Xây dựng Luật chuyển đổi giới tính: Tiếng nói người trong cuộc

22/05/2017 10:11

Chuyển đổi giới tính là một trong những vấn đề nóng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng người chuyển giới. Đặc biệt, kể từ thời điểm Bộ luật dân sự sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, không ít người chuyển giới đang mong muốn được nhanh chóng xác nhận và thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình.

Dự án Luật Chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế xây dựng. Đây là luật dành riêng cho cộng người chuyển giới, chính vì vậy ý kiến của chính cộng đồng này là vô cùng cần thiết khi xây dựng Luật.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 300.000 người là người chuyển giới, số người có mong muốn được chuyển đổi giới tính (CĐGT) là rất nhiều.

Trong xây dựng Luật, một giải pháp được Bộ Y tế đưa ra là chỉ công nhận chuyển đổi giới tính với các trường hợp có can thiệp y tế và sử dụng hormone.

Tuy nhiên, theo Trúc Linh – một bạn chuyển giới từ nam sang nữ, nếu chỉ người đã phẫu thuật và dùng hormone mới được công nhận chuyển giới là không đủ. Vì trên thực tế nhiều bạn chuyển giới chỉ “giả trang” bằng quần áo, tóc, trang điểm chứ không đủ tiền để phẫu thuật. Còn có bạn muốn phẫu thuật hay dùng hormone nhưng không bảo đảm sức khỏe. “Dùng hormone có nhiều tác dụng phụ, phẫu thuật cũng có quá nhiều đau đớn, biến chứng nên không phải người chuyển giới nào cũng chấp nhận hy sinh sức khỏe, tuổi thọ để làm. Nhưng họ vẫn thực sự mong muốn sống với giới tính khác với giới tính mình sinh ra” – Linh nói.

Ở một khía cạnh khác, bạn Susu - một chuyển giới nam thì cho rằng, việc thay đổi một con người về cơ thể sinh học, giấy tờ hộ tịch… là một sự thay đổi lớn. Do đó, bắt buộc phải kiểm tra tư vấn tâm lý của người có mong muốn CĐGT trước khi được công nhận là người CĐGT giúp họ xác định rõ mình là ai? Có thật sự mong muốn CĐGT? Thử nghiệm vai trò làm người mới thế nào?... Trên thực tế, có người sau khi CĐGT do chưa có sự chuẩn bị trước về tâm lý nên cảm thấy bị cô lập, bế tắc, trầm cảm dẫn đến tự tử…

Ánh Phong, chuyển giới nữ, chia sẻ việc CĐGT ảnh hưởng đến cả cuộc đời, do đó phải bảo đảm sức khỏe của bản thân là trên hết, quá trình đi tìm lại bản thân cần tìm cơ sở hợp pháp, đủ điều kiện để thực hiện tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Việc công nhận các can thiệp y tế đã thực hiện CĐGT cần bắt buộc phải được kiểm tra lại và công nhận tất cả các trường hợp đã thực hiện phẫu thuật CĐGT trước khi Luật CĐGT có hiệu lực (dựa trên tình trạng thực tế của cơ thể người CĐGT…).

Liên qua đến việc mà Ánh Phong chia sẻ, hiện tại một vấn đề bức thiết được đặt ra đó chính là cơ sở y tế nào tại Việt Nam đủ điều kiện kiểm tra và cấp giấy xác nhận đã thực hiện “quá trình chuyển đổi giới tính một phần hoặc toàn phần”. Bởi giấy xác nhận này chính là nền tảng để các cơ quan chức năng có thể tiến hành thay đổi là hộ tịch cho người chuyển giới.

Bên cạnh đó, một số cơ sở khám chữa bệnh trong nước vẫn thực hiện chui quá trình chuyển đối giới tính cho người có nhu cầu.

Ánh Phong (đứng, chuyển giới từ nam sang nữ) đã thực hiện phẫu thuật ngực và bộ phận sinh dục tại Thái Lan. Ảnh Nhật Thy

Những người chuyển đổi giới tính từ nước ngoài về và những người thực hiện tại cơ sở chưa được cấp giấy phép tại Việt Nam là đối tượng khiến cơ quan chức năng cảm thấy khó khăn trong việc cấp giấy xác nhận đã chuyển đổi giới tính.

Bởi nếu pháp luật chỉ công nhận cho những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính ở nước ngoài về mà không công nhận cho những người đã thực hiện chuyển đổi giới tính trong nước sẽ dẫn tới tình trạng bất bình đẳng đối với họ. Do không phải cơ sở khám chữa bệnh nào ở nước ngoài cũng đủ cơ sở pháp lý và việc xác nhận cơ sở hợp pháp ở nước ngoài là một bài toán nan giản cho cơ quan xác nhận tại Việt Nam.

Theo Thảo Linh (chuyển giới nữ, TP HCM) chia sẻ: “Không phải người chuyển giới nào cũng có điều kiện thực hiện tại bệnh viện có cơ sở pháp lý chuyển đổi giới tính. Những người chuyển giới không chỉ phải dành tiền để duy trì cuộc sống mà mỗi tháng mỗi năm phải mất khoản tiền lớn tiêm hormone.

Chưa kể việc những người chuyển giới trước đó đã hoàn thiện xong quá trình chuyển đổi giới tính ở nước ngoài và có thể không giữ lại những giấy tờ.”

Tuy nhiên, Thảo Linh cũng nhấn mạnh: “Chi phí kiểm tra lại tại các cơ sở khám chữa bệnh ở Việt Nam có đủ điều kiện pháp lý phải đảm bảo phù hợp với mức thu nhập trung bình của người chuyển giới.”

Bên cạnh đó, rất nhiều ý kiến của cộng đồng người chuyển giới đưa ra về vấn đề CĐGT có liên quan như kinh phí, cơ sở khám chữa bệnh đáp ứng yêu cầu CĐGT… Thực hiện CĐGT là vấn đề khá tốn kém, do đó, nhiều người chuyển giới bày tỏ mong muốn rằng họ sẽ được bảo hiểm y tế chi trả một phần cho dịch vụ kỹ thuật CĐGT.

Top