Bác sĩ từng phơi nhiễm HIV khi đỡ đẻ cho sản phụ giờ ra sao?

18/06/2020 13:55

5 năm sau khi phơi nhiễm HIV vì trực tiếp tham gia cuộc mổ cho một bệnh nhân đặc biệt, bác sĩ Lưu Quốc Khải, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, vẫn hạnh phúc khi gắn bó với nghề "bà đỡ".

 ThS.BSCKII Lưu Quốc Khải. Ảnh: Thùy Chi

Tháng 7/2015, thông tin về ê-kíp gồm 18 y bác sĩ tại khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, phơi nhiễm HIV sau khi đỡ đẻ cấp cứu cho một sản phụ, được đăng tải khắp các phương tiện truyền thông.

Sản phụ bị chửa ngoài tử cung vỡ và buộc phải mổ, tuy nhiên chính sản phụ đã cầu xin vị bác sĩ: “Xin bác sĩ đừng cứu em vì em nhiễm HIV sắp chết rồi!”. Nhưng đối với vị bác sĩ ấy thầy thuốc phải cứu người, vì thế, vượt lên trên những rủi ro nghề nghiệp cao, nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền qua đường máu như HIV, viêm gan, giang mai… các bác sĩ vẫn tuân thủ đúng quy trình về chuyên môn, cứu sống sản phụ.

Người mổ chính cho bệnh nhân này là ThS.BSCKII Lưu Quốc Khải, lúc bấy giờ là Trưởng khoa Đẻ, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. “Tình trạng của bệnh nhân lúc này như ‘nghìn cân treo sợi tóc’, nếu không tức tốc, cô ấy sẽ chết ngay lập tức. Khoảnh khắc này không cho phép chúng tôi chuẩn bị kỹ càng về các dụng cụ bảo hộ. Trong ê-kíp mổ, nhiều người bị dịch tiết và máu của bệnh nhân bắn vào người, mắt, cả bàn tay nhuốm đầy máu”, bác sĩ Khải từng chia sẻ.

Hơn 20 năm gắn bó với nghề “bà đỡ”, đây là ký ức bác sĩ Khải không thể nào quên trong hành trình đồng hành cùng những người mẹ. Đã từng đỡ đẻ cho hàng nghìn ca sinh khó, nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và con đòi hỏi bản lĩnh của bác sĩ và tay nghề cao của cả ekip làm việc. Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình làm việc bác sĩ Khải đã nhiều lần đối diện với nguy cơ phơi nhiễm HIV từ sản phụ. Nhưng không vì thế mà bác sĩ Khải có suy nghĩ miệt thị mà ngược lại luôn tôn trọng, không bỏ rơi người bệnh.

Nói về nghề, bác sĩ Khải cho rằng, người làm nghề y quan trọng nhất là chữ "tâm" phải sáng, phải đặt đạo đức lên trên hết, nghiêm túc với nghề nghiệp. Bên cạnh việc lắng nghe người bệnh chia sẻ về bệnh tật, bác sĩ phải biết cách lấp đi khoảng cách giữa thầy thuốc và người bệnh để bệnh nhân có thể trải lòng và quên đi những đau đớn.

Nguyên Trưởng khoa Đẻ không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, bao nhiêu đứa trẻ đã cất tiếng khóc đầu đời trên đôi tay đôi tay của mình, đã đem lại niềm hạnh phúc cho biết bao gia đình. Và gia tài vô giá sau 20 năm của anh là hàng nghìn đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời, là những bức thư như bày tỏ sự tri ân, niềm hạnh phúc của các sản phụ đối với bác sĩ.

Một bức thư của một sản phụ ở Hà Nội viết: “Em đã bị 2 lần thai lưu, biết đến bác sĩ Khải là một bác sĩ giỏi, lại “mát tay” nên ở lần thứ 3 mang thai, em “gõ cửa” bác sĩ Khải. Trong suốt quá trình mang thai cũng có nhiều vấn đề như ra sữa non sớm, thai quá ngày, không có dấu hiệu sinh... nhưng bác sĩ Khải luôn đồng hành cùng em và gia đình em, kể cả các ca khó vất vả bác sĩ đều giúp nhiệt tình... Bác sĩ Khải rất thương các bệnh nhân nghèo như chúng em!...”.

