Xây dựng kế hoạch dự phòng ma tuý đối với học sinh, sinh viên

16/10/2019 09:13

Tình trạng tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, vẫn có những trường hợp học sinh, sinh viên, nhà giáo sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống ma tuý trong trường học.

Một vở diễn tuyên truyền phòng chống ma túy trong học đường - Ảnh minh hoạ

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận, năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 8 học sinh THPT sử dụng chất gây nghiện. Tuy nhiên, theo nhận định, con số thực tế có thể còn nhiều hơn.

Cuối tháng 3/2019, Công an huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Hầu hết các bị can trong vụ án này đang là học sinh THPT. Tất cả đã biết sử dụng ma túy đá từ mấy tháng trước. Trước khi vào nhà tạm giam của Công an huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn, các bị can này khai nhận trong thời gian từ ngày 13-18/3, đã bán ma túy đá cho trên 30 con nghiện, chủ yếu là học sinh đang học tại trường THPT Vân Nham, huyện Hữu Lũng. Các bị can thực hiện việc mua bán ma túy đá ở mọi nơi. Các em mang đến nhà cho nhau, bán trong nhà vệ sinh của trường, thậm chí, bán ngay trong lớp học.

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), số người sử dụng ma túy ngày càng trẻ, gia tăng số người sử dụng ma túy dưới 16 tuổi. Tính đến ngày 30/4/2019, tổng số người nghiện có hồ sơ quản lý tại Việt Nam là 230.767 người, tăng 5.668 người so với năm 2018, trong đó dưới 16 tuổi chiếm 0,2%; từ 16 đến dưới 30: 49%; từ 30 trở lên: 50,8%

Theo cảnh báo từ cơ quan chức năng, trước đây có thể nhận diện ma túy qua các bình hút, bơm kim tiêm, giờ ma túy tồn tại dưới nhiều hình thức bắt mắt, có thể là hình tem giấy, trà sữa... hấp dẫn học sinh. Một thủ đoạn mới của tội phạm ma túy hiện nay là thay vì nhập các loại thành phẩm từ nước ngoài, các tinh chất ma túy tổng hợp dưới dạng tinh bột được các đối tượng tuồn vào Việt Nam để tội phạm trong nước tự pha chế. Có những công thức khác nhau có thể sản xuất ra một loại ma túy tổng hợp với tác dụng tương tự hoặc thậm chí còn độc hại hơn với người sử dụng.

Nếu như trước đây, việc trao đổi, mua bán ma túy chủ yếu trực tuyến trên mạng xã hội, nhưng nay đã xuất hiện hình thức bán ma túy đa cấp cho học sinh. Các đối tượng mua bán móc nối với chính học sinh để tiếp tục làm đầu mối bán ma túy cho các bạn trong trường học.

Theo Bộ GD&ĐT, thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy; phòng, chống tệ nạn xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt và đã đạt được những kết quả quan trọng. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức triển khai thực hiện, huy động các nguồn lực xã hội cho công tác phòng chống ma tuý đã được các cơ quan, chính quyền các cấp quan tâm.

Thực hiện nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, Bộ GD&ĐT đã và đang triển khai chỉ đạo ngành Giáo dục thực hiện Thông tư số 31/2009/TT-BGDĐT ngày 23/10/2009 của Bộ GD&ĐT ban hành quy định về công tác phòng, chống tệ nạn ma tuý tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020” cùng nhiều văn bản khác.

Ngành Giáo dục cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCMT, được thực hiện thông qua các hình thức mít tinh, tọa đàm, hội thảo và sinh hoạt chuyên đề từ Trung ương đến các cơ sở giáo dục.

Tuy nhiên, tình trạng tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, vẫn có một vài học sinh, sinh viên, nhà giáo sử dụng trái phép chất ma túy. Do đó, cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống ma tuý trong trường học.

Để khắc phục tình trạng ma túy và tệ nạn xã hội đã và đang thẩm lậu vào học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện các giải pháp: Tiếp tục chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về công tác phòng chống ma tuý đối với học sinh, sinh viên. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2020” theo Quyết định số 1236/QĐ-BGDĐT ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng kế hoạch phối hợp về công tác dự phòng nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên đến năm 2020, sẽ được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới.

Trước tình hình trên, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết Bộ Công an đang phối hợp với Bộ GĐ&ĐT xây dựng một chương trình dự phòng, giáo dục về ma túy với học sinh, sinh viên, bao gồm tổng hợp các giải pháp từ công tác giáo dục, tuyên truyền phòng ngừa đến đấu tranh xử lý vi phạm, trong đó lấy học sinh, sinh viên là trung tâm; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong công tác này.

Top