Bếp ăn ấm áp nghĩa tình

19/12/2012 17:00

Đối với gia đình những bệnh nhân nghèo phải nằm viện, việc chi trả khoản tiền viện phí đã là vô cùng khó khăn, chưa nói đến các chi phí sinh hoạt hàng ngày. Những bữa cơm miễn phí tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) giúp họ bớt đi phần nào gánh nặng.

Ấm áp tình người

Mặt trời vừa đứng bóng, dòng người lại kéo đến xếp hàng nhận những phần cơm từ thiện. Tất cả đều là người nhà bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Người nhà bệnh nhân vui vẻ nhận bữa ăn miễn phí. Ảnh Phan Hoàng

 Gương mặt bơ phờ vì lo lắng cho đứa con bị tai nạn giao thông phải nằm viện, ông Phạm Văn Tâm, 62 tuổi ở xã Trung Hưng, huyện Thốt Nốt chia sẻ: “Ngày đầu đưa con lên bệnh viện mà trong túi vợ chồng không có một xu, bà con hàng xóm gom góp cho mượn 2 triệu đồng và chúng tôi phải đi vay “ngoài” mới đủ tiền đóng viện phí. Nằm ở hành lang bệnh viện gần cả tuần, nếu không có những chén cơm của hội từ thiện thì chúng tôi chưa biết xoay xở thế nào”.

Ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt, có tới hàng nghìn bệnh nhân cùng hoàn cảnh như ông Tâm.

Vừa lúi húi nhận hộp cơm nóng hổi còn bốc khói nghi ngút, chị Lê Thị Thu Thủy, 26 tuổi, có người nhà bị tai biến phải nằm viện điều trị gần 6 tháng nay tâm sự: “Mới đầu em cũng rất ngại nhận cơm từ thiện, nhưng cuộc sống khó khăn nên phải nương nhờ vào bếp ăn. Nếu không nhờ những bình nước, bát cơm ngày hai bữa, chắc em không nuôi nổi chồng bị bệnh trong thời gian qua”.

Đối với gia đình những bệnh nhân nghèo, việc chi trả các khoản tiền viện phí là vô cùng khó khăn, chưa nói đến chi phí sinh hoạt hàng ngày. Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt, họ nhận được những phần cơm đạm bạc nhưng ấm áp tình người, giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống.

Tổ bếp tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh Phan Hoàng

Ông Lê Văn Lóng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt cho biết, bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt đã có từ năm 1987, do một số bà con trong khu vực thành lập. Ban đầu chỉ có một căn bếp bằng nứa. Hàng tháng, bà con tổ chức quyên góp gạo, rau. Người bệnh ai có nhu cầu thì tự tổ chức nấu ăn lấy.

Sau khi xây dựng cơ sở mới, lãnh đạo bệnh viện đã đề nghị huyện cấp kinh phí 200 triệu, kêu gọi hỗ trợ thêm 150 triệu, xây được bốn gian nhà tương đối khang trang, thành lập một Ban điều hành, với các tổ bếp, tổ củi, đều là bà con lối xóm.

Từ đó đến nay, bếp ăn từ thiện này đã phát hàng triệu suất cơm miễn phí cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Mỗi suất cơm lúc nào cũng có 3 món là canh, đồ xào và rau. Ngoài ra, họ còn phân chia người làm theo ca để nấu nước sôi 24/24 giờ và phát cháo trắng cho các bệnh nhân.

Ông Nguyễn Văn Nhịn, tổ trưởng tổ nấu ăn cho biết, nhà bếp hiện được tổ chức khá quy mô với gần 200 người tình nguyện, chia làm 6 tổ. Cách một tuần, mỗi tổ sẽ luân phiên thay đổi nhau đến làm việc thiện. Bếp ăn hiện phục vụ ngày 3 bữa, mỗi bữa có khoảng 150 suất cháo và 170 suất cơm.

Hiện nay trung bình một ngày bếp ăn của ông Nhịn dùng đến 50 cân gạo. Thức ăn gồm có các món xào, nấu…, tất cả đều do những người tình nguyện, cùng các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đóng góp. Với những gia đình người bệnh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ban điều hành nhà bếp còn hỗ trợ cả tiền thuốc và chi phí điều trị, từ 200 đến 400 ngàn đồng/người.

Những tấm lòng “vàng”

Mới gần 1 giờ chiều, các thành viên trong tổ nấu cơm đã lục đục để bắt đầu cho buổi chiều bận rộn. Người nhặt rau, người nấu cháo, người nấu cơm, người đun nước sôi…, mỗi người một việc, làm thoăn thoắt, thi thoảng lại ngẩng đầu lên cười nói rôm rả.

Mặc dù bận rộn nhưng các cụ luôn giữ được nụ cười rạng rỡ. Ảnh Phan Hoàng

Bà Nguyễn Văn Bé, 61 tuổi, ở phường Thốt Nốt, làm tình nguyện viên tại khu bếp từ hơn chục năm nay vui vẻ cho biết, “Tui thường làm từ thiện khắp nơi và bệnh viện này là nơi mà tôi gắn bó lâu dài nhất. Chồng và các con trai tui đều là thợ phụ hồ, hồi trước cứ mỗi lần đi thì cha con họ phải tự lo cơm nước. Cũng may giờ còn có thêm mấy đứa con dâu nên tui thoải mái đi làm từ thiện hơn”.

Bếp cơm từ thiện ở Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt có đến hơn một nửa là những người ở tuổi ngoài lục tuần. Thậm chí có những ông cụ, bà cụ lưng còng, vẫn chống gậy đến tham gia nấu cơm từ thiện.

Đôi bàn tay run run nhặt mấy bó rau cải, cụ Nguyễn Văn Bé Hai, 75 tuổi, ở xã Thạnh Phú cho biết, vì tuổi già không còn minh mẫn nên cụ cũng không nhớ là mình đã tham gia nấu ăn ở nhà bếp này từ bao giờ.

Cụ Hai kể: “Tôi ở quê quanh năm làm ruộng ít khi lên thành phố lắm, nhưng từ khi được bà con trong xóm kể về hội nấu cơm từ thiện này, tôi liền đăng ký làm không công ngay. Ngoài việc nấu cơm, tôi còn dành thời gian đóng hòm cho những gia đình nghèo khổ có người thân qua đời…”.

Cùng với những cụ già tóc đã bạc phơ là mấy bạn còn rất trẻ. Họ vừa lau nhà, vừa nấu cơm, vừa nói chuyện vui vẻ làm mấy cụ già cũng cười theo.

Mặc dù thường xuyên phải thức khuya, dậy sớm, phục vụ cho các bệnh nhân nghèo mà không nhận bất cứ đồng lương nào nhưng gần 200 thành viên của nhà bếp từ thiện Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt vẫn luôn giữ được nụ cười rạng rỡ mỗi khi người nhà bệnh nhân đến nhận cơm từ thiện. Bởi theo họ “Cuộc sống có ý nghĩa là phải cho đi nhiều hơn nhận lại”.

Top