Cảm xúc khó quên của anh cán bộ trẻ với người đẹp nhiễm HIV

24/10/2016 10:47

Một khi tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp vẫn diễn biến phức tạp thì các cán bộ phòng, chống AIDS nơi đây vẫn phải căng mình ra hoạt động. Bởi, họ chính là điểm tựa, là những phao cứu sinh cho những phận đời mỏng manh và bất hạnh…

Bỏ qua những cái tên người đời gán ghép như “Phúc siđa”, anh Nguyễn Văn Phúc vẫn luôn tận tâm với mảnh đời nhiễm HIV

Nỗi đau của cô gái bị chính mẹ đẻ bán

“Mỗi người nhiễm là một hoàn cảnh, nhưng họ đều rất đáng thương!”-anh Nguyễn Văn Phúc, cán bộ truyền thông Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Tháp bắt đầu câu chuyện bằng nhận định như vậy. Đôi mắt buồn diệu vợi, vẻ mặt đăm chiêu của anh đưa chúng tôi về một vùng ký ức xa xôi…

Đã hơn 20 năm trôi qua nhưng anh Phúc không thể nào quên được hình ảnh và số phận thảm thương của cô gái mang tên Hồng Thủy (ở Hồng Ngự, Đồng Tháp). Thủy là gái bán dâm ở khu vực biên giới Campuchia. Trong một lần “hành nghề” ở gần khu vực biên giới, Thủy bị bộ đội biên phòng bắt giữ và đưa vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm của tỉnh. Qua hoạt động tầm soát, Thủy phát hiện nhiễm HIV. Trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân lây nhiễm bệnh, anh Phúc được biết cô gái này bị chính mẹ đẻ của mình (vốn là một tú bà) bán sang biên giới để bán dâm với giá 3 chỉ vàng, khi cô mới tròn 16 tuổi…

Lúc ấy Phúc rất có thiện cảm với Thủy bởi cô rất trẻ trung, xinh đẹp và ngây thơ. Rồi anh lại “có duyên” gặp cô lần thứ hai, cũng trong Trung tâm phục hồi nhân phẩm dành cho phụ nữ bán dâm vào năm 1997. Khi đó, hai người hợp tác để làm một phóng sự truyền hình về chủ đề truyền thông phòng, chống AIDS.

Thời điểm ấy, Thủy tuy “dày dạn gió sương” hơn nhưng vẫn rất xinh đẹp. Sau khi thiên phóng sự kết thúc, Phúc xin quản giáo cho Thủy đi ăn trưa với mình. Lúc bấy giờ, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Đồng Tháp còn rất nặng nề vì thế anh Phúc phải rất khéo léo để tránh làm Thủy buồn. Thế nhưng, anh cũng không khỏi bất ngờ khi Thủy cắn đôi một miếng thịt bảo anh ăn.

Thấy anh ngần ngừ, Thủy bảo: “Anh nói HIV không lây qua đường ăn uống. Vậy anh ăn miếng thịt này em mới tin”. Lúc bấy giờ Phúc rất bối rối, thoáng chút suy nghĩ anh lắc đầu từ chối với lời giải thích: “Phúc không ăn không phải sợ lây nhiễm HIV, mà vì phép lịch sự tối thiểu”. 

Hiểu được thiện ý của anh, cô gái trở nên vui vẻ và cũng bớt mặc cảm hơn. Sau khi ra trại, Phúc được biết Thủy hoàn lương và đi lấy chồng, nhưng cô giấu nhẹm quá khứ đau thương cùng việc mình nhiễm HIV. Rồi cô mang thai và sinh ra một bé trai bụ bẫm, kháu khỉnh. Nhưng đau đớn thay, bé trai vừa sinh ra đã từ giã cõi đời, sau một ca đẻ khó.

