Người bác sĩ thực hiện “mệnh lệnh từ trái tim”

26/02/2014 11:04

Cứu người là “mệnh lệnh từ trái tim”, người bác sĩ ấy luôn lặng lẽ cống hiến, thực hiện tốt trách nhiệm của người thầy thuốc và coi bệnh nhân… như người nhà.

Chị là bác sĩ Nguyễn Phú Đoan Trinh, sinh năm 1962 là Trưởng cơ sở điều trị Methadone số 2 (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS TP Đà Nẵng) và là một trong 20 người được tặng giải thưởng Tỏa sáng blouse trắng Đà Nẵng lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2/2014.

Bác sĩ Trinh tư vấn cho người nghiện điều trị Methadone. Ảnh Khánh Hồng

Luôn luôn nở nụ cười hiền dịu và đầm ấm trên gương mặt, bác sĩ Trinh kể, trước đó chị công tác tại Bệnh viện lao và bệnh phổi bắt đầu từ năm 1997 trong đó có 15 năm chị làm tại phòng khám Bệnh viện Lao-Phổi TP Đà Nẵng, từng tiếp xúc với không biết bao nhiêu ca bệnh hiểm nghèo, với nguy cơ lây nhiễm cao. Năm 2011, chị được điều chuyển công tác về cơ sở này, lại tiếp tục với công việc lặng thầm và còn nguy hiểm hơn nhiều khi thường xuyên thăm, khám, tiếp xúc với bệnh nhân nghiện, bệnh nhân HIV/AIDS.

20 năm trong nghề, bác sĩ Trinh đã từ chối không ít lần người nhà bệnh nhân gửi quà cảm ơn. Đơn giản vì “làm việc đã có Nhà nước trả lương, mình không có để giúp bệnh nhân thì sao lại phiền lòng người bệnh”. Đối với xã hội, nhiều người gọi họ là “con nghiện”, nhưng đối với bác sĩ thì họ là bệnh nhân, thậm chí họ còn như người nhà.

Là trưởng cơ sở nhưng chị Trinh thường xuyên khám và điều trị cho các bệnh nhân bởi ở đây chỉ có hai bác sĩ. Đây là cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Bệnh nhân của chị là những người nghiện chích heroin và thường có nhiều bệnh đi kèm như: nhiễm HIV, viên gan C, viên gan B, lao…

Không những thế, những bệnh nhân này thường tính rất hung dữ, khi mình không đáp ứng được nhu cầu của họ thì họ chửi bới, đe dọa chặn đường. Có khi các bác sĩ kéo áo lên để khám cho bệnh nhân thì phát hiện có dao dắt trong người. Nếu không có sự yêu nghề, không có tấm lòng đối với bệnh nhân thì khó hoàn thành tốt công việc.  

Chị nhớ, có một lần bệnh nhân đến để uống thuốc nhưng lúc này đã hết giờ, kho thuốc đã đóng. Đây là quy định nên chị không thể mở lấy thuốc được. Vậy là bệnh nhân đó chửi bới, đe dọa sẽ chặn đường khiến nhiều người rất sợ.

Ban đầu, gặp những bệnh nhân như thế chị cũng sợ, nhưng dần dà tiếp xúc nhiều chị cũng quen. Rồi dần dần chị tìm cách cảm hóa họ.

Với mỗi bệnh nhân, chị luôn tìm hiểu hết sức kỹ càng về tiền sử sử dụng heroin và các chất gây nghiện khác, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân để quyết định liều Methadone điều trị phù hợp. Chị tìm cách gần gũi bệnh nhân để hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của họ bởi theo chị, điều trị Methadone ngoài thuốc thì điều trị tâm lý rất quan trọng.

Những bệnh nhân sau cai nghiện không có công ăn việc làm, chị đã giới thiệu cho họ đến với các trung tâm học nghề. Bệnh nhân hay người nhà của bệnh nhân nào đau ốm phải nhập viện chị cũng đến thăm bởi đối với chị “họ cũng như người thân của mình”.

Yêu thương bệnh nhân như người nhà nên mỗi một bệnh nhân cai nghiện tốt là một niềm vui của chị. Hầu hết các bệnh nhân điều trị Methadone tại cơ sở của chị đều cai nghiện tốt, “chỉ cần có sự quyết tâm của bệnh nhân là sẽ thành công”, nhiều người đã cải thiện được sức khỏe và tinh thần đáng kể. Sau khi cai nghiện, nhiều người cũng đã lập gia đình, sinh con và tìm được công việc cho mình. Đặc biệt, mối quan hệ đối với gia đình, họ được gia đình tin tưởng giao cho những công việc mà trước đây không ai dám giao cho họ.

Với những đóng góp của mình, chị đã góp phần thực hiện hoàn thành xuất kế hoạch triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tại Đà Nẵng. Trong năm 2013, cơ sở điều trị Methadone số 2 đã được bệnh nhân và gia đình  đánh giá cao, được Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế và các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật đã chọn nơi này làm đơn vị điểm cho các tỉnh về học tập.
Top