Chuyện những người hi sinh giây phút sum vầy để chăm sóc những trẻ em có H ngày Tết

18/02/2018 12:19

Sự thiếu tình cảm của người thân, sự kỳ thị của cộng đồng mà trẻ nhiễm HIV phải đối mặt đã được lấp đầy bằng tình cảm và sự chu đáo từ các nhân viên chăm sóc.

Những người phụ nữ “thép”

Những ngày cuối năm khi mà ai cũng vội vàng để lên xe trở về với gia đình, thì các nhân viên công tác tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) vẫn tất bật với công việc.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội nhớ như in kỷ niệm lần đầu tiên cơ sở nhận chăm sóc trẻ HIV vào năm 2001. Thời điểm đó, không có một cơ sở nào nhận trẻ chăm sóc trẻ có HIV bị bỏ rơi. Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội là nơi đầu tiên xung phong nhận chăm sóc trẻ nhiễm HIV mồ côi. Thời điểm đó, nguồn thuốc rất khan hiếm, trẻ nhiễm HIV không có thuốc điều trị cho nên nguy phơi nhiễm cực kỳ cao.

Những trẻ em nhiễm HIV được chăm sóc tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội

“Trẻ nhiễm HIV giai đoạn cuối thường bị ghẻ, lở, bệnh ngoài da... Lúc đầu, tôi cũng rất sợ bị phơi nhiễm. Nhưng rồi làm mãi cũng không còn sợ, các mẹ ở đây phải ý thức phòng bệnh cho mình. Suốt 17 năm qua, chưa có mẹ nào bị phơi nhiễm HIV từ các con”, bà Thanh cho hay.

Theo bà Thanh, việc chăm sóc một đứa trẻ mang trong mình căn bệnh suy giảm miễn dịch là rất vất vả. Trẻ nhiễm HIV thường xuyên ốm đau và mắc bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nếu như chăm sóc một đứa trẻ bình thường đã khó, thì việc chăm sóc những đứa trẻ nhiễm HIV sẽ gian lao hơn rất nhiều lần. Khi thay đổi thời tiết, trẻ sẽ có thể bị ốm nặng và phải đi viện như cơm bữa. Vì vậy, công việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV thường phải liên tục, cả đêm lẫn ngày.

“Nếu không có thuốc, trẻ chỉ sống được từ 5-6 năm và thường phải ra đi trong sự đau đớn, không người thân bên cạnh. Người lo ma chay cho các bé không ai khác chính là những nhân viên chăm sóc tại cơ sở”, bà Thanh nói.

Cuộc sống của những đứa trẻ nhiễm HIV nhờ vào nguồn bảo trợ xã hội. Từ năm 2006, các cháu được hưởng thụ nguồn thuốc ARV theo chương trình tài trợ. Sức khỏe của trẻ cũng được cải thiện hơn nhờ duy trì thuốc uống thường xuyên.

Cái Tết không gia đình nhưng có cả trăm đứa con quây quần


Theo bà Thanh, công việc chăm sóc cho trẻ HIV gần như không có ngày nghỉ. Một ngày làm việc bình thường bắt đầu từ sáng sớm tới chiều, buổi tối sẽ là ca trực, mỗi cán bộ chăm sóc các con sẽ ở lại cơ sở 2 ngày, vào ngày Tết ca trực sẽ kéo dài 5 ngày (hiện nay giảm xuống 3 ngày). Nhiều cán bộ phải hy sinh hạnh phúc gia đình để dành thời gian cho các con.

Bà Thanh cho biết: “Khi đã làm việc tại Trung tâm, nhân viên phải xác định sẽ có rất nhiều cái Tết không được sum họp cùng gia đình nhưng thay vào đó có cả trăm đứa con quây quần đón năm mới cùng”.

Bà Thanh chia sẻ dù không được đón Tết với gia đình những bù đắp lại là có các con bên cạnh

Ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cho hay khi đã làm công việc xã hội cần phải xác định sẽ không còn những cái Tết được sum họp bên gia đình. Công việc trong những ngày Tết đối với các bộ công nhân viên của Trung tâm cũng sẽ nặng nề hơn.

Hiện nay, cơ sở có khoảng 80 cháu nhiễm HIV, phần lớn các cháu đều là trẻ bị bỏ rơi. Có những trẻ mới sinh ra đã bị mẹ bỏ lại cổng của cơ sở. Vì vậy, những đứa trẻ nhiễm HIV luôn coi cán bộ chăm sóc như những người bố, người mẹ của mình.

Ông Giang cho biết, công việc chăm sóc trẻ bị bỏ rơi do HIV không phải bất cứ ai cũng có đủ mạnh mẽ để làm được. Bởi vì, công việc của các chị em sẽ có những kỳ thị nhất định, vì xã hội không hiểu đúng. Không ít cán bộ vì áp lực của gia đình, chồng, người yêu mà phải xin nghỉ việc. Nhiều chị em làm công việc chuyên môn bị cuốn theo công việc cũng không nghĩ tới chuyện lấy chồng.

Để có thể gắn bó được với công việc chăm sóc trẻ nhiễm HIV, theo bà Thanh, phải có tấm lòng thương yêu các con, đồng cảm và hiểu tâm sinh lý của từng bé.

Bà Thanh chia sẻ: “Nhân viên làm việc tại Trung tâm luôn coi các bé như chính con cái ruột của mình. Khi các con đã có cuộc sống tốt, có thuốc, dịch vụ y tế tốt thì chúng tôi mong muốn các con được đi học, các con đến trường không bị kỳ thị”.
Top