Sinh ra ở vùng quê nghèo ở Nam Định, theo tiếng gọi của Tổ Quốc, anh viết đơn tình nguyện tham gia quân ngũ. Môi trường nghiêm khắc của quân đội đã tôi luyện giúp anh trở nên bản lĩnh hơn, vững vàng hơn về ý chí, nghị lực nhưng cũng đầy tính nhân văn, hào sảng. Một lần đến trạm xá, anh gặp hình ảnh người y sĩ chăm sóc thương bệnh binh sao mà đẹp đẽ đến thế, và hình ảnh ấy chính là bước ngoặt lớn làm thay đổi cuộc đời anh, đã thôi thúc anh trở thành người thầy thuốc với mong muốn xoa dịu nỗi đau của người bệnh.

Sau khi xuất ngũ anh tiếp tục con được học tập, sự cần cù, không ngừng học hỏi cùng ý chí vươn lên, không ngại khó, ngại khổ anh đã dần thực hiện được ước mơ của mình khi thi đỗ Đại học Y Hà Nội.  Nhưng đó chưa phải là thành công, anh đã phải trải qua rất nhiều nghề phụ, từ phụ hồ đến bảo vệ cơ quan…, trở thành bác sĩ thực tập không lương ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Sự cần mẫn, tâm huyết, học hỏi, sáng tạo và hơn hết là tình yêu nghề nghiệp, yêu bệnh nhân đã tôi luyện nên bác sĩ Khải của ngày hôm nay.

“Đối với người bác sĩ sản phụ khoa, bài toán khó nhất là trong một thời gian ngắn phải đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé một cách chính xác, kịp thời để mẹ không bị mất máu nhiều và trẻ không bị ngạt. Vì vậy, mọi ca sinh nở của sản phụ đều là một ca cấp cứu, người thầy thuốc lúc nào cũng như vào trận chiến, sẵn sàng ứng phó với tất cả các nguy cơ tai biến các sản phụ trước sinh, trong sinh, sau sinh…”, bác sĩ Khải tâm sự. Bởi thế, người thầy thuốc cần có bản lĩnh, tay nghề điêu luyện và lương tâm nghề nghiệp. Mà những điều này dường như đã có sẵn trong con người anh, trong người lính cụ Hồ.

Năm 2019 cũng là một dấu mốc đối với Ths.Bs Lưu Quốc Khải khi anh đến tuổi nghỉ chế độ tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nhưng ngay lập tức anh đã được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà chào mời về tiếp tục làm việc. Với cương vị Phó Giám đốc Bệnh viện, phụ trách Khoa Phụ - Sản, bác sĩ Khải vẫn luôn tự hào, giữ vững bản lĩnh vững vàng không để sóng gió cuộc đời, làm ảnh hưởng đến chữ “tâm” của nghề y mà anh đã theo đuổi 20 năm qua.

“Khi vừa hết nhiệm kỳ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi nhận được rất nhiều lời mời từ các bệnh viện. Nhưng đối với tôi làm việc ở đâu không quan trọng dù là bệnh viện công hay tư nhân, tuyến Trung ương hay ở cơ sở thì đều với mục đích mang những điều tốt đẹp nhất đến với bệnh nhân của mình, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để giúp sản phụ và người nhà có được hạnh phúc trọn vẹn”, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Bắc Hà chia sẻ.

Với hơn 20 năm trong nghề, bác sĩ Khải không nhớ mình đã đỡ đẻ được bao nhiêu ca, đem lại tia sáng đầu đời cho biết bao đứa trẻ, tạo suối nguồn yêu thương cho bao nhiêu gia đình. Tuy nhiên, mỗi ca “vượt cạn” đều để lại trong anh nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và những điều hạnh phúc không gì có thể đánh đổi được.
Top