anh nào có thể đoán được là ngành y tế Việt Nam và thế giới có được những tiến bộ như ngày hôm nay", bác sỹ Hùng nhớ lại.

Đến năm 1984, bác sỹ Ngô Việt Hùng được chuyển về công tác tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng). Đây là một trong những cái nôi của y học miền Bắc lúc bấy giờ. Ông cùng đồng nghiệp của mình vừa làm công tác phòng chống dịch vừa khám chữa bệnh, dạy học trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Cùng năm đó, lần đầu tiên Giáo sư Nguyễn Lung, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Y Hải Phòng và GS. Hoàng Thúc Thùy mang thuật ngữ HIV/AIDS về TP. Hải Phòng. Bác sỹ Ngô Việt Hùng cũng bắt đầu theo đuổi, nghiên cứu về HIV từ đó. 10 năm sau, cuối năm 1994, ông thi đậu vào đại học Aix- Marseille (Pháp). Nguyện vọng đầu tiên khi ông vừa đặt chân lên nước Pháp là học về nhiễm trùng HIV.

Tháng 4/2004, phòng khám ngoại trú cho người nhiễm HIV được thành lập trong khuôn khổ hợp tác với CDC Hoa Kỳ và tổ chức Life-GAP. Người nhiễm HIV đầu tiên ở Hải phòng nhận thuốc điều trị kháng HIV. Bác sỹ Hùng chia sẻ: “Khó khăn chồng chất khó khăn khiến tôi mệt mỏi đến suy nhược. Việc khó nhất là thuyết phục các đồng nghiệp trong bệnh viện quan tâm, chăm sóc cho người nhiễm HIV. Bởi đa số người nhiễm HIV đâu phải chỉ mắc mỗi căn bệnh thế kỷ mà còn mắc nhiều thứ bệnh khác nữa. Nhiều người không hiểu nên nghĩ rằng chúng tôi được hưởng lợi khá lắm từ dự án này. Họ gièm pha, nói cạnh khóe, nhưng tôi im lặng rồi mọi chuyện cũng qua đi. Khi thấy những vẻ mặt hạnh phúc, cơ thể khỏe mạnh hơn của bệnh nhân, thấy các anh chị ấy muốn kết hôn và muốn có con, chúng tôi mừng rơi nước mắt. Còn gì hạnh phúc hơn khi những người mà chúng tôi giúp đỡ đã xua đi mặc cảm bệnh tật tìm lại được chính mình".

Hơn cả sự ngưỡng mộ

Bác sỹ Ngô Việt Hùng nói với chúng tôi rằng, căn bệnh thế kỷ đã làm không ít gia đình tan nát. Chính vì thế, ông muốn mang lại một chút niềm vui đến với những người không may mắn bị nhiễm HIV/AIDS. Đó là một địa chỉ tư vấn và điều trị hoàn toàn miễn phí tại Hải Phòng. Từ khi bắt tay vào công việc, ông luôn coi hơn 8.000 người nhiễm HIV mà mình đã điều trị như chính con, cháu trong nhà. Bởi họ là những người còn rất trẻ, bằng tuổi con trai, con gái của ông. Có khác là họ nhìn thấy cái chết đang chực chờ ngay trước mắt. Ông không muốn nhắc đến tiền công hay bất cứ thứ gì khi họ còn nghèo, khó khăn, còn bị căn bệnh giày vò. Nói đến đây, bác sỹ Hùng bảo: "Sự yêu nghề? – Không đủ. Một trách nhiệm? – Không đủ mà cần phải có trái tim. Ngay lúc này, có một chàng trai gọi cho tôi và nói với tôi rằng: “Bá hãy nói chuyện với mẹ con một phút”. Sẽ không nhiều người chịu nghe những cuộc điện thoại mà không liên quan tới cơm áo gạo tiền của họ. Thế mà chúng tôi vẫn chờ đợi những cuộc điện thoại ấy, coi đó là trách nhiệm của mình".

Đã từng tư vấn và giúp được rất nhiều người nhiễm HIV, bác sỹ Ngô Việt Hùng kể rằng, mình đã gặp phải nhiều trường hợp rất khó giải quyết. Nhưng chính lúc đó, bản thân ông, một chuyên gia tư vấn HIV cũng phải hết sức bình tĩnh để động viên, giúp bệnh nhân vượt qua nỗi sợ hãi. "Có một người đàn bà bị nhiễm HIV bảo với tôi: “Em chán đời lắm”. Tôi bảo: “Sao phải chán, em gắng uống thuốc mà sống để còn đi đưa đám ma tôi chứ”. Cô ấy cười. Khi lại có một chàng trai trẻ: “Bá ơi, con muốn đi tự tử để chuộc lỗi với bu bá (bố mẹ) con”. Tôi gạt ngay: “Ồ, lúc nào leo lên cầu Bính chuẩn bị nhảy xuống thì gọi điện thoại cho bá nhé. Bá sẽ bảo với con là bu bá con sẽ đau buồn biết chừng nào khi con tự tử”. Ngày hôm sau anh ta gọi điện lại: “Bá ơi, con chán không muốn chết nữa” rồi cả hai cùng cười vang. Những cách nói chuyện như thế tôi đã học được từ bạn đồng nghiệp của mình là bác sỹ Bùi Thị Bích Thủy”, bác sỹ Hùng kể.

Trong những năm tư vấn, bác sỹ Ngô Việt Hùng thường xuyên nhận được những câu nói như: “Con sẽ không uống thuốc nữa đâu. Đừng nói gì với con nữa” hay “Con muốn chết, muốn được giải thoát bá à...”. Thế rồi sau khi được nói chuyện với bác sỹ Hùng, họ lại ngoan ngoãn như một người con vâng lời cha vậy. Có nhiều cuộc điện thoại gọi lúc 0h, 1h sáng... Sau những cuộc gọi đó, ông lại trằn trọc không ngủ được. Trong điện thoại, bác sỹ Hùng khi phải nói chuyện dí dỏm, khi phải ân cần động viện, khi phải dọa... nhưng những lời nói đó đều rất chân tình.

Quả thực, ông trời chẳng phụ lòng người. 10 năm trước lúc về hưu, bác sỹ Ngô Việt Hùng nói rằng mình có 5 bác sỹ mà ông gọi là “đệ tử chân truyền” và có nhiều bạn tâm huyết với nghề chăm sóc và điều trị HIV. Giờ đây, ông muốn có thể trả lời thật nhiều điện thoại, viết thư điện tử thật nhiều cho bệnh nhân hoặc đồng nghiệp gần xa. 

Top