Bí thư khu phố giúp dân, giúp gái bán hoa hoàn lương

08/08/2018 08:40

Bí thư khu phố đã giúp nhiều cặp vợ chồng hàn gắn, bỏ tiền túi giúp người dân lập nghiệp và giúp gái bán hoa hoàn lương.

Bí thư đó là ông Trịnh Văn Nam (58 tuổi), Bí thư khu phố 7 (phường An Lạc A, quận Bình Tân, TPHCM). Một ngày tháng 6/2018, ông Trịnh Văn Nam bất ngờ nhận được một lá thư có chữ ký của 16 người dân trên địa bàn khu phố đồng lòng tán dương, khen ngợi tinh thần làm việc vì nhân dân của mình.

Ông Nam được biết đến là vị cán bộ luôn hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, giúp nhiều người có việc làm, ông thậm chí bỏ tiền túi để giúp một đôi vợ chồng nghèo mở tiệm vá xe và thoát nghèo.

Chiều 6/8, một cán bộ phường An Lạc A cho biết: "Bác Nam ở khu phố đã lâu và được người dân quý mến, tôn trọng, đặc biệt họ rất tin tưởng bác Nam.

Bác luôn gần gũi và thân thiện với mọi người, kinh tế gia đình bác cũng vào diện ổn định và không có khó khăn bởi con cái bác đều lớn hết rồi và có công việc ổn định. Bác công tác trong khu phố chủ yếu là công tác xã hội chứ lương bổng không được bao nhiêu.

Chính những việc bác làm giúp mọi người đã được người dân hết lòng ca ngợi. Ở nhà bác giấy khen có khi chất thành đống ở nhà. Tôi nghĩ bác tốt như vậy sẽ không có kẻ thù hay ai xấu làm hại bác".

Bí thư khu phố 7, phường An Lạc A, quận Bình Tân Trịnh Văn Nam-Ảnh PLO

Trải lòng về những việc mình đã làm, ông Nam tâm sự: "Tôi sống ở đây 20 năm rồi nên hầu như hỏi về tôi ai cũng biết. Thời gian giải quyết công việc giúp đỡ mọi người tôi cũng chưa gặp nguy hiểm hay vấn đề gì, từ đó tôi nhận được nhiều sự tin tưởng từ mọi người.

Trong những vụ giải quyết về vấn đề ly hôn hay mâu thuẫn vợ chồng, lúc đầu tôi cũng gặp phải một chút khó khăn. Tuy nhiên khi vào làm việc mình nên tế nhị, giải thích những quyền lợi để cho họ hiểu. Vừa rồi tôi đã hòa giải thành công 3 vụ ly hôn, hiện các cặp vợ chồng này đã sống cùng nhau và  làm ăn ổn định.

Tôi nghĩ trong những việc này, mình phải tuyên truyền vận động và giải thích cho họ hiểu, nhưng trước khi làm được việc này mình phải tạo được uy tín trong lòng người dân. Nói cái gì cũng phải thực tế thì dân mới tôn trọng, đa số trên địa bàn tôi hỏi tên tôi là ai cũng biết".

Theo ông Nam, có những trường hợp khó khăn ông đã rút tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ họ, giúp họ có bước đầu khởi nghiệp thoát nghèo.

Ông Nam kể: "Thực ra lương bổng của tôi không được bao nhiều, tuy nhiên kinh tế của tôi cũng ổn định không tới mức khó khăn. Tôi nghĩ kinh tế ổn định mới làm công tác xã hội này được, còn không có kinh tế không làm được vì thực sự nó rất khó khăn.

Những việc tôi làm, kể cả việc bỏ tiền giúp người dân đều nhận được sự đồng ý và tán thành từ phía gia đình. Vợ tôi là giáo viên về hưu, hai đứa con gái một cháu đang làm ngân hàng và một cháu đang sống bên Mỹ vẫn luôn động viên và ủng hộ tôi trong mọi việc.

Đặc biệt những việc tôi làm giúp mọi người tôi chưa bao giờ báo cáo trong các cuộc họp. Mình làm được thì mình giúp dân, những cái gì không làm nổi, không trong vòng tay tôi thì tôi mới báo cáo để cần giúp đỡ".

Không những giúp nhiều người có công việc thoát nghèo mà ông Nam còn một phần tác động làm giảm tệ nạn ma túy, mại dâm. Ông Nam khẳng định địa bàn ông không còn tồn tại một số tệ nạn như ma túy và mại dâm.

"Trước đó với những trường hợp nghiện ma túy, tôi đến tận nhà phân tích, giải thích cho họ nhận ra được lợi ích từ việc họ làm, nếu mình nói đúng, đúng trọng tâm họ sẽ nghe thôi. Hơn nữa phải thực sự có uy tín thì người dân họ mới tôn trọng ý kiến của mình.

Còn về tệ nạn mại dâm, trước đó 2 năm cũng có người phụ nữ tạm trú trên địa bàn và hành nghề bán hoa. Sau khi tìm hiểu tôi đã kiểm tra gặp gỡ họ. Mình phải tìm hiểu hoàn cảnh của họ, phân tích cho họ hiểu về công việc của họ và đặc biệt tìm cho các cô gái ấy một công việc để họ thay đổi, dựa vào đó để mưu sinh. Hiện cô gái bán hoa trước trú tại đây đã lấy chồng và sinh con" -ông Nam nói.

Trước đó trao đổi với báo chí, bà Lâm Sú Vân (51 tuổi), bán nước mía trước cổng một trường học cho biết, nhờ có ông Nam bà thoát nghèo.

Bà Vân kể: “Trước đây tôi làm gia công móc phơi đồ và đi làm giúp việc theo giờ rất cực mà cuộc sống còn khó khăn. Bây giờ đỡ hơn rồi, bán nước mía cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày. Tất cả cũng nhờ chú Nam. Chú ấy tốt lắm”.

Có hộ gia đình nghèo nọ, hai vợ chồng đều chạy xe ôm mà vẫn không đủ cái ăn, cái mặc. Ông Nam bèn rút sổ tiết kiệm của mình chi 5 triệu đồng để mua đồ, giúp vợ chồng mở tiệm vá xe, thoát nghèo nhanh chóng.

Không những vậy, hay tin gia đình kia nghèo khó, có người nhà mất mà không đủ tiền làm ma chay, ông Nam tức tốc mời gọi mạnh thường quân hỗ trợ tiền áo quan, tiền tổ chức đám tang; huy động gạo, mì… mang đến.

Top