Xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính: Cần thấu hiểu và toàn diện

09/11/2018 13:18

Một nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống và làm việc tại TPHCM (2015, CARMAH và Đại học Pittsburg) cho thấy, 45% bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Điều này phần nào giải thích cho thực tế chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có các việc làm ở khu vực chính thức (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 Hương Giang trong sự kiện “Lắng nghe người chuyển giới”

Trong những năm gần đây, sự hiện diện của người chuyển giới tại Việt Nam đang ngày một rõ rệt. Tại Việt Nam có khoảng ước tính có khoảng 300.000 đến 500.000 người chuyển giới. Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt tại trường học, bị kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và nơi công cộng. Cơ hội tiếp cận với việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn, đặc biệt đối với những người dũng cảm bộc lộ bản dạng giới và sống đúng với giới tính mình mong muốn.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức đáng báo động. 23% cho biết đã bị buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới. Tuy nhiên, những con số kể trên chưa thể phản ánh đầy đủ về bức tranh cộng đồng chuyển giới ở Việt Nam do chưa đề cập đến cộng đồng người chuyển giới nam, những người chuyển giới chưa lộ diện và chưa đến độ tuổi thành niên.

Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng được cải thiện ở Việt Nam, dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có, gây trở ngại cho cộng đồng trong việc thực hiện một trong những quyền cơ bản nhất của con người-quyền được sống khỏe mạnh.

Người chuyển giới đang phải sử dụng các loại thuốc hormorne trôi nổi ngoài thị trường, nguồn hàng chủ yếu là xách tay, hoặc qua người quen đã sử dụng truyền miệng lại, với giá cả và chất lượng không thể kiếm chứng. Qua các hoạt động thực tế và tìm hiểu của Trung tâm ICS, trung bình mỗi năm tại TPHCM, có khoảng 24-30 người chuyển giới gặp các biến chứng hậu phẫu và phải quay ngược lại Thái Lan để thăm khám, và khoảng 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormorne, tiêm silicon,..và còn rất nhiều những nguy hiểm khác chưa thể thống kê, vì số lượng người chuyển giới sử dụng các dịch vụ y tế hỗ trợ quá ít.

Theo bạn Anna-Trưởng nhóm Đa Sắc Màu-một tổ chức cộng đồng hỗ trợ cho người chuyển giới tại Bình Dương cho biết: “Trong 2017, Đa Sắc Màu đã ghi nhận được 2 trưởng hợp người chuyển giới ở địa phương tử vong. Một trường hợp là do bị kì thị nên sử dụng ma túy để giải tỏa,dẫn đến sốc thuốc và tử vong, còn 1 trường hợp là do hành nghề mại dâm, bị lây nhiễm HIV và qua đời thời gian ngắn sau khi phát hiện tình trạng nhiễm của mình. Những con số trên chưa phổ quát hết được tình hình chung của người chuyển giới tại Bình Dương, vì ngoài vấn đề về sức khỏe và việc làm, người chuyển giới còn bị kì thị khi tham gia sử dụng các dịch vụ giải trí xã hội hay tiếp cận học tập”.

Nhiều điểm tiến bộ nhưng vẫn chưa toàn diện

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đã được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng, bảo vệ quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Trong quá trình xây dựng dự thảo, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)-cơ quan phụ trách soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ cộng đồng người chuyển giới Việt Nam và nhiều điểm của dự thảo đã được sửa đổi để đáp ứng quyền của người chuyển giới. Tuy nhiên, trên thực tế, so với nhiều quốc gia khác, dự thảo này thời gian qua cũng mang đến nhiều tranh luận, với nhiều vấn đề trắc trở mà người chuyển giới đang gặp sẽ vẫn chưa được tháo gỡ khi luật ra đời nhưng chưa bổ sung những xu hướng tiến bộ.

Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính có một số điểm quan trọng còn nhiều ý kiến trao đổi chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: “Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”. Như vậy theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục.

Quy định như khoản 5 Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện sau: về kinh tế họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật. Đã có những trường hợp người chuyển giới chết do sốc thuốc khi tự tiêm hormone, may mắn hơn thì được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng còn biết bao nhiêu các bạn khác đang từng ngày từng giờ đánh cược mạng sống của mình bất chấp rủi ro về địa lý, điều kiện chăm sóc y tế v.v.

Trên thực tế cũng không ít trường hợp đã gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị hormone hay tự tiêm silicone do dịch vụ y tế cho người chuyển giới ở Việt Nam chưa được coi là hợp pháp. Và những câu chuyện về những người chuyển giới thân cô thế cô nơi đất khách đi phẫu thuật “chui” ở những cơ sở tạm bợ, không giấy phép, không đảm bảo điều kiện tối thiểu về y khoa cũng không phải là hiếm. Để kể ra hết những rắc rối, hay khó khăn đối với cộng đồng chuyển giới khi chưa có luật thì cả chục trang viết vẫn chưa đủ. Việc sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính và cởi mở trong các quy định của bộ luật này theo xu hướng tiến bộ của thế giới là mong muốn không chỉ của người chuyển giới mà còn của cả người cung cấp dịch vụ liên quan cũng như cộng đồng.
Top