Con chết, biết vợ nhiễm HIV, chồng Thủy lẳng lặng bỏ vợ ra đi. Suy sụp, rệu rã cả về sức khỏe và tinh thần, Thủy lại quay trở về con đường cũ. Bi kịch vào, ra trại giáo dưỡng lại tiếp diễn. Để rồi cuối cùng cô gái đáng thương đã trút hơi thở cuối cùng bên vệ đường vì thiếu ăn và suy giảm miễn dịch. Nghe mọi người kể về cái chết đầy thương tâm của Thủy mà anh Phúc không khỏi xót xa cho số phận hẩm hiu của cô. Anh cảm thấy vô cùng bất lực vì mình đã không giúp được gì cho Thủy…

Niềm tin trở lại

HIV/AIDS không chừa một ai. Trong cuộc đời hơn 20 năm phòng, chống AIDS của mình, anh Phúc cũng không thôi ám ảnh về cảnh ngộ của một giáo viên mầm non ở một huyện nhỏ trên địa bàn. Là một cô gái ngoan hiền, chị Nguyễn Thu H. sống một cuộc sống “an phận thủ thường”. Không ngờ tai họa ập xuống gia đình khi chị phát hiện chồng bị nhiễm HIV. Vì lúc đó chưa có thuốc ARV nên anh chồng chuyển sang AIDS rất nhanh, cơ thể suy kiệt và tử vong sau vài ngày nhập viện vì nhiễm trùng cơ hội và lao. Lúc chồng nhập viện, chị H. mới được bác sỹ thông báo riêng là chồng chị bị AIDS. Khi được hỏi, chồng chị có chia sẻ thời điểm đi làm nhiệm vụ bên Campuchia anh có quan hệ tình cảm “sâu sắc” với một số cô gái, không ngờ dẫn đến cơ sự này. 

Sau khi anh chồng chết, rắc rối liên tiếp dội xuống đầu mẹ con chị H. Chị H. tìm đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đồng Tháp tư vấn xét nghiệm và xét nghiệm cho đứa con gái 2 tuổi. Chị nói, xét nghiệm xem bé có bị nhiễm không để biết cách chăm sóc chứ chồng chị bị AIDS thì chắc chắn chị cũng đã bị nhiễm rồi. Lúc anh Phúc đã phải mất rất nhiều thời gian để tư vấn và trấn an chị, nhờ đó chị H. cũng yên tâm hơn phần nào. 

Kết quả thật bất ngờ, bé có kết quả âm tính với HIV, chị H. vỡ òa trong niềm vui sướng. Nhưng niềm vui của chị chưa tày gang thì xui xẻo lại ập đến. Không hiểu vì sao Ban lãnh đạo trường mầm non nơi chị đang công tác lại biết chuyện chồng chị chết vì bệnh AIDS và họ cho chị nghỉ việc với lý do nếu để chị tiếp tục dạy học sợ chị sẽ làm lây nhiễm sang lũ trẻ. Trong lúc đau khổ, rối trí không biết phải làm gì, chị H nhờ anh Phúc can thiệp.

Trong hoàn cảnh đó, anh Phúc động viên chị rằng chưa chắc chị đã bị lây bệnh từ chồng nên chị hãy đi làm xét nghiệm HIV, sau có kết quả mới giải quyết tiếp. Như “chết đuối vớ được cọc”, người phụ nữ bất hạnh hăm hở đi làm xét nghiệm. Khi có kết quả xét nghiệm âm tính chị vẫn không tin tưởng lắm, sợ họ xét nghiệm sai, hoặc trả nhầm kết quả, nhưng dù ít dù nhiều niềm tin vào cuộc sống đã trở lại với mẹ con chị, bởi bên cạnh luôn có sự đồng hành của người cán bộ Trung tâm Phòng, chống AIDS tỉnh.

Anh Phúc cho biết, đa số người nhiễm khi phát hiện mình nhiễm HIV rất đau khổ,  tuyệt vọng, thậm chí có người muốn tự tử. Nhưng khi anh tiếp xúc, tư vấn, động viên từ từ họ cảm thấy yên tâm hơn và dần lấy lại niềm tin vào cuộc sống. Ngoài trường hợp của mẹ con chị H., không ít cảnh ngộ tương tự đã được anh Phúc tư vấn, hỗ trợ vượt qua cơn bĩ cực.

Sau bão giông, trời lại sáng, niềm tin đã trở lại với những con người khát khao sống, khát khao được yêu thương và cống hiến. Bởi trong mắt họ, vẫn còn có những người tốt như thạc sỹ Nguyễn Văn Phúc và các cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Đồng Tháp.
Top