Xử án ma túy: Khó giám định hàm lượng chất ma túy?

04/02/2015 14:19

Dự kiến dự luật Bộ Luật Hình sự (BLHS) sửa đổi sẽ trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ vào trung tuần tháng 2/2015. Liên quan đến các tội phạm về ma túy, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc xác định khối lượng, trọng lượng hay hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt.

Giám định hàm lượng ma túy. Ảnh minh họa

Ngày 17/9/2014, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 234/TANDTC-HS hướng dẫn thực hiện đúng Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 “về việc bắt buộc phải giám định hàm lượng của các chất thu giữ nghi là chất ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo theo quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định tại văn bản này lại gặp phải không ít khó khăn.

Đây cũng là vấn đề liên quan đến câu chuyện Phần lớn Tòa án các cấp ở địa phương đã trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp để điều tra bổ sung với lý do giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là chất ma túy khiến hơn 5.000 vụ án liên quan đến ma túy đang tồn ở các địa phương. Nước ta hiện chỉ có hai trung tâm giám định chất ma túy và do chưa có kết quả giám định nên tòa buộc phải trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Viện kiểm sát đã hoàn thành cáo trạng truy tố các bị can phạm tội về ma túy nhưng chưa giám định được hàm lượng chất ma túy, khi chuyển hồ sơ thì Tòa án không nhận gây tồn đọng số lượng lớn các vụ án phạm tội về ma túy ở Viện kiểm sát. Mặt khác, khi bắt quả tang, bắt khẩn cấp gặp nhiều khó khăn vì không thể xác định ngay được hàm lượng chất ma túy để xử lý hình sự hay hành chính cũng như việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, trong năm vừa qua, công tác điều tra của lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy gặp khó khăn nhất định liên quan đến giám định hàm lượng chất ma túy.

Thực tiễn giải quyết án ma túy cho thấy nhiều vụ án đã xử lý từ việc điều tra “truy xét”, không thu giữ được chất ma túy nên không có vật chứng để giám định; các đối tượng trước đây bị khởi tố theo trọng lượng truy xét qua lời khai, bỏ trốn bị truy nã nay bắt được để xử lý, việc trưng cầu giám định hàm lượng là bất cập; không thể xử lý được các đối tượng là chủ mưu cầm đầu trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy.

Bên cạnh đó, quá trình điều tra đã chứng minh, làm rõ các bị can đã mua bán, vận chuyển trái phéo số lượng lớn ma túy, có vụ lên đến hàng trăm bánh heroin nhưng việc xác định hàm lượng là việc không thể.

Từ đó có ý kiến cho rằng trên thực tế, mỗi loại chất ma túy khác nhau, được sản xuất ở các địa bàn khác nhau thì có hàm lượng ma túy khác nhau. Vì vậy, dù các chất ma túy có cùng trọng lượng hoặc khối lượng nhưng hàm lượng khác nhau và mức độ nguy hiểm cũng sẽ khác nhau. Nếu căn cứ vào trọng lượng hoặc khối lượng mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy thì không đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Ý kiến thứ hai lại lập luận nếu quy định căn cứ vào hàm lượng chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong nhiều trường hợp số lượng chất ma túy mà người phạm tội khai nhận không còn trên thực tế nên không thể xác định được hàm lượng. Mặt khác, hàm lượng chất ma túy nhiều hay ít chủ yếu liên quan đến giá cả, còn mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào số lượng, khối lượng chất ma túy. Những người theo quan điểm này cho rằng cần giữ như quy định hiện hành về định lượng ma túy, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh lại mức định lượng cho phù hợp.

Ngoài ra, điểm đáng chú ý khác là dự thảo luật đã quy định theo hướng hình sự hóa hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các loại cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy. Quá trình trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy thường phải trải qua khâu gieo hạt, nảy mầm và chăm sóc. Do đó, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các cây giống cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy làm gia tăng nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện và cần phải được hình sự hóa

 Ngày 17/9/2014, TANDTC đã ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS yêu cầu các TAND và Tòa án quân sự cần quán triệt và thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17, đó là: “Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma tuý hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma tuý, tiền chất...”. Theo đó, khi xét xử các vụ án về các tội phạm về ma túy thì phải có kết quả trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy để  lấy đó làm căn cứ kết tội các bị cáo, bảo đảm việc xét xử khách quan, chính xác.

Có thể hiểu hàm lượng chất ma túy là phần trăm chất ma túy có trong chất nghi là ma túy được giám định. Ví dụ: Tang vật nghi là chất ma túy thu giữ được có trọng lượng là 1.000g; kết quả giám định có 5% là heroin thì trọng lượng heroin được xác định sẽ là 1.000g x 5% = 50g. Nếu cho rằng trọng lượng heroin thu được là 1.000g thì Tòa án sẽ xử bị cáo ở mức án tử hình; nếu xác định chính xác chỉ có 50g heroin thì bị cáo chỉ bị xét xử tối đa là 20 năm tù.

Top