Không đầu hàng số phận!

18/07/2012 18:04

Mỗi mảnh đời, số phận mà tôi đã gặp đang cố gắng vượt qua chính mình, vượt qua kỳ thị của xã hội bằng nghị lực, khát vọng sống và mong muốn làm đẹp, cống hiến cho đời.

Trong chuyến đi thực tế tại Quảng Ninh cùng với các tổ chức xã hội phòng, chống HIV/AIDS, chúng tôi đã gặp không ít những mảnh đời, số phận éo le chịu ảnh hưởng trực tiếp từ căn bệnh thế kỷ AIDS. Họ là những người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV. Số phận đã bắt họ mang trong mình căn bệnh hiện chưa tìm ra thuốc chữa, cướp đi của họ những người thân yêu nhất. Nỗi đau chồng nỗi đau nhưng họ không gục ngã mà vẫn tiếp tục sống có ích cho đời.

Đến với Phòng khám ngoại trú người lớn, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, nơi tiếp nhận và điều trị bệnh nhân AIDS, có dịp tiếp xúc với các bác sỹ và bệnh nhân ở đây, chúng tôi cảm nhận được tấm lòng hết mình đối với người bệnh của các bác sỹ và sự nỗ lực của chính bản thân người bệnh để chống chọi với bệnh tật.

Tư vấn cho bệnh nhân AIDS tại Phòng khám ngoại trú người lớn, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Ảnh: Nhật Thy

Chị L. phát hiện mình nhiễm HIV từ người chồng nghiện ma túy khi mang thai đứa con thứ hai năm 2006. Rồi chồng chị mất, đau khổ, tuyệt vọng, có những lúc chị tưởng chừng như mình đang ở cuối đường hầm không có ánh sáng và hy vọng sống. Nhưng nghĩ đến con, mong mỏi đứa bé sẽ không bị nhiễm HIV nên chị quyết tâm sinh. Thật may mắn, nhờ có sự tư vấn kịp thời của các bác sỹ tại Phòng khám ngoại trú người lớn và dự phòng đúng cách, con chị sinh ra hoàn toàn khoẻ mạnh.

Chị L. tâm sự, khi con vào mẫu giáo, ban đầu không trường nào nhận, chị phải mang kết quả xét nghiệm đến từng trường để xin học cho con. Hiện cháu đã 6 tuổi và chuẩn bị vào lớp 1. Con lớn của chị giờ cũng đã học đại học. Chị tự hào có hai con chăm ngoan và rất yêu thương mẹ. Một mình gánh vác mọi việc trong gia đình để nuôi con ăn học và điều trị cho mình, chị hiểu cơ hội sẽ không từ chối ai nếu người đó biết tự vươn lên với khát vọng sống mãnh liệt để làm những việc có ích cho gia đình và xã hội.

Chị Y, một thành viên cốt cán của Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương - câu lạc bộ của những phụ nữ nhiễm HIV tại Quảng Ninh cũng phát hiện mình nhiễm HIV từ chồng khi đi khám thai. Nhưng không may mắn như chị L. Đứa bé ra đời khi chưa được 7 tháng. Cháu đã ra đi.  

Cuộc sống của chị tưởng như rơi vào vực thẳm. Chị nhiều lần nghĩ đến cái chết. Nhưng từ khi tham gia Câu lạc bộ Hoa Hướng Dương, được gặp gỡ chia sẻ với những người cùng hoàn cảnh, chị đã lấy lại niềm tin và tích cực tham gia các hoạt động của câu lạc bộ. Chị là một trong những thành viên năng nổ nhất câu lạc bộ. Cũng chính tại đây chị đã gặp và kết hôn với người chồng thứ hai cũng nhiễm HIV. Hai vợ chồng mở cửa hàng rửa xe và làm hàng mã, cuộc sống giờ đây cũng không quá khó khăn.

Cuộc đời cũng không quá bất công khi mang đến cho chị một thiên thần bé nhỏ. Mặc dù hai anh chị đều mang bệnh nhưng đứa bé hoàn toàn khoẻ mạnh. “Có một người chồng thương yêu mình, một đứa con xinh xắn, công việc có ích cho xã hội, như thế là hạnh phúc lắm.”, chị Y vui vẻ nói.

Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Ngọc (66 tuổi), trú tại Tổ 4, khu 1, phường Hòn Gai, thành phố Hạ Long vào buổi trưa, khi gia đình chuẩn bị ăn cơm. Nhìn mâm cơm cho 7 người mà chỉ có đĩa trứng, bát canh mà không khỏi chạnh lòng.

Gia đình bà Ngọc là một trong những hộ khó khăn nhất của phường Hòn Gai. Bà sinh được 6 người con thì 2 người chết từ nhỏ, 2 người chết do AIDS, bà một nách nuôi 6 đứa cháu.

Hai người con còn lại đã lập gia đình nhưng cuộc sống khó khăn cũng không giúp gì được. Ông Hắc Công Lùn (71 tuổi), chồng bà Ngọc mấy năm trước bị tai biến, giờ chỉ nằm một chỗ, lúc nào cũng phải có người chăm nom.

Bà Ngọc vừa bón cơm cho chồng vừa nói chuyện với cán bộ phụ nữ phường. Ảnh Nhật Thy

Trước đây bà Ngọc còn trồng rau, nuôi lợn, giờ cả ngày phải chăm ông nên không thể làm được gì. Bà ngậm ngùi chia sẻ: “Giờ cháu T. mới học lớp 5 tuy không phải đóng học phí, nhưng hai anh nó, đứa cấp hai, đứa cấp 3 học phí chỉ được giảm một phần, tôi không biết xoay sở như thế nào, số phận đã sắp đặt như vậy rồi”.

Cả gia đình bà 7 người sống bằng 4 triệu tiền lương và hơn 1triệu tiền trợ cấp với vô vàn khó khăn. Nhưng may mắn là những đứa cháu của ông bà đều ngoan ngoãn, học giỏi. Cháu T. 5 năm liền đều là học sinh giỏi của trường tiểu học Hạ Long. Hàng ngày cháu vẫn thường giúp bà việc nhà như nấu cơm, rửa bát và chăm ông.

Rời Quảng Ninh, mỗi người trong số  chúng tôi đều có những cảm xúc khác nhau. Nhưng tất cả đều dâng lên nỗi niềm cảm thông sâu sắc. Mong họ sẽ luôn vững vàng, nghị lực, có niềm tin, dũng khí để sống tiếp, vì ngày mai tươi sáng hơn.

Top